Gương mặt trẻ

Người đưa máy cấy loại nhỏ vào đồng ruộng

08:54 - Thứ Năm, 14/11/2019 Lượt xem: 12080 In bài viết

ĐBP - Kiệm lời khi nói về mình nhưng lại vô cùng nhiệt huyết khi nói về công việc của nhà nông “bám đồng ruộng”. Với quan niệm “học và làm theo Bác phải bằng hành động, việc làm cụ thể và phải gắn với nhiệm vụ chuyên môn” vậy nên điều chị Ðào Thị Khuyên, Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) trăn trở đó là làm sao để góp sức mình nhiều hơn vào công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, góp phần đổi thay trên những vùng nông thôn mới. Vì vậy, năm 2018 chị Khuyên cùng đồng nghiệp triển khai thí điểm mô hình sử dụng máy cấy loại nhỏ trên đồng ruộng tại xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên).

Nông dân xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) sử dụng máy cấy loại nhỏ vào sản xuất.

Nói về ý tưởng khi thực hiện thí điểm mô hình này, chị Khuyên cho biết: Ðể nâng cao năng suất, chất lượng lúa nước đảm bảo yêu cầu giảm chi phí “đầu vào” cùng với việc kiểm soát chặt chẽ tình hình sinh vật gây hại không để bùng phát thành dịch, bảo vệ an toàn sản xuất thì đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất là vô cùng cần thiết. Trong khi bất cập lớn nhất trong sản xuất lúa nước hiện nay của tỉnh đó là phương pháp gieo vãi dù được áp dụng trên đồng ruộng từ năm 1990, nhưng sau thời gian dài đã bộc lộ một số hạn chế về lượng giống sử dụng nhiều, đất bị chai cứng do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật liên tục trong nhiều năm, sinh vật gây hại diễn biến ngày càng phức tạp, chi phí sản xuất cao. Ðặc biệt là tình trạng lúa lẫn trên đồng ruộng vùng lòng chảo ngày càng khó kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng, thương hiệu gạo Ðiện Biên. Sau khi nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để giảm tình trạng lúa lẫn và sinh vật gây hại trên đồng ruộng, hạn chế sử dụng vật tư “đầu vào”, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, tôi cho rằng cần thay đổi phương thức sản xuất từ gieo vãi sang lúa cấy. - Chị Khuyên khẳng định. Tuy nhiên, cũng theo chị Khuyên biện pháp cấy bằng tay khó áp dụng do tốn công lao động, tiến độ cấy chậm nên thời vụ không đảm bảo hoặc sử dụng máy cấy cỡ lớn có thể thực hiện nhưng không phù hợp với kiểu ruộng bậc thang và điều kiện kinh tế của người dân. Vì vậy, vụ mùa năm 2018 chị Khuyên đã mạnh dạn đề xuất thực hiện thí điểm mô hình sử dụng máy cấy loại nhỏ tại xã Thanh Xương với diện tích áp dụng là 1,7ha.

Chị Khuyên tâm sự: Do đây là mô hình đầu tiên thử nghiệm trên địa bàn tỉnh áp dụng biện pháp cấy bằng máy nên người dân chưa có kinh nghiệm, nhất là khâu làm mạ, cấy; nên lúc đầu một số hộ chưa tin tưởng khi áp dụng kỹ thuật này. Chính vì vậy, trước khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật trên đồng ruộng chúng tôi đều bố trí các lớp tập huấn gắn lý thuyết với thực hành để bà con có thể nắm bắt và thực hiện ngay tại ruộng của mình. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi thường xuyên phối hợp với cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên, cán bộ khuyến nông xã Thanh Xương và người dân thực hiện mô hình kiểm tra tình hình sinh trưởng và dịch hại trên đồng ruộng; hướng dẫn bà con nhận biết các đối tượng dịch hại chính để biết cách xử lý kịp thời. Qua theo dõi mô hình, điều chị Khuyên phấn khởi nhất đó chính là việc áp dụng phương pháp cấy bằng máy này có thể điều chỉnh mật độ chuẩn thoáng theo hàng nên dễ kiểm soát lúa lẫn, cỏ dại và sâu bệnh hại; thuận lợi hơn rất nhiều trong quá trình chăm sóc, lúa sinh trưởng phát triển đồng đều, tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao, lúa trỗ bông tập trung. Không sử dụng thuốc trừ cỏ do áp dụng kỹ thuật cấy, thời gian làm đất được kéo dài, ruộng giữ nước lâu từ 10 - 15 ngày so với ruộng gieo sạ nên hạt cỏ dại và hạt lúa lẫn khó mọc hơn. Cây lúa lẫn và cỏ dại lên muộn, dễ phân biệt nên dễ loại bỏ; tỷ lệ lúa lẫn giảm hơn 80% so với các vụ trước và giảm khoảng 35% công khử lẫn so với ruộng ngoài mô hình. Không những vậy, phương pháp cấy lúa bằng máy loại nhỏ cho năng suất lúa cao hơn (tăng 5%); tổng chi phí về giống, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động giảm 6 - 7 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn từ 8 - 9 triệu đồng/ha (so với ruộng gieo sạ). Khi cấy bằng máy cây lúa được quản lý chặt chẽ về dinh dưỡng, phân bón theo nhu cầu từng giai đoạn, giảm từ 3 - 5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với sản xuất trước đây, không sử dụng thuốc trừ cỏ… góp phần giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, góp phần thay đổi nhận thức trong canh tác lúa theo hướng bền vững.

Hiệu quả từ triển khai thí điểm mô hình sử dụng máy cấy loại nhỏ trên đồng ruộng do chị Khuyên thực hiện mang lại hiệu quả rõ rệt góp phần giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị sản xuất lúa nước, được lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo địa phương thực hiện mô hình quan tâm đánh giá cao. Chính vì vậy, sau khi vụ mùa năm 2018 kết thúc, phương pháp sử dụng máy cấy loại nhỏ được người dân áp dụng rộng rãi trên đồng ruộng vùng lòng chảo Mường Thanh với diện tích hơn 65ha, tập trung tại các xã: Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Thanh Yên… (UBND huyện Ðiện Biên hỗ trợ người dân 50% chi phí mua 32 máy cấy). Không chỉ ở huyện Ðiện Biên, một số huyện như: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, TX. Mường Lay và TP. Ðiện Biên cũng đã thực hiện mô hình này và động viên, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích sử dụng máy cấy loại nhỏ trên đồng ruộng.

Chừng ấy thông tin khi nghe chị Khuyên kể về mô hình thí điểm sử dụng máy cấy loại nhỏ đã được áp dụng rộng rãi trên đồng ruộng, tôi nhận thấy trong mắt chị ngời sáng những niềm tin và hy vọng. Tin rằng với trình độ thâm canh lúa nước của người dân có từ bao đời nay cùng sự mạnh dạn áp dụng các biện pháp cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của nông dân sẽ ngày càng được nâng cao. Và điều chị Khuyên luôn tâm niệm khi tâm sự với chúng tôi ấy là ngành nào cũng quý, nghề nào cũng đáng được trân trọng khi biết phát huy, khi làm lợi được nhiều hơn cho người dân. Ðó không chỉ đơn thuần là phục vụ mà còn là trách nhiệm, thể hiện tính tiền phong gương mẫu đi đầu của mỗi cán bộ, đảng viên trong học và làm theo Bác.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top