Khó khăn khi sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố ở Mường Chà

09:03 - Thứ Tư, 20/11/2019 Lượt xem: 13679 In bài viết

ĐBP - Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất; đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn, thời gian qua, huyện Mường Chà đã tập trung tuyên truyền cho nhân dân hiểu mục đích của việc thực hiện sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố. Song quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian tới, bản Háng Lìa sẽ sáp nhập với bản Pu Ca (xã Sa Lông). Trong ảnh: Một góc bản Háng Lìa (xã Sa Lông).

Xã Mường Tùng có 15 bản, theo dự kiến trong thời gian tới sẽ sáp nhập 8 bản: Mường Tùng - Phiêng Ban thành bản Mường Tùng; bản Mới - Tin Tốc thành bản Tin Tốc; bản Nậm He 1 - Nậm He 2 thành bản Nậm He và bản Nậm Cang 1 - Nậm Cang 2 thành bản Nậm Cang. Về cơ bản, nhân dân trên địa bàn đều đồng tình với phương án sáp nhập các bản, song vẫn còn không ít khó khăn. Ông Lò Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Tùng cho biết: Xã Mường Tùng có diện tích rộng, dân cư thưa thớt, số hộ dân ở các bản thấp nên việc sáp nhập là cần thiết, nhưng vẫn còn vướng mắc. Cụ thể như trong phương án sáp nhập 2 bản: Nậm Cang 1 và Nậm Cang 2, do số hộ dân theo tiêu chí chưa đủ, nhưng lại xa nhau gần 7km hay bản Tin Tốc và bản Mới cũng cách nhau 4km nên rất khó khăn mỗi khi bà con tổ chức hội họp. Còn việc sáp nhập 2 bản: Phiêng Ban và Mường Tùng liên quan đến vấn đề đặt tên bản thì không bản nào chịu bản nào. Vì vậy, UBND xã cũng phải kiên trì vận động nhân dân để đi đến thống nhất được tên bản là Mường Tùng. Ðến nay, xã Mường Tùng đã làm tờ trình, nghị quyết gửi lên UBND huyện Mường Chà về việc sáp nhập, nhưng nhân dân ở các bản đề nghị sáp nhập vẫn băn khoăn rằng, khi sáp nhập, quy mô bản rộng hơn và dân số tăng, các thiết chế văn hóa cũ không còn phù hợp, việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng càng phức tạp hơn...

Cũng giống như xã Mường Tùng, xã Sa Lông sáp nhập 2 bản: Pu Ca và Háng Lìa thành một bản mới. Trước đó, UBND xã Sa Lông đã rà soát các bản không đủ điều kiện về dân số, dự kiến sáp nhập các bản: Cổng Trời - Pu Ca - Háng Lìa làm 1 bản và Thèn Pả - Chiêu Ly thành 1 bản. Tuy nhiên, khi họp dân lấy ý kiến, dân bản không đồng ý sáp nhập và đề nghị giữ nguyên vì bản Cổng Trời cách 2 bản Pu Ca và Háng Lìa gần 7km rất khó tập trung khi bàn bạc công việc; còn bản Chiêu Ly - Thèn Pả có 2 dân tộc là Xạ Phang và Mông cùng sinh sống có sự khác biệt về phong tục tập quán nên cũng không đồng ý sáp nhập thành 1 bản. 

Anh Sần Seo Ngấn, Trưởng bản Thèn Pả (xã Sa Lông) cho biết: “Việc sáp nhập các bản là cần thiết, bà con đã được tuyên truyền, vận động. Nhưng sau khi sáp nhập, khoảng cách về địa lý giữa các hộ trong bản là rất lớn, từ đầu bản đến cuối bản cách xa gần chục ki lô mét, mỗi lần báo dân đi họp sẽ rất vất vả. Mặt khác, khi 2 dân tộc cùng sinh sống, văn hóa, phong tục khác nhau sẽ rất khó khăn nên nhân dân 2 bản đã đề nghị giữ nguyên, không sáp nhập nữa”.

Ông Hạng Phử Lù, Chủ tịch UBND xã Sa Lông cho biết: Theo dự kiến ban đầu, xã Sa Lông sáp nhập 5 bản nhưng vì khoảng cách địa lý giữa các bản xa, cùng với việc bà con lo sợ khi sáp nhập sẽ không được hưởng hỗ trợ hay sự khác biệt về phong tục, tập quán giữa các dân tộc sẽ nảy sinh những vướng mắc trong công tác quản lý dân cư, nhất là trong sinh hoạt hàng ngày, hoạt động tín ngưỡng, hiếu hỉ, hội họp. Cùng với trước đó, các bản cũ đều có quy ước, hương ước riêng, sau sáp nhập lại phải xây dựng quy ước, hương ước mới cũng rất phức tạp. Nhân dân các bản mới còn lo lắng về việc làm hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác liên quan đến thủ tục hành chính nên cũng gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc thực hiện sáp nhập các bản…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng Nội vụ huyện Mường Chà cho biết: Ðể tinh gọn các đầu mối thôn, bản, tổ dân phố, huyện Mường Chà đã tiến hành rà soát, xây dựng phương án tổ chức thực hiện sáp nhập để kiện toàn bộ máy thôn, bản, tổ dân phố. Việc sáp nhập được thực hiện đảm bảo theo trình tự, quy định, hợp lý, khách quan, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Theo phương án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên bản, tổ dân phố, huyện Mường Chà đề nghị sáp nhập 29 bản, tổ dân phố và đề nghị giữ nguyên 39 bản, tổ dân phố không đạt 50% quy mô số hộ gia đình trở lên theo quy định của Thông tư 14/2018/TT-BNV ngày 3/12/2018 của Bộ Nội vụ. Số bản, tổ dân phố được đề nghị giữ nguyên vì những nguyên nhân như: Bản hình thành từ lâu đời, 2 bản sáp nhập khác nhau về phong tục tập quán, nhân dân sinh sống ổn định nên khi lấy ý kiến nhân dân không đồng ý sáp nhập và đề nghị giữ nguyên… Ðể giải quyết kịp thời những vướng mắc, huyện Mường Chà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, phổ biến sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ được những lợi ích của sáp nhập bản, tổ dân phố trên địa bàn. Ðồng thời phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị vào cuộc để thực hiện… Vậy nên, dù còn khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, nhưng với sự nỗ lực của địa phương, chủ trương sáp nhập, kiện toàn thôn, bản, tổ dân phố sẽ thực sự đi vào cuộc sống, hợp lòng dân và đạt hiệu quả cao.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top