Ðảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Nâng cao ý thức người kinh doanh và tiêu dùng

09:01 - Thứ Hai, 16/12/2019 Lượt xem: 9281 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh luôn được các ngành chức năng chú trọng. Qua kiểm tra cho thấy, số vụ vi phạm về ATVSTP, số ca ngộ độc thực phẩm đều giảm… Có được kết quả này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, trách nhiệm của đơn vị kinh doanh, sản xuất thì ý thức người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn cũng là yếu tố rất quan trọng.

Lực lượng chức năng lấy mẫu test đồ uống tại địa bàn phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Văn Tâm

Bà Nguyễn Thúy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Ðảm bảo ATVSTP là công việc hết sức khó khăn. Bởi để làm tốt được công tác đó, không chỉ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên ngành mà ý thức, trách nhiệm của người tiêu dùng trong đảm bảo vệ sinh thực phẩm vẫn là chính. Dù cơ quan chức năng có tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm đến đâu đi nữa; nhưng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng không có kiến thức, không tuân thủ nguyên tắc về ATVSTP thì khó mà hiệu quả.

Những năm trước, các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền, mở các lớp tập huấn về ATVSTP từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, nhắc nhở đơn vị kinh doanh, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, thực tế việc vi phạm các quy định về ATVSTP vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Số vụ vi phạm thuộc lĩnh vực ATVSTP khá nhiều. Vài năm trở lại đây, đời sống của người dân được nâng lên, nhu cầu và điều kiện tiếp cận kiến thức về vệ sinh thực phẩm có nhiều chuyển biến, người tiêu dùng đã biết cách chọn cho mình những sản phẩm phù hợp, tốt cho sức khỏe; sẵn sàng tẩy chay những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Chị Nguyễn Thị Mai, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ chia sẻ: Giờ truyền thông nói nhiều về tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, sử dụng chất cấm để bảo quản thực phẩm… Do đó, để tránh mua phải thực phẩm không đảm bảo ATVSTP, gia đình tôi đã tìm hiểu kỹ nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm trước khi mua.

Nhận thức của người tiêu dùng, ý thức của nhà sản xuất, kinh doanh được nâng lên góp phần đảm bảo công tác ATVSTP. Thống kê của Chi cục ATVSTP, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Cơ quan chức năng đã lập biên bản, xử phạt gần 20 triệu đồng. Ðồng thời nhắc nhở, tuyên truyền các cơ sở cần nâng cao ý thức trong quá trình kinh doanh, sản xuất để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo bà Nguyễn Thúy Hồng, người dân trên địa bàn một số huyện đời sống, kinh tế khó khăn, kiến thức về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức cơ bản cho người dân về ATTP. Tại tuyến tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố sẽ tiếp tục mở các lớp xác nhận kiến thức ATTP cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống thuộc phân cấp quản lý và tập huấn phổ biến các văn bản pháp luật cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách về VSATTP. Ðặc biệt, Chi cục tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các đợt thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về ATTP. Dẫu vậy, để đảm bảo ATVSTP thì ý thức người kinh doanh và người tiêu dùng vẫn quan trọng hơn cả.

Quang Long
Bình luận
Back To Top