Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động

08:41 - Thứ Sáu, 15/11/2019 Lượt xem: 11506 In bài viết

ĐBP - Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐTB&XH), trên địa bàn tỉnh hiện có gần 330.000 lao động tham gia hoạt động kinh tế, trong đó có nhiều người đang làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại như: Khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, cơ khí, điện, vật liệu nổ công nghiệp... Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cần được các cấp, ngành tỉnh và các doanh nghiệp quan tâm.

Xây dựng là một trong những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn, song nhiều lao động vẫn chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động.

Thống kê từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, 3 năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ tai nạn lao động làm 12 người bị nạn. Trong đó, 8 vụ tai nạn nặng với tổng số 8 người bị nạn, 4 vụ tai nạn chết người, tổng số chi phí thiệt hại do tai nạn lao động lên tới hơn 1,2 tỷ đồng. Tỷ lệ các vụ tai nạn lao động xảy ra cao nhất thuộc lĩnh vực khai thác khoáng sản, điện và khí đốt (chiếm 17% số vụ và 50% số người chết trên địa bàn tỉnh). Riêng tai nạn lao động đối với lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 90 vụ làm 94 người bị nạn, trong đó có 18 người chết. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do người sử dụng lao động chưa tổ chức đánh giá rủi ro về mối nguy hiểm, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; chưa xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng loại máy, thiết bị, nơi làm việc theo quy định. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ thường sử dụng các thiết bị máy móc cũ, lạc hậu và không trang cấp hoặc trang cấp không đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Mặt khác, trình độ nhận thức của nhiều người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ, lĩnh vực xây dựng còn thấp, thao tác lao động thường làm theo thói quen (không tuân thủ quy trình an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân...) dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao. Bên cạnh đó, do lực lượng thanh tra còn quá mỏng và phải đảm trách nhiều nhiệm vụ nên không thể kiểm soát để xử lý kịp thời các hành vi sai phạm về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động.

Ðể khắc phục những khó khăn, hạn chế số vụ tai nạn lao động, theo Sở LÐTB&XH việc quan trọng là phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác an toàn vệ sinh lao động. Ðồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn toàn tỉnh; nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền cấp huyện, xã; củng cố, kiện toàn công tác an toàn vệ sinh lao động. Song song với đó, cần phải tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy. Nhất là trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ như: Sản xuất kinh doanh xăng dầu, khai thác đá, khoáng sản, điện, hóa chất, xây dựng, vận tải... Từ đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, các quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng củng cố bộ máy làm công tác bảo hộ lao động tại cơ sở; chủ động kiểm tra để phát hiện những nguy cơ mất an toàn lao động và đề ra biện pháp phòng ngừa; thường xuyên nhắc nhở người lao động chấp hành nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Ðặc biệt, các tổ chức thành viên, các cấp công đoàn phải thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của mình được quy định trong Luật An toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp”, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động nhằm xây dựng môi trường làm việc an toàn, hạn chế rủi ro tai nạn, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Bài, ảnh: Huyền Lâm
Bình luận
Back To Top