Cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động

09:16 - Thứ Sáu, 08/11/2019 Lượt xem: 13202 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.200 doanh nghiệp hoạt động với tổng số vốn kinh doanh trên 20.000 tỷ đồng, sử dụng khoảng 42.000 lao động; trong đó nhiều doanh nghiệp có tổ chức công đoàn hoạt động. Ðảm bảo quyền lợi cho công đoàn viên, người lao động; thời gian qua công đoàn các doanh nghiệp tích cực tham gia với chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người lao động, phối hợp với chuyên môn xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền về pháp luật an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ), các quy trình, quy phạm tới người lao động bằng nhiều hình thức phù hợp. Song song với công tác tuyên truyền, hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động về ATVSLÐ tại các đơn vị, doanh nghiệp được đẩy mạnh, góp phần từng bước cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Công nhân Nông trường Cao su Tuần Giáo khai thác mủ tại vườn cây xã Mường Mùn.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Trong tháng 6/2019, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLÐ tại 4 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Khoáng sản Ðiện Biên; Doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Kim; Công ty TNHH gỗ Ðiện Biên và Công ty TNHH Quang Vấn. Qua kiểm tra cho thấy các đơn vị này đã thực hiện thời giờ làm việc theo đúng quy định; công tác vệ sinh môi trường đảm bảo sạch sẽ, gọn gàng, hợp vệ sinh, không có tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp xảy ra đối với người lao động. Các doanh nghiệp cũng chấp hành tốt việc xử lý chất thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt, đảm bảo an toàn, đúng quy định về công tác quản lý, sử dụng các thiết bị, vật tư dễ cháy nổ. Tuy nhiên trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện chỉ có 1/4 đơn vị ban hành nội quy, quy trình đảm bảo về ATVSLÐ theo đúng quy định; 1/4 đơn vị thực hiện trang cấp đầy đủ thiết bị phòng hộ lao động và dụng cụ bảo hộ lao động cá nhân, người lao động được phổ biến, quán triệt về ATVSLÐ; 2/4 đơn vị bảo đảm nơi làm việc đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm theo quy định. Cùng với đó cả 4 doanh nghiệp khi được kiểm tra đều chưa thực hiện huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động theo quy định tại Nghị định số 44/2016/NÐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLÐ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLÐ và quan trắc môi trường lao động; chưa khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động theo quy định… Với những thiếu sót, tồn tại, hạn chế và sai phạm nhất định của mỗi doanh nghiệp, đoàn kiểm tra đã kịp thời kiến nghị khắc phục, sửa chữa.

Ông Nguyễn Quốc Chí, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Hoàng Kim cho biết: Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mô tô, xe máy, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh. Thời gian qua, doanh nghiệp luôn chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh cùng với việc thực hiện pháp luật về ATVSLÐ, thực hiện bảo hộ lao động đầy đủ cho người lao động trong quá trình làm việc, có phương án phòng, chống cháy nổ… Một số thiếu sót trong chấp hành các quy định của pháp luật lao động về ATVSLÐ được đoàn kiểm tra liên ngành chỉ ra, chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm thực hiện báo cáo định kỳ về tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLÐ nghiêm trọng. Cử cán bộ làm công tác ATVSLÐ, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động. Xây dựng các nội quy, quy trình làm việc bảo đảm ATVSLÐ phù hợp với từng loại máy, thiết bị, nơi làm việc. Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu (nếu xảy ra sự cố)…

Thực tế cho thấy dù đã có nhiều giải pháp trong cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, song do phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ nên chưa thực sự chú trọng đến công tác đảm bảo ATVSLÐ cho người lao động. Ðiều dễ nhận thấy đó là còn chưa trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động trong quá trình làm việc. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm công tác huấn luyện ATVSLÐ cho người lao động. Bên cạnh đó là tình trạng còn một bộ phận người lao động chưa chấp hành tốt nội quy lao động, các quy định trong lao động sản xuất… Do vậy việc người sử dụng lao động, người lao động tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật về ATVSLÐ chính là biện pháp thiết thực nhất, hiệu quả nhất để cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top