Phấn đấu không còn hộ đói

08:31 - Thứ Sáu, 29/11/2019 Lượt xem: 10918 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 13.540 hộ dân với  65.333 nhân khẩu thiếu đói vào dịp giáp hạt; 5.585 hộ với  23.601 nhân khẩu thiếu đói dịp giáp tết. Xác định tỷ lệ hộ đói nghèo chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, ngoài những chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tập trung mọi nguồn lực cho công tác phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Ðiện Biên Ðông là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Toàn huyện có 13 xã với 222 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những năm qua, huyện Ðiện Biên Ðông đã tập trung các chính sách, nguồn lực nhằm cải thiện đời sống người dân, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, đáng chú ý là Chương trình 135, Nghị quyết 30a triển khai trên địa bàn đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

Ông Lò Văn Thao, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Ðể giảm thiểu và tiến tới không còn hộ đói (đói kinh niên và đói theo thời vụ), huyện xác định tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng; đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ khi người dân có việc làm, thu nhập ổn định thì mới hết đói. Giai đoạn 2014 - 2019, huyện được giao trên 902 tỷ đồng đầu tư xây dựng hàng chục công trình, tập trung vào các lĩnh vực nước sinh hoạt, đường giao thông liên bản, thủy lợi; phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho 3.322 người dân tộc thiểu số. Công tác cứu đói được huyện quan tâm thực hiện thường xuyên vào các dịp tết, giáp hạt. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm nhanh với tốc độ bình quân 5,1%/năm (từ 70,9% cuối năm 2015 giảm còn 55,48% cuối năm 2018 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020). Ðời sống của người dân cũng có sự cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng từ 5,9 triệu đồng/người (năm 2015) lên 12,26 triệu đồng/người (năm 2018).

Không chỉ huyện Ðiện Biên Ðông, mà các huyện khác cũng tích cực triển khai các giải pháp để phấn đấu đến năm 2025 không còn nạn đói. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2014 - 2018, toàn tỉnh được phân bổ khoảng 1.700 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; huy động được hơn 29 tỷ đồng từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và gần 80 tỷ đồng từ nguồn vốn chính sách giải quyết việc làm. Từ các nguồn vốn trên, toàn tỉnh đã đầu tư 618 công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt; hỗ trợ trên 17.614 lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho gần 45.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 42,7% năm 2015 lên 52,15% năm 2018; tạo việc làm mới đạt trung bình 8.876 lao động/năm… Nhờ đó, công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt được kết quả tích cực. Ðến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 37,08%; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 46,28%.     

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 là cơ bản các hộ dân có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm với các chỉ tiêu như: Giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng bình quân đầu người dưới 1.800Kcal dưới 5%; tăng mức tiêu thụ rau, củ, quả trung bình đầu người lên 400g/ngày; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 2 tuổi xuống dưới 20%; giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (<2.500 gam) xuống dưới 6%... Ðể đạt mục tiêu trên, góp phần thực hiện chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 phát huy hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về nội dung, ý nghĩa chương trình giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về phương pháp, cách làm, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, hộ thiếu đói - chủ thể thực hiện chương trình.

Phong Vân
Bình luận
Back To Top