Chủ động đối phó với rét đậm, rét hại

09:09 - Thứ Hai, 16/12/2019 Lượt xem: 10657 In bài viết

ĐBP - Ðợt rét đậm, rét hại xảy ra trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân. Ðể phòng, chống bệnh cho người dân và nhất là ở vùng sâu, vùng cao, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho người bệnh, đặc biệt là người già và trẻ em.

Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tổ chức tuyên truyền cho nhân dân địa phương về phòng chống rét, đặc biệt là đối tượng người già và trẻ em. Trong đó chú ý cảnh báo để nhân dân biết về các tai nạn có thể xảy ra khi sưởi ấm không đúng cách, như: Ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng bếp than trong nhà kín; bỏng lửa hoặc tử vong trẻ em do chở bằng xe máy đi ngoài trời rét; ngạt thở trẻ em do mặc quá nhiều quần áo ấm. Ngành Y tế khuyến cáo, trẻ em không được đảm bảo điều kiện chăm sóc, dinh dưỡng kém có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virut. Ngành cũng có phương án giám sát chặt chẽ và kịp thời khống chế, dập tắt các dịch bệnh phát sinh do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các trạm y tế trực thuộc triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế; tuyên truyền cho nhân dân địa phương phòng, chống dịch bệnh và tai nạn do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra.

Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Ða khoa tỉnh, trong những ngày rét đậm, rét hại vừa qua số bệnh nhân cấp cứu tăng hơn 1,5 lần so với ngày thường. Trong 3 ngày (từ 6 - 8/12) Bệnh viện Ða khoa tỉnh đã tiếp nhận 213 bệnh nhân. Trong đó bệnh nhân là trẻ em 49, người già 36... Ðối với bệnh nhân đột quỵ chủ yếu là người cao tuổi, mắc các bệnh như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính và trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp... Các dấu hiệu thường là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội... Nhiệt độ thấp là một trong những nguyên nhân chủ yếu của những bệnh này. Khi lạnh dẫn đến co thắt mạch, có thể gây tăng huyết áp, đột quỵ chảy máu. Nếu người bệnh không ăn uống đủ năng lượng, đảm bảo giữ ấm cho cơ thể, máu dễ bị cô đặc, gây ra tắc mạch, đột quỵ do thiếu máu não.

Bác sĩ Bùi Quang Thắng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) cho biết: So với những ngày thường thì trong đợt rét đậm vừa qua, lượng bệnh nhân vào khám chữa bệnh ít hơn. Nguyên nhân là do tiết khắc nghiệt nên bệnh nhân ngại đến viện khám, chỉ khi tình trạng bệnh nặng, nguy kịch mới được người nhà đưa vào viện. Chính vì thế mà dù lượng người vào thăm khám giảm, nhưng số ca cấp cứu tăng 1,5 lần so với ngày thường. Trung bình ngày thường có khoảng 25 - 30 bệnh nhân cấp cứu thì trong đợt rét đậm đã tăng lên 40 ca/ngày. Ngày cao điểm trong vòng 15 giờ đã có 26 bệnh nhân nhi nhập viện, hầu hết mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu chảy. Bệnh viện Ða khoa tỉnh đã chủ động đảm bảo các điều kiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại đơn vị. Nơi chờ khám, các buồng khám bệnh, buồng điều trị đều đảm bảo kín gió, có đủ chăn đệm và phương tiện chống rét để người bệnh được giữ ấm trong thời gian khám, làm thủ thuật và nằm điều trị. Bệnh viện cũng bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để tiếp nhận và xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra như các bệnh tim mạch, các bệnh về đường hô hấp…

Ông Ðoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Ðể bảo vệ sức khỏe khi thời tiết rét đậm, rét hại, người dân phải ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể; sử dụng thức ăn nóng ấm, tốt nhất là uống trà gừng nóng có thêm ít đường; mặc ấm, nhất là giữ ấm phần ngực, cổ. Ðối với trẻ em, gia đình cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng; cần đặc biệt chú ý mặc ấm, đi tất, giày, dép, nên cho trẻ chơi trong nhà. Có thể đốt củi sưởi ấm nhưng lưu ý không sưởi ấm bằng đốt than tổ ong và củi trong phòng kín. Ðối với người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, giữ nếp sinh hoạt bình thường. Cần mặc đủ ấm lúc ngủ cũng như lúc thức, ở trong nhà cũng như khi ra ngoài, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân. Tránh ở lâu ngoài trời, thức khuya trong những ngày trời rét để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay các biến chứng tim mạch...

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top