Ðể dịch vụ công trực tuyến hiệu quả hơn

08:51 - Thứ Năm, 09/01/2020 Lượt xem: 9726 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, hệ thống dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã cung cấp toàn bộ thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Ðiểm nổi bật của hệ thống này là công khai minh bạch, liên kết với Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia về tiến độ thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của công dân “đúng hạn, trễ hạn” và rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan Nhà nước trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Người dân đến làm thủ tục tại Chi cục Thuế TP. Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Văn Tâm

Qua thống kê cho thấy, số lượng hồ sơ phát sinh trên Cổng dịch vụ công trực tuyến biến động theo từng ngày, từng giờ. Tính đến 12 giờ 30 phút ngày 16/12/2019, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh tiếp nhận 9.682 hồ sơ, đã xử lý 6.779 hồ sơ; trong đó đúng hạn đạt 69,86%. Các sở, ngành đã tiếp nhận hơn 1.300 hồ sơ; cấp huyện phát sinh hơn 6.580 hồ sơ và cấp xã phát sinh hơn 1.700 hồ sơ. Ngày càng nhiều người dân, doanh nghiệp biết đến và thực hiện gửi, nhận hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh. Trong tháng 8 chỉ có 980 hồ sơ phát sinh, đến tháng 9 tăng lên 1.777 hồ sơ, tháng 10 là 2.417 hồ sơ, tháng 11 tăng lên 3.030 hồ sơ và tính đến 16/12, số hồ sơ phát sinh là 1.430. Ðồng thời, qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, kết quả đánh giá chung về các đơn vị, cán bộ thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính được thể hiện rõ. Cụ thể, trong tổng số 26 lượt đánh giá thì có 14 lượt “rất hài lòng” với dịch vụ này, 4 lượt đánh giá mức độ “hài lòng”, 3 lượt đánh giá “bình thường” và 5 lượt đánh giá “không hài lòng”. Ðối với nội dung đánh giá cán bộ thực hiện nhiệm vụ có 22 lượt đánh giá, trong đó có 17 lượt “rất hài lòng”, 3 lượt “hài lòng, 1 “bình thường” và 1 đánh giá “không hài lòng”.

Tuy nhiên, qua theo dõi, đánh giá kết quả đạt được thì còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là cấp xã; chưa phát sinh hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ quá hạn, trễ hạn còn cao. Cụ thể, đối với cấp tỉnh còn các sở: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Ðầu tư, Ngoại vụ và Ban Dân tộc tỉnh chưa phát sinh hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Một số huyện như: Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa mặc dù đã thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến nhưng số lượng hồ sơ còn thấp so với thực tế thủ tục hành chính phát sinh. Ðặc biệt là cấp xã, tỷ lệ chưa triển khai thực hiện, hồ sơ quá ít hoặc quá hạn do không thực hiện đầy đủ quy trình giải quyết thủ tục hành chính còn rất cao. Ðiển hình như: Huyện Ðiện Biên có 22/25 xã chưa thực hiện; Mường Ảng: 5/10 xã, thị trấn; Nậm Pồ có 13/15 xã; Ðiện Biên Ðông: 12/14 xã, thị trấn; Mường Nhé 9/11 xã. Ðối với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của cơ quan, đơn vị thì tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến mới đạt dưới 10%.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông mới có 2/14 xã, thị trấn thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến là Na Son và Háng Lìa; song số lượng phát sinh hồ sơ rất thấp. Cụ thể, xã Na Son mới chỉ phát sinh 1 hồ sơ; xã Háng Lìa 10 hồ sơ. Tuy nhiên, tất cả hồ sơ đều đã quá hạn và chưa được giải quyết.

Ông Vàng A Dia, Chủ tịch UBND xã Háng Lìa cho biết: Hiện nay, xã đã kết nối và thực hiện giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh theo quy định. Tuy nhiên, số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng rất ít, trong khi tỷ lệ người dân đến bộ phận “một cửa” để giao dịch các loại giấy tờ hồ sơ theo cách truyền thống vẫn còn chiếm đa số. Một trong những nguyên nhân là do trình độ công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế; khái niệm “công dân điện tử”, “chính quyền điện tử” nhiều người chưa biết đến. Cùng với đó, hiện nay hệ thống mạng internet, điện lưới quốc gia trên địa bàn xã còn thiếu; một bộ phận cán bộ xã cũng yếu về trình độ công nghệ thông tin ảnh hưởng đến việc hướng dẫn người dân mỗi khi thực hiện giao dịch qua mạng. Do đó, để người dân và doanh nghiệp biết đến và sử dụng nhiều hơn dịch vụ gửi nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi tư duy, cách thức tiếp nhận dịch vụ mới đối với người dân. Các cơ quan chuyên môn cần tăng cường hỗ trợ vận hành, đào tạo, tập huấn cho cán bộ công chức xã thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Theo ông Phạm Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, để Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh triển khai có hiệu quả, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng phải tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện. Tiếp tục hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; rà soát, cập nhật các thủ tục hành chính mới; nâng cấp, điều chỉnh các chức năng cho phù hợp với thực tế. Ðối với các thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí, các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với ngân hàng tạo tài khoản để sử dụng thanh toán trực tuyến nhằm giảm thời gian thực hiện.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top