Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình

09:11 - Thứ Hai, 02/12/2019 Lượt xem: 11821 In bài viết

ĐBP - Thời điểm này, trên các tuyến đường chính của TP. Ðiện Biên Phủ và trung tâm các huyện, thị xã đều điểm màu đỏ của những băng rôn tuyên truyền Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Các khẩu hiệu “Hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11”, “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”, “Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn!”, “Hãy hành động, đó có thể là người thân của bạn”... một lần nữa nhắc nhở mỗi người đều cần có trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGÐ).

Chi hội phụ nữ bản Chiêng Tông, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) sinh hoạt định kỳ lồng ghép nội dung PCBLGÐ.

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, công tác gia đình đang dần được quan tâm, nhiều hoạt động về gia đình đã và đang được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các mô hình hoạt động về gia đình và PCBLGÐ đang ngày càng được mở rộng, như: Mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, mô hình PCBLGÐ, “Gia đình trẻ phát triển bền vững”, “Gia đình trẻ không có bạo lực”, câu lạc bộ tiền hôn nhân... Theo thống kê của Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đến nay mô hình PCBLGÐ đã được triển khai tại 10/10 huyện, thị, thành phố; hơn 350 câu lạc bộ gia đình trẻ phát triển bền vững, gần 500 nhóm PCBLGÐ... được duy trì hoạt động thường xuyên với mục đích tuyên truyền, ngăn chặn và giải quyết kịp thời khi có nguy cơ hoặc hành vi bạo lực gia đình. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh hiện có 1.066 “địa chỉ tin cậy” nhằm can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình. Trong tháng hành động này (15/11 - 15/12/2019), với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực quan, cổ động, lưu động 2 lượt/ngày trong thời gian cao điểm từ 19 - 25/11. Trong tháng 12, Sở tổ chức đánh giá việc áp dụng thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 2 bản Quyết Tiến (xã Búng Lao, huyện Mường Ảng) và Mường Luân 1 (xã Mường Luân, huyện Ðiện Biên Ðông) - bà Nguyễn Thị Loan, Phó phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình cho biết.

Về phía Hội Phụ nữ cũng đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động PCBLGÐ. Trong tháng 11, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức buổi truyền thông về PCBLGÐ tại 2 xã Sa Lông (Mường Chà) và Mường Báng (Tủa Chùa) cho hơn 100 người dân địa phương. Trong năm, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh biên soạn, in ấn, phát hành 5.000 tờ rơi tuyên truyền về PCBLGÐ cấp phát cho 10/10 huyện, thị, thành phố và các hội phụ nữ đơn vị trực thuộc; mở nhiều lớp tập huấn, truyền thông về an toàn cho phụ nữ, trong đó có PCBLGÐ tại các huyện, xã trong tỉnh.

Hội LHPN huyện Ðiện Biên tổ chức Hội thi An toàn cho phụ nữ và trẻ em với nhiều tình huống, kịch bản, tiết mục đặc sắc, ý nghĩa, phản ánh đúng thực tế của chi hội trực thuộc. Trên địa bàn xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên còn tiếp tục duy trì mô hình “Ðịa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” giúp bảo vệ chị em khỏi bạo lực gia đình. Bà Lò Thị Út, thành viên Ban Chỉ đạo mô hình, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Yên chia sẻ: Triển khai từ tháng 12/2017, đến nay mô hình đã đón 3 chị em trong xã đến tạm lánh do bị chồng bạo hành; tư vấn trực tiếp cho hơn 10 trường hợp gia đình có mâu thuẫn, xung đột, hạn chế, ngăn chặn bạo lực gia đình. Ngoài ra trong xã còn duy trì 5 mô hình PCBLGÐ, mỗi mô hình thu hút khoảng 20 cặp vợ chồng tham gia. Nhờ đó, những năm gần đây tình trạng ly hôn, mâu thuẫn, bạo lực gia đình trong xã giảm mạnh”. Còn tại huyện Tủa Chùa, bà Vi Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Sau một thời gian vận động, hướng dẫn thành lập, trong 3 ngày từ 26 - 28/11, tại các xã: Lao Xả Phình, Huổi Só, Sín Chải đã tổ chức ra mắt được mô hình “3 không: “Không tảo hôn - không xâm hại trẻ em - không bạo lực gia đình”. Mỗi mô hình có 30 thành viên tham gia, là cha mẹ có con dưới 16 tuổi. Nhiệm vụ của mô hình nhằm tuyên truyền, can thiệp, ngăn chặn bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; giáo dục cha mẹ trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Hàng năm các hoạt động tuyên truyền, kỉ niệm ngày quốc tế hạnh phúc 20/3, ngày gia đình Việt Nam 28/6, tháng hành động quốc gia PCBLGÐ đều diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi tại các cấp, các chi hội phụ nữ. Qua đó góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân về vai trò của phụ nữ, ý nghĩa của gia đình; gắn kết các thành viên, củng cố mối quan hệ trong gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh và kỹ năng ứng xử trong gia đình... Ngoài ra công tác này đã được gắn với hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong việc đánh giá, bình xét các danh hiệu thi đua và đưa nội dung PCBLGÐ, bình đẳng giới vào quy ước, hương ước thôn, bản, tổ dân phố. Cả xã hội đang chung tay PCBLGÐ. Còn bạn thì sao?

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top