Người dân bản Mường Nhé 1, 2

Cần sớm được bố trí đất để an cư

09:15 - Thứ Năm, 14/11/2019 Lượt xem: 12589 In bài viết

ĐBP - Ðã gần 10 năm chuyển từ Sơn La về cư trú rải rác tại các vườn cao su đã trồng trên địa bàn xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) và 7 năm được quy hoạch di dời theo Ðề án “Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên” (gọi tắt là Ðề án 79), nhưng hiện nay 89 hộ dân nơi đây vẫn thấp thỏm chờ cấp đất ở, đất sản xuất, dù người dân đã nhiều lần kiến nghị, gửi đơn lên các cấp có thẩm quyền huyện Mường Nhé...

Một góc bản Mường Nhé 2. Ảnh: Sầm Phúc

Nhiều người dân “không có đất”

Sau gần 20 phút đi xe máy từ trung tâm huyện Mường Nhé, chúng tôi đến bản Mường Nhé 2 (xã Mường Nhé). Sau khi dẫn chúng tôi “mục sở thị” quanh bản, chỉ tay về phía những nóc nhà dột nát, trưởng bản Mường Nhé 2 Sùng A Chai trải lòng: Tháng 7/2009, sau khi di chuyển từ Sơn La về xã Mường Nhé, chúng tôi được nhận làm công nhân tại Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé và được Công ty hỗ trợ một phần kinh phí và cấp 15kg gạo/tháng để sinh sống. Ðến năm 2012, 89 hộ dân cư trú rải rác tại các vườn cao su trên địa bàn xã Mường Nhé rất vui mừng khi được quy hoạch, bố trí sắp xếp đất ở, đất sản xuất theo Ðề án 79. Thế nhưng, sau nhiều năm chờ đợi mòn mỏi, đến nay huyện mới bố trí được đất ở cho 17 hộ (chưa có đất sản xuất). Không có đất, nhiều người dân phải phiêu bạt tứ phương để kiếm sống; nhất là do thiếu đất sản xuất nên người dân phải bỏ tiền thuê đất ruộng, đất nương của người sở tại để cày cấy. Mặc dù vậy, đến nay chưa có hộ nào trong bản được giao đất. Bản đã kiến nghị nhiều lần tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng việc cấp đất vẫn chưa thực hiện được.

Cùng trưởng bản Sùng A Chai men theo con đường mòn, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lý A Bua - hộ mới được cấp đất để xây dựng nhà ở. Anh Bua, chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn các cấp chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi, bố trí quỹ đất để gia đình tôi có nhà ở. Nhưng xuất thân là nông dân mà hiện gia đình vẫn chưa được cấp đất cày cấy, trồng trọt, nên không biết làm nghề gì để mưu sinh”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Sùng A Say (bản Mường Nhé 2) giãi bày: Do chưa được bố trí đất ở nên gia đình tôi vẫn sống trong ngôi nhà tuềnh toàng. Ðể có tiền trang trải cuộc sống, tôi đã phải làm đủ thứ nghề, ai thuê gì làm nấy nhưng khó khăn vẫn chồng chất khó khăn. Tôi mong các cấp chính quyền huyện Mường Nhé sớm bố trí nguồn kinh phí, đất ở, đất sản xuất tại khu tái định cư để bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Chờ đến bao giờ?

