Công tác hòa giải cơ sở ở Tuần Giáo

09:21 - Thứ Sáu, 08/11/2019 Lượt xem: 11847 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, các tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện Tuần Giáo được kiện toàn và mở rộng ra tất cả các khu phố, bản trên địa bàn. Các hòa giải viên hoạt động khá tích cực, góp phần không nhỏ vào công tác giải quyết mâu thuẫn trên địa bàn ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế tình trạng các đơn thư, khiếu nại vượt cấp xảy ra.

Tổ hòa giải bản Dửn tiếp nhận xử lý các mâu thuẫn, tranh chấp của người dân trên địa bàn.

Trước đây, bản Dửn, xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) thường xuyên có những tranh chấp nhỏ trong nhân dân. Nguyên nhân là cứ mỗi mùa mưa tới, dòng Nậm Húa trước bản lại “bên lở, bên bồi” làm ảnh hưởng đến ranh giới đất sản xuất của nông dân, khiến cho việc phân định mốc giới gặp nhiều khó khăn. Sự vào cuộc của tổ hòa giải cơ sở bản Dửn giúp cho “lời qua tiếng lại” không còn. Ông Lò Văn Thân, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ hòa giải bản Dửn cho biết: Mâu thuẫn, xích mích chủ yếu đến từ tranh chấp đất đai, đất sản xuất, hôn nhân gia đình… Khi mâu thuẫn xảy ra mà người dân chưa tìm được cách giải quyết thỏa đáng, họ tìm tới chính quyền cơ sở, thông báo tới tổ hòa giải. Trước hết, các thành viên trong tổ phải xác định vụ việc nào thuộc phạm vi hòa giải, vụ việc nào ngoài tầm tay cần phải đưa ra giải quyết ở chính quyền, pháp luật. Tổ hòa giải thường có từ 3 - 6 người và nhất thiết phải có cán bộ chi hội phụ nữ trong đó. Ðồng thời, hòa giải viên phải nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải, có thái độ khách quan vô tư khi nhìn nhận sự việc. Hơn hết, các hòa giải viên ở cơ sở phải vận dụng khéo léo uy tín, mối quan hệ tình cảm hàng xóm láng giềng để khuyên nhủ, hóa giải tranh chấp, mâu thuẫn. Nhờ đó mà từ đầu năm đến nay, tổ hòa giải bản Dửn đã giải quyết thành công 7 vụ tranh chấp, 1 vụ đang tiếp tục hòa giải. Tương tự như ở bản Dửn, nhờ có tổ hòa giải cơ sở mà các vụ xích mích, mâu thuẫn nhỏ ở bản Hiệu 1, xã Chiềng Sinh đều được giải quyết thuận tình, thấu đáo. Ông Quàng Văn Yêu, Tổ trưởng Tổ hòa giải bản Hiệu 1 cho biết: Hàng năm, các hòa giải viên đều được tập huấn về các nội dung về kỹ năng hòa giải cơ sở, quan hệ với các bên tranh chấp, một số hành vi không được thực hiện khi hòa giải… Với những kiến thức đó, các hòa giải viên có thể tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân phát sinh vụ việc để tìm ra hướng giải quyết trọn tình, vẹn lý cho cả hai bên. Tổ sẽ mời các bên liên quan tới nhà của tổ trưởng hoặc các tổ viên cùng chuyện trò, trao đổi, phân tích nhiều khía cạnh của vấn đề để các bên tranh chấp có thể tìm được tiếng nói chung. Từ đầu năm đến nay, tổ giúp cho 2 trường hợp thuận tình ly hôn trong êm đẹp, không để xảy ra tranh chấp kéo dài về phân chia tài sản. 

Theo ông Bùi Anh Hùng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tuần Giáo: Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được huyện quan tâm, tạo điều kiện duy trì, củng cố và phát triển. Nhờ vậy, đến nay 237 bản, khu phố trên địa bàn huyện đều có tổ hòa giải ở cơ sở với 1.134 hòa giải viên. Các hòa giải viên đều là trưởng khối, bản hoặc bí thư chi bộ, hội trưởng các chi hội, người có uy tín trong cộng đồng dân cư… Các tổ hòa giải này hoạt động tương đối hiệu quả, giải quyết ổn thỏa các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở, góp phần củng cố, duy trì, phát triển khối đoàn kết toàn dân. 10 tháng của năm 2019, các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận, xử lý 83 vụ; trong đó, 51 vụ hòa giải thành công, 24 vụ hòa giải không thành, 7 vụ đang giải quyết. Việc lập hồ sơ vụ việc cũng được các tổ thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng theo quy định. Ðể nâng cao chất lượng cho hòa giải viên cơ sở, Phòng tiến hành tập huấn, nâng cao nhận thức về pháp luật cho đội ngũ này tại các xã: Chiềng Sinh, Quài Tở. Trong thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với UBND các xã còn lại tiến hành tập huấn cho đội ngũ này. Ngoài ra, kinh phí cho các tổ hòa giải được UBND huyện cấp về các xã, thị trấn thực hiện với mức 100 nghìn đồng/tháng và hỗ trợ 150 nghìn đồng/vụ hòa giải không thành, 200 nghìn đồng/vụ hòa giải thành công. Qua báo cáo của các xã, thị trấn, việc chi cho hoạt động và hỗ trợ đều được các xã, thị trấn thực hiện dồn vào cuối năm ngân sách để tạo nguồn động viên tinh thần cho các tổ hòa giải cơ sở.

Có thể thấy rằng, hòa giải cơ sở ở huyện Tuần Giáo là một trong các cơ chế giải quyết xung đột xã hội ít tốn kém, mang lại hiệu quả cao, giá trị bền vững khi khơi dậy được các mối quan hệ ở địa phương. Ðiều đó không chỉ giảm thiểu vi phạm pháp luật, khiếu nại, tố cáo, áp lực cho cơ quan Nhà nước mà còn góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top