Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

08:42 - Thứ Tư, 27/11/2019 Lượt xem: 10152 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức pháp lý, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Công nhân Công ty TNHH số 32 sản xuất gạch lát nền, lát vỉa hè không nung.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.268 doanh nghiệp, 18.173 hộ kinh doanh, 195 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ (chiếm tỷ lệ 66%) với quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Trong đó số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp và xây dựng chiếm 44%; lĩnh vực thương mại 31%; lĩnh vực dịch vụ 22%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 2%. Thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai qua nhiều hình thức. Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các trang thông tin điện tử các cấp, ngành chức năng đã cập nhật, đăng tải văn bản pháp luật; bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan. Một số sở, ngành của tỉnh đã có cách thức riêng để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ðiển hình như Bảo hiểm xã hội tỉnh hàng năm tổ chức các hội nghị tuyên truyền, giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp về BHXH, BHYT; Sở Kế hoạch và Ðầu tư tập huấn về công tác đấu thầu, đánh giá giám sát đầu tư. Cơ quan Thuế đã nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp. Ðến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 100% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng internet; 100% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh cũng có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp những vấn đề liên quan đến pháp lý. Nhờ vậy, chỉ số về Thiết chế pháp lý (thuộc bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI) đã tăng từ mức điểm 4,67 (năm 2016) lên 7,09 điểm hiện nay.

Tại các buổi gặp mặt, đối thoại giữa UBND tỉnh với doanh nghiệp, ngoài các nội dung liên quan đến các dự án đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng, tiếp cận với nguồn vốn… thì các doanh nghiệp còn được trực tiếp giải đáp các vấn đề liên quan về pháp lý. Tại các buổi tọa đàm giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp, Sở Tư pháp và một số sở, ngành đã chọn những lĩnh vực, vấn đề mà doanh nghiệp hiện nay đang vướng mắc như: Ðất đai, ký kết hợp đồng, giao dịch theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; thực hiện chế độ kế toán trong doanh nghiệp, hoạt động quảng cáo...

Ông Bùi Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hoạt động trợ giúp pháp lý của các cơ quan chức năng của tỉnh rất bổ ích đối với các doanh nghiệp, nhất là các ngân hàng thương mại bởi ngành ngân hàng liên quan rất nhiều tới các luật như: Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Ðất đai... Hiệp hội Doanh nghiệp cũng đã thành lập Trung tâm tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ðây được xem như “người bảo trợ” pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, công tác hỗ trợ pháp lý đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và hình thành thói quen tư vấn pháp luật của doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro pháp lý, gia tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ pháp lý thời gian qua vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục vận động doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật; đồng thời đề nghị, phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Ðối với những vấn đề liên quan đến nhiều loại hình doanh nghiệp thì tổ chức tư vấn, trợ giúp chung; với từng doanh nghiệp thì phân loại theo lĩnh vực rồi lựa chọn những vấn đề pháp lý cần thiết để trợ giúp, như vậy hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ thiết thực hơn.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top