Biên cương Mường Nhé vào xuân

09:25 - Thứ Năm, 09/01/2020 Lượt xem: 8618 In bài viết

ĐBP - Mường Nhé, một thời gian dài như là mặc định nghĩa xa xôi cách trở, nhưng đồng thời cũng hàm ý bản lĩnh, ý chí, sự dấn thân... Mường Nhé, ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, nơi có các chiến sĩ biên phòng, những thầy cô giáo, nhân dân các dân tộc đang làm việc, sinh sống vì bình yên biên cương.

Mùa xuân ở cực tây Mường Nhé đến sớm nhất, giữa tháng Chạp, hoa đào, hoa dại đã thắm sắc bên đường, trong cánh rừng xanh thẳm. Ngọn nguồn xuân là đây, xuân từ trong rừng ra, xuân từ trên cao xuống, từ biên giới về thị trấn thành phố - tôi miên man nghĩ khi trên đường vào Mường Nhé.

Giữa xuân, những ngày nắng, Mường Nhé thật đẹp. Chỉ có con đường khoảng trống, cánh rừng cứ lấp lóa phía trước, lâu lâu lại òa ra sau cua vòng, như có trẻ con cầm gương nấp đâu đó, thấy người xe là trêu đùa soi. Con đường và chúng tôi đi mãi, miên man tưởng như không bao giờ đến thì chợt ngay bên, ngước lên, thấy òa sáng một trời ban trắng. Hoa ban thứ hoa không ở trong nhà, không ở dưới thấp, phải trên đồi trên núi mới đẹp, mới hết chân dung. Bao nhiêu năm ở miền núi, tôi đã hiểu điều này, nhưng nay mới cảm tường tận được.  Ban là cây rừng trong muôn vạn cây rừng. Không quý báu kiểu gỗ như đinh lim, sến táu; chẳng thực dụng như tre nứa, song mây. Ban là hoa, hoa rừng, nếp chung là trùng trùng một bầu trời trắng, kéo lên gọi lên những ước mong khao khát. Bạn cảm xúc gì, nghĩ gì khi được bầu trời hoa ấy dắt đi? Sẽ khó gọi tên chính xác nhưng ai cũng công nhận là… cảm giác như được bay, ưu tư phiền muộn tan biến, một cái gì mới mẻ đương đến. Nói đến cảm giác hoa ban, lại nhớ dịp hầu chuyện một cựu binh Ðiện Biên Phủ. Ông nói, lần ban ngày qua một con đèo, cứ thấy chênh vênh, sờ sợ làm sao... (cảm giác người miền xuôi, lại lâu lắm toàn đêm đen). Rồi cảm giác ấy tan ngay khi thấy xa xa phía trước một rừng ban.

Qua cánh rừng ban choáng ngợp là điểm xuyết hoa vông, hoa gạo, và hoa không tên không kém phần rực rỡ. Sắc thắm ấy, biết là làng bản đâu đây, rất gần đang đón đợi. Phút giây thấy người tỉnh hẳn, hệt kiểu lần trong “đêm” mãi, thì bất ngờ phía trước có ánh lửa. “Ánh lửa” “lá cờ hoa” ấy đương bay bay, vẫy gọi trên nền xanh mênh mang.

 Những ngày ở Mường Nhé, ở thị trấn huyện, đến một vài xã bản (cả thuận lợi, cả khó khăn), tôi đã vỡ ra được nhiều điều. Nếu suy từ mình ra, từ nơi khác ra thì là... khi nguội những háo hức miền đất lạ, sẽ là... mong ngóng, hướng ra, đầu óc nhiều lúc cứ tự bay trên cánh rừng, qua trập trùng đồi núi, đến thấp thoáng miền sáng, đông vui, đầy đủ... Nhớ lần đến một đảo (không xa đất liền lắm) buổi chiều thấy người già, phụ nữ, trẻ em cứ ra biển ngóng về phía mù khơi. Hỏi bác chờ ai, đáp - thuyền cá vừa đi, mươi hôm nữa mới về. Nhớ những năm đầu đời ở một thị trấn núi “rộng bằng bàn tay”, lớn bé già trẻ biết nhau hết. Chiều chiều, tại ngã ba cũng có mươi người hay ngồi ngóng. Ngóng xe ca từ Hà Nội lên, xem người đi nương về, hay gì gì cũng chẳng biết nữa... Như vậy ngóng không hẳn là cái gì cụ thể, chính xác, không hẳn là mơ ước rời xa. Âu đấy cũng là tâm trạng chung của vùng sâu vùng xa. Nhưng, kiểu suy diễn ấy nay có vẻ không đúng. Mấy ngày ở Mường Nhé, nhịp sống nơi đây, chính những con người vùng xa lắc cuối trời tổ quốc đã cho tôi suy nghĩ khác.