Ngày 27/6/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 576/QÐ-UBND về việc Phê duyệt điều chỉnh phương án sắp xếp, ổn định dân cư và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh bản Mường Nhé 1 và bản Mường Nhé 2, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé). Quyết định có mục tiêu bố trí, sắp xếp, ổn định cho 89 hộ, 500 nhân khẩu cư trú rải rác tại các vườn cao su về nơi ở mới, thành lập bản Mường Nhé 1 tại khu vực Nà Pán, xã Mường Nhé và bản Mường Nhé 2 nằm gần quốc lộ 4H, cách trung tâm huyện Mường Nhé 3,5km về phía đông nam. Hỗ trợ di chuyển người và tài sản, mua dụng cụ sinh hoạt; hỗ trợ bồi thường, thu hồi đất và tài sản trên đất; hỗ trợ thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Ðồng thời, đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu như: Ðường giao thông, công trình nước sinh hoạt, nhà lớp học, nhà văn hóa... Thực hiện mục tiêu trên, Mường Nhé phấn đấu đến hết năm 2019 hoàn thành việc giao đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ đời sống, sản xuất, xây dựng các công trình thiết yếu, thúc đẩy và nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay các hạng mục vẫn “bất động” do chủ đầu tư và nhân dân được bồi thường, hỗ trợ đất chưa tìm được tiếng nói chung.

Ðược biết, trước đây phương án sắp xếp, ổn định dân cư và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh bản Mường Nhé 1 và bản Mường Nhé 2, do Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé làm chủ đầu tư; năm 2016 chuyển giao về Ban Quản lý dự án các công trình huyện Mường Nhé làm chủ đầu tư. Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản lý các công trình huyện Mường Nhé cho biết: Theo Báo cáo số 01/BC-TCPTQÐ của Tổ chức Phát triển quỹ đất huyện Mường Nhé thì tổng diện tích đất thu hồi là 450.053,2m2; với tổng mức bồi thường, hỗ trợ về cây cối, hoa màu 296.627.696 đồng. Ðặc biệt, theo rà soát của Phòng Tài nguyên và Môi trường thì toàn bộ diện tích đất bị thu hồi không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; do đó, không tính bồi thường về đất. Mặt khác, đại đa số các hộ có tài sản, hoa màu bị ảnh hưởng bởi dự án đều yêu cầu bồi thường hỗ trợ hoa màu đối với toàn bộ diện tích bị thu hồi theo đơn giá tại Quyết định số 02/2015/QÐ-UBND của UBND tỉnh Ðiện Biên. Do vậy, hiện nay người dân đang sinh sống tại các điểm tái định cư không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ nên không bàn giao đất để chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, khiến cho dự án vẫn nằm trên giấy.

Anh Hờ A Trống, bản Nà Pán, xã Mường Nhé cho rằng: “Chúng tôi cơ bản đồng tình với phương án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân tái định cư chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, công tác đo đạc diện tích, mức bồi thường, hỗ trợ tài sản, hoa màu trên đất, đặc biệt đối với cây lúa chưa thỏa đáng nên người dân không đồng ý và không bàn giao đất thu hồi cho huyện Mường Nhé”.

Ðể giải quyết “bài toán” tái định cư, ổn định đời sống nhân dân bản Mường Nhé 1, 2 theo Ðề án 79, nhiều giải pháp đã được huyện Mường Nhé đưa ra bàn thảo. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chính sách ưu đãi của Ðảng và Nhà nước. Ðồng thời, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành đo đạc lại toàn bộ diện tích đất bị thu hồi; lên phương án bồi thường đối với diện tích đất đủ điều kiện, còn diện tích không đủ điều kiện chỉ chi trả tiền hỗ trợ hoa màu, tài sản trên đất. Tiến hành giải quyết triệt để vấn đề tranh chấp đất, hoàn thiện hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Ðặc biệt, đề nghị tỉnh bố trí, sắp xếp nguồn vốn triển khai thực hiện dự án theo đúng lộ trình đề ra.

Trên thực tế, việc giải phóng mặt bằng, bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân bản Mường Nhé 1, 2 (xã Mường Nhé) không phải là việc làm một sớm một chiều... Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, hoàn thành mục tiêu Ðề án theo đúng lộ trình, rất mong các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện cần đề ra những chính sách, phương án thiết thực, hợp lòng dân. Từ đó, góp phần giúp nhân dân “an cư lạc nghiệp”; đẩy nhanh phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top