Hiệu quả từ bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng

08:50 - Thứ Hai, 18/11/2019 Lượt xem: 10351 In bài viết

ĐBP - Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), năm 2019, TP. Ðiện Biên Phủ đã triển khai nhiều mô hình bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng ngay tại đồng ruộng. Sau gần 1 năm triển khai, các mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi thói quen, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh đồng ruộng.

Hơn nửa năm nay, từ khi bản Mớ (phường Thanh Trường) được UBND TP. Ðiện Biên Phủ hỗ trợ xây dựng bể thu gom bao bì thuốc BVTV tại đồng ruộng, ông Cà Văn Bản luôn duy trì thói quen thu gom bao bì, chai lọ bỏ vào bể sau mỗi lần phun thuốc cho lúa, ngô. Ông Bản cho biết: Từ ngày có bể thu gom bao bì thuốc BVTV, thói quen “tiện đâu vứt đấy” sau khi cắt vỏ bao thuốc của tôi và rất nhiều người dân đã thay đổi. Thay vì vứt vỏ thuốc tại bờ ruộng, lòng kênh mương, tôi gom lại một chỗ rồi bỏ vào bể chứa.

Phường Thanh Trường có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất TP. Ðiện Biên Phủ với 250ha, chiếm gần 1/3 diện tích đất canh tác lúa toàn thành phố. Vì vậy, lượng thuốc BVTV sử dụng và vỏ thuốc BVTV thải ra môi trường hàng năm khá lớn. Tuy nhiên, trước năm 2018, phường Thanh Trường chỉ có 1 bể thu gom vỏ thuốc BVTV sau sử dụng nên chưa đáp ứng được nhu cầu, việc thu gom, xử lý vẫn chưa được thực hiện triệt để. Năm 2019, từ nguồn ngân sách địa phương, UBND TP. Ðiện Biên Phủ đã đầu tư xây dựng thêm 20 bể thu gom thuốc BVTV tại các cánh đồng thuộc phường Thanh Trường. Tất cả các bể đều được xây dựng vị trí phù hợp, thuận tiện đường giao thông, phân bố hợp lý, thuận lợi cho bà con sau khi phun thuốc. Bà Nguyễn Thị Oanh, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thanh Trường cho biết: Trước đây, công tác bảo vệ môi trường nhất là hạn chế ô nhiễm môi trường từ vỏ bao bì thuốc BVTV luôn được phường Thanh Trường quan tâm và tuyên truyền, triển khai quyết liệt đến các tổ dân phố, bản và người dân. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất hạn chế nên công tác này chưa thực sự hiệu quả. Hàng năm, trước khi bắt đầu mùa vụ mới, UBND phường thường phải chỉ đạo các tổ dân phố, bản huy động người dân tổ chức 1 - 2 buổi lao động, tập trung vệ sinh đồng ruộng để thu gom, xử lý rác thải, vỏ bao bì thuốc BVTV tại bờ ruộng, lòng cống, kênh, mương, máng. Từ đầu năm 2019, sau khi được đầu tư xây mới thêm 20 bể chứa vỏ thuốc BVTV, thì khi đi kiểm tra đồng ruộng thấy hiệu quả rõ rệt, các cánh đồng cơ bản được vệ sinh sạch sẽ, còn rất ít vỏ thuốc BVTV hay túi nilon. Ðể phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình này, thời gian tới, UBND phường Thanh Trường sẽ tăng cường công tác tuyên truyền thay đổi thói quen, nâng cao ý thức người dân trong việc thu gom và xử lý rác thải nilon và vỏ thuốc BVTV sau sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Hoàng Văn Thiêm, Trưởng phòng Kinh tế TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: TP. Ðiện Biên Phủ có 975,106ha lúa 2 vụ và gần 300ha ngô, rau màu các loại nên nhu cầu sử dụng thuốc BVTV tương đối lớn. Từ trước đến nay, việc xây dựng các bể chứa vỏ thuốc BVTV tại đồng ruộng đều do các nguồn tài trợ từ ngành nông nghiệp hoặc vốn xã hội hóa từ người dân. Tuy nhiên, số lượng bể được đầu tư theo hình thức này rất ít, trước năm 2019, toàn TP. Ðiện Biên Phủ chỉ có 6 bể chứa vỏ thuốc BVTV chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Năm 2019, bằng nguồn ngân sách địa phương, UBND TP. Ðiện Biên Phủ đầu tư xây dựng thêm 65 bể với số vốn 240 triệu đồng, nâng tổng số bể chứa vỏ thuốc BVTV toàn thành phố là 71 bể. Sau xây dựng bể, thành phố đã phối hợp với các phường, xã tổ chức tuyên truyền các kiến thức về tác hại, hậu quả của rác thải trên đồng ruộng; hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng cách); phân loại rác thải để bỏ đúng nơi quy định... Qua kiểm tra thực tế và phản ánh của các xã, phường, các bể chứa đều phát huy hiệu quả, được người dân đồng thuận tuân thủ, góp phần quan trọng làm sạch ruộng vườn, bảo vệ môi trường.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top