Cắm mốc bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Tạo cơ sở để ngăn chặn xâm lấn di tích

09:13 - Thứ Năm, 21/11/2019 Lượt xem: 11018 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 di tích được công nhận xếp hạng, nhưng mới có 2 di tích là Thành Bản Phủ và Chiến trường Ðiện Biên Phủ được cắm mốc giới bảo vệ. Dù tất cả các di tích đã được khoanh vùng khu vực bảo vệ, tuy nhiên việc khoanh vùng mới chỉ thực hiện về mặt pháp lý, ghi trên bản đồ khoanh vùng của hồ sơ di tích; còn công tác quy hoạch thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích chưa thực hiện, khiến một số di tích bị xâm hại, lấn chiếm.

Hộ dân sống ngay gần bia Tòa soạn Tiền phương và nhà in Báo Quân đội tại mặt trận Ðiện Biên Phủ.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ nằm trên địa bàn xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) là một di tích thành phần của Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Ðây cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng thường được các du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Tuy nhiên, do lịch sử để lại nên hiện nay vẫn còn gần 19 hộ dân sinh sống trong khu vực khoanh vùng cắm mốc, xác định vị trí, ranh giới của Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Chứng kiến nhiều nhà dân sinh sống, xây dựng nhà cửa, lán trại trong khu di tích, người dân trên địa bàn cũng băn khoăn và e ngại các hộ dân sinh sống trong khu di tích sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của di tích. Anh Cầm Văn Ðức, bản Bua, xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên), bày tỏ: “Việc một số hộ dân có lều, lán, nhà ở tại khu vực quy hoạch Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ có nguy cơ làm mất cảnh quan của di tích, gây phản cảm cho khách du lịch. Vì vậy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để di dời các hộ gia đình này ra khỏi khu vực di tích...”.

Về phía chính quyền địa phương, ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, cho biết: Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã được khoanh vùng cắm mốc, xác định vị trí, ranh giới vào năm 2002. Tại thời điểm cắm mốc đã có một số nhà dân sinh sống trong khu vực bảo vệ II của di tích cấp quốc gia này và đến nay vẫn còn 19 hộ dân đang sinh sống, làm lán ở, ao cá tại đây. Vì chưa có đủ kinh phí đền bù, giải tỏa nên người dân chưa được di chuyển ra khỏi khu vực di tích. Nhiều gia đình đã tiến hành cơi nới, cải tạo hay vì không có đất nên họ lại làm nhà trong khu quy hoạch khi tách hộ. Nếu huyện Ðiện Biên và tỉnh không sớm đưa 19 hộ dân ra khỏi vùng quy hoạch đất di tích thì chúng tôi cũng rất khó quản lý diện tích đất trong vùng quy hoạch di tích.

Việc chưa khoanh vùng, cắm mốc địa giới của di tích dẫn đến thực trạng các hộ dân cư sinh sống xung quanh làm thay đổi môi trường, cảnh quan, thậm chí là xâm lấn di tích diễn ra, làm tác động đến các yếu tố gốc cấu thành nên di tích. Ðơn cử như tháng 4/2018, tại đồi Ðộc Lập, người dân ở xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) lấn chiếm và san ủi trái phép khu vực bảo vệ vành đai 2 di tích đồi Ðộc Lập khi thi công xây dựng nhà ở.

Bà Lò Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cho biết: Ðồi Ðộc Lập nằm trên địa phận xã Thanh Nưa nhưng do Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ quản lý. Do điểm di tích này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên một số hộ dân sinh sống gần đồi đã san ủi để làm nhà, các công trình. Sau khi phát hiện, chính quyền địa phương đã phối hợp với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ ngăn chặn và thắt chặt quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, để tránh tình trạng trên tái diễn, chính quyền địa phương mong muốn UBND tỉnh sớm có giải pháp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích đồi Ðộc Lập để dễ dàng hơn cho việc bảo vệ; đồng thời hạn chế việc người dân xâm lấn.

Chia sẻ về nguyên nhân và những khó khăn dẫn đến tình trạng nhiều di tích bị xâm lấn, ông Ðào Duy Trình, Phó trưởng Phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ và các di tích khác của tỉnh phân bố rộng khắp trên địa bàn các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh. Với đặc điểm là di tích chiến trường dã chiến, các danh thắng thiên nhiên, các công trình kiến trúc ngoài trời, nằm xen lẫn trong các khu dân cư, đất sản xuất của nhân dân, trên đồi, núi nên khó tránh khỏi bị xâm lấn do những hoạt động của con người, nhất là xâm lấn, san gạt, cải tạo trái phép đất liên quan đến di tích. Nhiều di tích tuy được công nhận xếp hạng, có quy hoạch khoanh vùng bảo vệ, song do kinh phí của tỉnh, địa phương còn hạn chế nên chưa thực hiện việc cắm mốc trên thực địa và tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích. Một số điểm di tích được đầu tư tôn tạo, giải tỏa thu hồi đất, song chưa làm thủ tục cấp đất; hay có những di tích đã được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ trên thực địa nhưng vì số lượng mốc quá ít, chưa được gắn tọa độ vệ tinh, vị trí cắm mốc không hợp lý, khiến các mốc sau khi cắm chưa được quan tâm kiểm tra thường xuyên nên dẫn đến hiện tượng mất mốc, mốc bị dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu… Ðể hạn chế tình trạng xâm lấn di tích, thời gian tới, Sở VH,TT&DL sẽ tăng cường công tác tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện chủ động xây dựng dự án, kế hoạch đầu tư kinh phí thực hiện khoanh vùng cắm mốc bảo vệ di tích trên thực địa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích đã được khoanh vùng; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top