Cần khắc phục hạn chế trong đấu giá đất

08:55 - Thứ Năm, 28/11/2019 Lượt xem: 14251 In bài viết

ĐBP - Việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất (gọi chung là đấu giá đất); thu, quản lý sử dụng tiền đấu giá đã góp phần tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, từ đó tái đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, thời gian qua công tác đấu giá và sử dụng, quản lý tiền đấu giá đất trên địa bàn một số xã, huyện còn nhiều hạn chế; việc sử dụng tiền đấu giá chưa đúng quy định, mục đích.

Ðoàn giám sát HÐND tỉnh kiểm tra công tác đấu giá đất trên địa bàn xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên).

Ðể công tác đấu giá đất đạt hiệu quả, đúng quy định, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng và phê duyệt phương án đấu giá đất, phê duyệt giá khởi điểm. Ðồng thời, thực hiện công bố, công khai đầy đủ các lô đất, thửa đất cần đấu giá. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã phê duyệt 4 phương án đấu giá đất của các tổ chức trên địa bàn các huyện: Mường Chà, Tuần Giáo, TX. Mường Lay và TP. Ðiện Biên Phủ, với 25 phương án giá đất khởi điểm đấu giá đất. Toàn tỉnh đã thực hiện đấu giá để giao đất cho hộ gia đình, cá nhân là 561 thửa đất, với tổng diện tích gần 84.000m2; đấu giá đất để cho thuê đất nộp tiền thuê hàng năm gồm 3 thửa với diện tích hơn 3.660m2. Song công tác đấu giá đất thời gian qua còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, quá trình đấu giá đất, thậm chí làm sai lệch kết quả đấu giá. Công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất “sạch” gặp khó khăn, tiêu biểu là việc thu hồi đất nông nghiệp tại những vị trí thuận lợi để đem đấu giá thì người dân không đồng thuận. Nguồn vốn bố trí cho việc thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng khu đất phục vụ đấu giá còn thiếu. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải phóng mặt bằng còn hạn chế dẫn đến thời gian đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kéo dài, nên thời gian tổ chức đấu giá chậm so với kế hoạch. Việc xác định giá khởi điểm để đấu giá ở một số địa bàn chưa sát với thực tế; còn lúng túng trong phương pháp xác định giá khởi điểm. Việc quy định về xác định giá khởi điểm còn có sự chồng chéo, gây khó khăn cho các địa phương. Cụ thể, Thông tư 02/2015/TT-BTC ngày 5/1/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định giá khởi điểm có quy định: Sở Tài chính là cơ quan tham mưu xác định giá khởi điểm; thẩm quyền phê duyệt là Chủ tịch UBND cấp tỉnh nhưng Thông tư liên tịch  14/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp lại quy định: Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu xác định giá khởi điểm; thẩm quyền phê duyệt là UBND cấp tỉnh.

Trên địa bàn huyện Ðiện Biên, một số thủ tục về quy hoạch sử dụng đất khi đấu giá còn thiếu; còn hạn chế trong việc quản lý mốc giới các thửa đất khi nhân dân xây dựng nhà ở (cụ thể là khu hạ tầng Na Pe, xã Mường Nhà để người dân xây dựng nhà ở lấn chiếm, sai mục đích). Thời gian qua còn tình trạng một số nhóm đối tượng thông đồng, dìm giá hoặc nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây thất thoát nguồn thu ngân sách và ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia đấu giá. Theo ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên: Hiện nay chưa có quy định xử lý cụ thể đối với các hành vi thông đồng làm sai lệch kết quả đấu giá. Bên cạnh đó, do thời gian niêm yết tương đối dài (tối thiểu 15 ngày) dẫn đến các đối tượng “cò” đất có thời gian móc nối, tìm hiểu thông tin để làm sai lệch kết quả; quy định về đối tượng tham gia đấu giá chưa chặt chẽ, chỉ cần nộp đủ khoản tiền đặt trước là có thể tham gia đấu giá.

Từ năm 2015 đến nay, tiền thu từ đấu giá đất trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 238,6 tỷ đồng. Sau khi phân chia tỷ lệ phần trăm được hưởng, các địa phương đã tái đầu tư xây dựng 117 công trình với kinh phí hơn 199,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số huyện thực hiện phân chia tiền thu được từ đấu giá đất chưa đúng tỷ lệ quy định. Ðiển hình, huyện Tủa Chùa thực hiện chưa đúng quy định tại Nghị quyết 206/2010/NQ-HÐND ngày 12/12/2010 của HÐND tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách địa phương. Theo quy định: Ngân sách cấp huyện hưởng 80% và ngân sách cấp xã có đất bị thu hồi để đấu giá hưởng 20%. Song huyện Tủa Chùa lại phân chia theo tỷ lệ huyện hưởng 85%, còn thị trấn Tủa Chùa được 15%. Còn huyện Ðiện Biên sau khi phân chia xong, UBND huyện lại yêu cầu UBND các xã có đất đấu giá chuyển điều phối lại ngân sách huyện một phần kinh phí.

Bên cạnh đó, các huyện: Ðiện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Ảng chưa dành tối thiểu 10% tiền thu từ đấu giá đất để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số chính quyền cấp xã còn lúng túng trong việc sử dụng tiền đấu giá quyền sử dụng đất, dẫn đến việc chi tiền sai quy định. Ðiển hình là năm 2019 xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) được phân bổ hơn 2,1 tỷ đồng từ nguồn đấu giá đất, nhưng xã lại dự kiến sử dụng một phần kinh phí để mua sắm trang thiết bị hệ thống phát thanh là không đúng quy định tiền thu được từ đấu giá đất chỉ để tái đầu tư vào các công trình hạ tầng.

Ðể tăng quản lý tốt hơn công tác đấu giá, thu và sử dụng tiền đấu giá đất trong thời gian tới, trước hết UBND cấp huyện phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thuê đất; kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm trong tổ chức đấu giá đất, thuê đất, tránh gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và nhân dân. Rà soát các thủ tục về quy hoạch đảm bảo đúng quy định, tránh sai sót hoặc thiếu về thủ tục; chỉ đạo chính quyền xã thực hiện tốt công tác quản lý mốc giới trong quá trình sử dụng đất đấu giá của người dân.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top