Tại xã Mường Nhé, chúng tôi thăm trang trại của ông Quàng Văn Phánh. Ðây là trang trại qui mô, diện tích, kỹ thuật, doanh thu... còn khiêm tốn. Nhưng, như nhiều trang trại bản làng khác, khu “sản xuất” cây con này cũng dựa theo thế núi, hài hòa với thị trường vùng sâu vùng xa... để là điểm sáng cho dân bản noi gương, vượt khó vươn lên. Thấy khoảng đất còn đỏ nguyên, mấy bước chân ra là ao cá đầy nắng lấp lánh, thấy cam bưởi mận chuối xanh mát vào gió nóng... Chủ vừa đưa khách đi thăm từng gốc cam, gốc bưởi, vừa kể về những tháng năm “khởi nghiệp”. “Hồi ấy (cách đây hai chục năm) tôi làm xe ôm, thồ ngựa dầu muối đi bán cho các bản xa... được đồng nào là đem về san lấp trồng cấy. Mình là nông dân thì chỉ biết đổ mồ hôi xuống đất thôi”. Ðất hoang vu mênh mông đã không phụ công người chăm chỉ sớm hôm, ao cá, rồi cam, mận, chuối dần xanh lên... Cứ công sức gia đình bỏ ra, lấy ngắn nuôi dài như thế, thời gian hai chục năm sau gia đình ông Phánh đã có một cơ ngơi mà nhiều người mơ ước. Hiện tại thu nhập từ cây con của trang trại bình quân cũng 3 - 4 trăm triệu/năm, hàng trăm công lao động của bà con dân bản xung quanh.

Bản Yên (xã Mường Toong) là một bản khá của xã cũng như huyện. Ðó là một bản Thái, có 42 nóc nhà, êm đềm bên con suối. Ðường vào bản là đường cấp phối, có đoạn “thênh thênh”, có đoạn lội suối, và phần nhiều là chênh vênh đòi hỏi tay lái chuẩn. Ðấy là đương giữa mùa khô, còn mùa mưa (nghe kể) muốn ra trung tâm xã, lên huyện... gặp đợt mưa, đến suối phải đứng nhìn lũ vài ba ngày, chờ nước rút. Vào bản thấy phấn chấn bởi 42 ngôi nhà sàn, nhà nào cũng gỗ tốt, mái tôn xanh đỏ hoặc broximăng, đường đi lối lại sạch sẽ. Trò chuyện với mấy thanh niên cởi trần, ngồi tránh nóng dưới sàn, sau câu đủ ăn là mấy câu lặp lại - bản không có điện, điện thoại, khổ lắm, buồn lắm. Ðiện thì mình tự lấy điện nước, mùa khô suối ít nước thì sáng về nhà đều đều, mùa mưa điện mạnh nhưng phải biết nhìn trời, hôm nào lũ phải ra mang về không thì mất máy. Còn điện thoại nghe nói nhà mạng sắp cho sóng mà mãi chưa thấy. Mới ở Mường Toong, xã khá, mà đã thấy những khó khăn; còn bao nhiêu xã bản xa xôi chưa tới, cái khó chắc chất ngất như núi.

Hôm lên A Pa Chải, bản “ba biên” Việt Nam - Lào - Trung Quốc ở xã Sín Chải tôi được nhiều cảm giác bất ngờ, thú vị. Từ thị trấn huyện lên, con đường trải nhựa đã êm êm hơn nhiều. Vào bản thấy đường đi lối lại bê tông gần hết. Nhà nào cũng chuồng củi căng níc “chào khách”, rừng xanh núi dựng ngay bên, nắng sớm vàng tươi... thật yên ả thanh bình. Anh Sừng Pó Tư, trưởng bản chầm chậm kể chuyện bản mình, người Hà Nhì mình từ mấy chục năm trước đến nay. Anh bảo, bản mình ruộng ít, rừng nhiều, trâu nhiều... mọi người tập trung giữ rừng và chăn nuôi nhiều trâu bò là phát triển kinh tế thôi.

Tại chợ phiên A Pa Chải, tận thấy không khí nhộn nhịp, sắc màu của hàng hóa, người mua bán, đi chơi... mới cảm nhận hết sự hùng vĩ, mây vờn quan ải. Chợ phiên nơi đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là ngày hội của đồng bào dân tộc hai bên biên giới cùng giao lưu văn hóa, tạo sự gắn kết tình cảm của hai đất nước ở nơi biên cương.

Mường Nhé biên cương, Mường Nhé xa đã gần, núi rừng đã ấm áp sáng lên.

Du An
Bình luận
Back To Top