Chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

08:44 - Thứ Tư, 27/11/2019 Lượt xem: 9956 In bài viết

ĐBP - Công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) trên địa bàn tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 29 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLÐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhận thức, ý thức của các sở, ngành, địa phương, người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLÐ dần được nâng cao. Các chế độ, chính sách đối với người lao động được quan tâm thực hiện. Nhiều giải pháp mang tính chất phòng ngừa được chủ động thực hiện, trên cơ sở đánh giá rủi ro, nhận diện các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động.

Công nhân Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ II sửa chữa tuyến quốc lộ 4H đoạn qua địa phận xã Leng Su Sìn (Mường Nhé). Ảnh: Minh Thùy

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác ATVSLÐ; đồng thời, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng ATVSLÐ tỉnh và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành thực hiện. Với nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLÐ, đến nay phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm đến những nội dung cơ bản liên quan trực tiếp đến công tác ATVSLÐ, phòng chống cháy nổ, như: Xây dựng nội quy lao động, quy trình đảm bảo ATVSLÐ cho máy móc, thiết bị, vật tư và nội quy ATVSLÐ tại nơi làm việc; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; thực hiện việc dọn vệ sinh công nghiệp, thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và các chất thải nguy hại. Các doanh nghiệp cũng tự tổ chức kiểm tra ATVSLÐ, kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy móc, thiết bị, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLÐ…

Ðối với các doanh nghiệp Nhà nước, việc thực hiện luật pháp về bảo hộ lao động, ATVSLÐ được quan tâm, chú trọng. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, hơn 90% đơn vị, doanh nghiệp thực hiện chế độ huấn luyện và có hoạt động tuyên truyền về ATVSLÐ, phòng cháy chữa cháy; 90% người lao động được trang bị phương tiện cá nhân; trên 80% máy móc, thiết bị có đầy đủ các thiết bị che chắn an toàn theo tiêu chuẩn an toàn lao động; 90% máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được kiểm định, đăng ký và cấp phép sử dụng; 95% người lao động được khám sức khỏe định kỳ; 87% doanh nghiệp tổ chức quan trắc môi trường lao động...

Nhận thức tầm quan trọng của công tác ATVSLÐ gắn với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé - Ðiện Biên luôn thực hiện đảm bảo các chế độ chính sách về chế độ độc hại cho người lao động, cán bộ, công nhân viên được khám sức khỏe định kỳ. Ông Nguyễn Công Tám, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé - Ðiện Biên cho biết: Công ty hiện quản lý, chăm sóc hơn 1.180ha cây cao su, trong đó trên 300ha cao su đưa vào khai thác mủ. Ðể quá trình sản xuất an toàn, hiệu quả cán bộ, công nhân viên, người lao động được bồi dưỡng kiến thức về ATVSLÐ, phòng cháy chữa cháy; được trang cấp bảo hộ lao động định kỳ (quần áo, mũ, găng tay, ủng…). Dù thời điểm này giá bán mủ cao su xuống thấp (khoảng 30 triệu đồng/tấn mủ khô), tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, song điều kiện, môi trường làm việc của người lao động vẫn luôn được đảm bảo, thu nhập trung bình đạt từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm tới đất nước ta nói chung tiếp tục mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Chính sách về đất đai, tín dụng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, kéo theo nhu cầu về tuyển dụng lao động gia tăng. Dự báo sẽ thiếu lực lượng lao động có chất lượng cao, các doanh nghiệp muốn tuyển dụng nguồn nhân lực này phải có cơ chế, chính sách thu hút người lao động. Tuy nhiên lực lượng lao động chưa qua đào tạo cũng là nguy cơ cho việc quản lý công tác ATVSLÐ bị hạn chế. Việc hội nhập quốc tế sâu rộng, các doanh nghiệp chuyển dần áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện thêm những nguy cơ mất ATVSLÐ mới. Chính vì vậy, đối với người sử dụng lao động, người lao động cần thường xuyên cập nhật và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc để từng bước tiếp cận với công nghệ, máy móc mới tiến đến làm chủ công nghệ, máy móc mới phục vụ yêu cầu sản xuất đảm bảo năng suất lao động và ATVSLÐ. Tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về pháp luật ATVSLÐ, phòng cháy chữa cháy; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLÐ, đặc biệt là các hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn lao động chết người. Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, đảm bảo ATVSLÐ.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top