Cải thiện chỉ số đào tạo lao động

08:46 - Thứ Tư, 27/11/2019 Lượt xem: 11493 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Ðiện Biên đứng thứ 47/63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần để đánh giá chất lượng điều hành, đánh giá các lĩnh vực điều hành kinh tế thuộc thẩm quyền của chính quyền tỉnh, có chỉ số đào tạo lao động. Chỉ số này có ý nghĩa đo lường các nỗ lực của tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương, giúp người lao động tìm kiếm việc làm. Chỉ số đào tạo lao động của tỉnh hiện đạt 5,65 điểm (giảm 0,05 điểm so với năm trước). Chỉ số đào tạo lao động giảm dù không nhiều song phản ánh hoạt động liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa thực sự đi vào chiều sâu. Công tác tuyển sinh học nghề chưa đạt hiệu quả, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhận thức của người học, chất lượng đào tạo chưa cao nên chưa thu hút người học. Trong khi không ít doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa chú trọng vào sản phẩm dạy nghề.

Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại Ngày hội Việc làm năm 2019.

Năm 2018 có 52% doanh nghiệp tham gia phỏng vấn, điều tra của PCI trên địa bàn tỉnh cho biết hài lòng với chất lượng giáo dục phổ thông, trong khi chỉ có 21% hài lòng với chất lượng đào tạo nghề. Tỷ lệ tương ứng đối với dịch vụ giới thiệu việc làm/tuyển dụng tại tỉnh là 66% và tỷ lệ tổng chi phí kinh doanh dành cho đào tạo lao động chỉ là 5,48%; dành cho tuyển dụng lao động là 4,23%. Các doanh nghiệp cũng đánh giá khá cao chất lượng lao động tại địa phương nơi họ hoạt động đáp ứng nhu cầu (chiếm 77%); chỉ có 23% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng chất lượng lao động không đáp ứng được. Doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn lao động phổ thông, tuy nhiên, bức tranh không mấy tích cực khi doanh nghiệp gặp khó khăn muốn tìm kiếm, tuyển dụng lao động lành nghề, có kỹ năng cao (cán bộ kỹ thuật, giám sát và quản lý…).

Ðể cải thiện chỉ số đào tạo lao động cần cải thiện, nâng cao chất lượng lao động; tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp cho người lao động. Nhà trường và doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp nhằm giáo dục văn hóa nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho người lao động, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường, cơ sở đào tạo nghề để đáp ứng với sự phát triển nhanh và ứng dụng khoa học, công nghệ, máy móc tiên tiến của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Là một trong số địa chỉ đào tạo nghề nghiệp chủ lực của tỉnh, Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên đã và đang tập trung thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp bằng các giải pháp sát thực, phù hợp với điều kiện thực tế. Nhà trường đã và đang rà soát, điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn “đầu ra” trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; tích hợp các nội dung đào tạo hợp lý về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, an toàn lao động, bảo vệ môi trường… để hình thành năng lực sáng tạo cho người học, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn trong chương trình đào tạo. Tiến sĩ Ðoàn Thanh Quỳnh, Hiệu trưởng Trường cho biết: Nhà trường chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh tham gia đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người học trong quá trình học tập bằng cách tiếp nhận đến thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành nghề, tiếp cận công nghệ mới. Nhờ đó nhiều năm qua tỷ lệ học viên ra trường có việc làm chiếm hơn 80% và cơ bản đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, người sử dụng lao động.

Ðể thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện và nâng cao điểm số về đào tạo lao động với mục tiêu năm 2019 đề ra là đạt 6,5 điểm; đào tạo nghề cho khoảng 8.000 người; tỷ lệ người có việc làm mới, làm thêm sau đào tạo nghề đạt tối thiểu từ 80%. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực trong việc chủ trì rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Ðiện Biên đảm bảo đơn giản, thuận tiện; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện cơ chế “một cửa” trong đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội. Nghiên cứu và tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động theo quy định của pháp luật đối với các dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích thu hút đầu tư vào tỉnh. Chủ trì xây dựng các thủ tục và điều kiện thành lập, hoạt động đối với các tổ chức đào tạo nghề ngoài công lập, tham mưu các giải pháp hỗ trợ tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân trong và ngoài nước, các tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lao động, cung ứng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển của tỉnh.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top