Ly hương nào ai muốn?

16:03 - Thứ Ba, 26/11/2019 Lượt xem: 11073 In bài viết

ĐBP - 5 giờ sáng, tại một xóm trọ khu bờ sông Nậm Rốm, thuộc phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ), trong căn phòng trọ cũ kỹ, anh Nguyễn Văn Hào cùng vợ là chị Nguyễn Thị Hiền, quê ở huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) đã tất bật chuẩn bị cho một ngày mưu sinh.

Anh Hào buộc đồ nghề lên xe và cẩn thận chỉnh lại chiếc loa cũ - người bạn đồng hành trên mọi nẻo đường buôn đồng nát suốt 12 năm qua. Chị Hiền cẩn thận sắp những xiên thịt đã ướp gia vị vào chiếc hộp nhựa và chuẩn bị một chậu than hoa đã hồng lửa. Đúng 6 giờ, anh Hào đèo vợ ra trước cổng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn để chị nướng thịt kịp phục vụ những vị khách nhí đầu tiên. Chị Hiền bảo: Bán đồ ăn cho học sinh mình phải cẩn thận, thực phẩm phải ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn. Đến 7 giờ, khi học sinh vào lớp học, chị Hiền lại tất tả thu dọn đồ, chạy ra chợ mua thực phẩm để chuẩn bị cho buổi bán hàng hôm sau. Sau bữa ăn trưa chị Hiền lại đến các xã, bản cùng cao mua ngô bắp, tối đến chị lại ra vỉa hè bán ngô nướng đến tận khuya.

Hơn nửa đời người ly hương, bà Nguyễn Thị Minh luôn đau đáu nỗi niềm trở về quê hương. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Minh bên ngôi nhà đại đoàn kết đã cũ.

Hơn 10 năm buôn thúng, bán mẹt ở trước cổng trường, các vỉa hè chị Hiền không nhớ mình đã từng bán những gì, lúc bán ốc đêm, khi thì bán hoa quả lúc lại ngô nướng… Chị bảo, đã bao lần vợ chồng chị quyết tâm về quê nhưng lại thôi. Bởi ở quê có mấy sào ruộng, nếu thời tiết thuận hòa thì một năm cũng chỉ được vài tạ lúa, còn không thì trắng tay. Đã có thời điểm, vợ chồng chị quay sang chăn nuôi, nhưng nuôi con gì cũng lỗ nhiều hơn lãi. Lúc thì do dịch bệnh, lúc lại tại thị trường bấp bênh, mất giá. Thế nên đến nay, vợ chồng chị vẫn bám trụ bằng những nghề vốn rất bấp bênh trên mảnh đất Điện Biên, mặc dù trong tâm trí vẫn nung nấu ngày trở về quê đoàn tụ.

Cũng vì cuộc mưu sinh, bà Nguyễn Thị Minh, ở tổ dân phố 30, phường Mường Thanh làm nghề nhặt phế liệu để nuôi con. Giờ đây, dù các con đã lớn, đã tự lo cho bản thân, năm nay bà Minh cũng đã vào ngưỡng tuổi “cổ lai hy” nhưng nghề ve chai, nhặt phế liệu trên khắp nẻo đường đã thành nghiệp mà bà không thể dứt. Mỗi sớm, khi mọi người vẫn còn chìm trong giấc ngủ thì bà Minh đã bắt đầu một ngày mưu sinh trên khắp ngả đường dưới làn sương se lạnh. Bà bảo, kiếm sống bằng nghề ve chai bao năm nay quen rồi, không ngủ “nướng” được, cứ đến giờ là dậy ăn vài miếng cơm nguội rồi lên đường. Bà kể rằng quê ở Hà Nam, chồng mất sớm, để lại cho bà 2 đứa con trai nhỏ dại. Một lần khi bà đang làm đồng thì người làng chạy ra bờ ruộng bảo nhà bà bị cháy. Buông nắm mạ bà lao về thì thấy nhà mình chỉ còn là đống tro bốc khói nghi ngút. Gần như quẫn trí, bà lao vào đống tro rực lửa cào bới tìm con trong sự đau đớn tột cùng, đến khi các con của bà đứng sau gọi “mẹ bọn con đây cơ mà!” Đôi bàn tay đen đúa, bỏng rộp vì lửa, bà quay lại ôm chặt các con như từ cõi chết trở về…

Không còn nhà, không có quần áo, gạo ăn, bà quyết định đem con lên Điện Biên để mưu sinh. Giờ đây, ngôi nhà đại đoàn kết mà mẹ con bà được chính quyền địa phương trao tặng năm nào đã xuống cấp mà bà vẫn chưa thể xây được nhà mới bởi vô vàn khó khăn. Ý nguyện dẫn các con về quê xum họp dù vẫn còn le lói, nhưng đành gác lại vì còn quá khó khăn. “Trong thâm tâm chỉ nghĩ rằng ra đi để kiếm sống, khi có tiền thì sẽ về quê; nhưng không ngờ đã gần 70 tuổi rồi mà vẫn chưa thể về!” – bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ.

Ly hương để mưu sinh như bà Nguyễn Thị Minh, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền-anh Hào cũng giống câu chuyện của rất nhiều người khác đang phải tha hương kiếm sống. Tất cả cũng vì mục đích kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Mặc dù con đường lựa chọn công việc của mỗi người một khác, họ chấp nhận đánh đổi cả thanh xuân trong những gánh hàng rong mệt nhọc; người lại cạn mồ hôi, công sức lượm phế liệu, ve chai sớm hôm bên những cung đường, góc phố nhưng trong sâu thẳm, họ luôn đau đáu nỗi niềm về một ngày đoàn tụ ở quê hương.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top