Hiệu quả từ sự chung tay

10:56 - Thứ Hai, 13/01/2020 Lượt xem: 9678 In bài viết

ĐBP - Triển khai kịp thời, hiệu quả Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới” (gọi tắt là Chỉ thị 18), năm 2019 tỉnh Ðiện Biên đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ đảm bảo minh bạch, kịp thời, không chồng chéo, trùng lặp; giá trị hoạt động đạt gần 19,5 tỷ đồng, hỗ trợ trên 38.900 người, tăng nhiều so với năm 2018. Ðây là thành quả từ sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và trách nhiệm, tâm huyết trong phối hợp triển khai thực hiện giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện...

Ðại diện Hội từ thiện Tịnh Thất Long Hoa (TP. Hà Nội) trao quà cho nhân dân xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên trong Chương trình Khám chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tổ chức ngày 7/9/2019. Ảnh: C.T.V

Phối hợp hiệu quả

Sau khi có Chỉ thị 18, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2495/KH-UBND triển khai thực hiện. Trên tinh thần chỉ đạo, các hoạt động phải đảm bảo minh bạch, kịp thời, tránh chồng chéo, trùng lặp; UBND tỉnh cũng yêu cầu thông qua các hoạt động nêu cao tinh thần “Tương thân - Tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, cần tạo ra sức mạnh tinh thần cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người yếu thế trong xã hội, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Ðóng vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả thực hiện Chỉ thị 18 đó là việc thực hiện tốt công tác phối hợp triển khai hoạt động. Hội Chữ thập đỏ tỉnh được UBND tỉnh giao phối hợp với MTTQ Việt Nam tỉnh và các đơn vị thành viên; các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thực hiện công tác nhân đạo và chữ thập đỏ. Năm qua, việc này đã được thực hiện một cách tích cực, hiệu quả. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các sở, ban, ngành... đã nỗ lực phối hợp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nhân đạo, từ thiện đạt kết quả cao; góp phần giúp Hội Chữ thập đỏ thực hiện tốt 7 nhiệm vụ, phát huy vai trò nòng cốt của Hội trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác phòng ngừa ứng phó thiên tai, thảm họa, triển khai các chương trình dự án phát triển sinh kế theo hướng bền vững cho các hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách... thực hiện nội dung đã ký kết phối hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã giúp rất nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Sở Giáo dục và Ðào tạo đã đóng góp tích cực trong vấn đề củng cố, phát triển tổ chức hội; giáo dục lòng nhân ái, tính hướng thiện cho thế hệ trẻ; phối hợp tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường, huấn luyện sơ cấp cứu; xây dựng trường học an toàn, trường học thân thiện - học sinh tích cực… Sở Y tế thực sự là lực lượng chủ công, phối hợp chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng dễ bị tổn thương; tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, hiến mô, tạng, hiến bộ phận cơ thể người; phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn; đào tạo, huấn luyện và nâng cao năng lực sơ cấp cứu cho đội ngũ tình nguyện viên; triển khai khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí dành cho đồng bào nghèo, vùng xâu vùng xa… Và đặc biệt là, để việc hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, xác định biện pháp trợ giúp phù hợp theo hướng phát triển bền vững (rà soát đối tượng cần hỗ trợ, lựa chọn hình thức hỗ trợ cụ thể: đào tạo, tập huấn, dạy nghề…) sự phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã làm cho công tác nhân đạo, chữ thập đỏ đạt hiệu quả cao hơn. Trên mặt trận truyền thông; các cơ quan truyền thông đại chúng (Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Ðiện Biên Phủ...) đã đưa nội dung Chỉ thị 18, Kế hoạch số 2495/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh, các chương trình, hoạt động nhân đạo, từ thiện đến với mọi tầng lớp nhân dân; lan tỏa sâu rộng phong trào trong đời sống... Chính sự phối hợp tốt giữa các đơn vị đã làm cho Chỉ thị 18 nhanh chóng đi vào thực tế và mang lại giá trị nhân văn cao cả, chia sẻ kịp thời hơn, hiệu quả hơn với trường hợp yếu thế trong xã hội.

Ðại diện các đơn vị tham gia lễ khai trương Thùng quỹ nhân đạo trên hệ thống Bưu điện tỉnh. Ảnh: C.T.V

Sẻ chia kịp thời

Ðầu tháng 6/2019, Ðoàn từ thiện của quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, UBND huyện Ðiện Biên tổ chức thành công Chương trình tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó huyện Ðiện Biên. Chương trình đã tặng quà tri ân 30 gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; hỗ trợ 100 học sinh nghèo vượt khó huyện Ðiện Biên với tổng trị giá quà tặng trên 150 triệu đồng. Tham gia chương trình ấy, chúng tôi thấy thật sự ấn tượng bởi cách làm khoa học, trang trọng. Cảm động vì được chứng kiến niềm vui, niềm xúc động của những thương, bệnh binh, bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong buổi lễ; ánh mắt sáng bừng của những đứa trẻ chuẩn bị vào lớp được ôm những quyển sách mới...

Ðồng chí Lò Văn Ðức, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Năm 2019, tổng trị giá các hoạt động nhân đạo, từ thiện trên địa bàn tỉnh đạt gần 19,5 tỷ đồng (tăng hơn 2,5 tỷ đồng so với năm 2018), trợ giúp trên 38.900 lượt người khó khăn. Trong đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh vận động gần  6,5 tỷ đồng; các cấp Hội Chữ thập đỏ vận động đạt trên 13 tỷ đồng. Trong năm qua, đã có gần 12.800 lượt hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; gia đình chính sách; người khuyết tật... được thăm tặng quà, với tổng trị giá trên 6 tỷ đồng. Thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, toàn tỉnh đã xây dựng 106 Nhà Chữ thập đỏ, Nhà Tình thương, 5 điểm trường, 1 cầu treo dân sinh... tổng trị giá 6,452 tỷ đồng. Nguồn vận động trong “Tháng nhân đạo - Kết nối sẻ chia và lan tỏa” cũng đạt trên 3,7 tỷ đồng. Với 22 đợt tiếp nhận máu, 5.000 người tham gia đăng ký hiến, Ðiện Biên đã tiếp nhận 3.615 đơn vị máu (đạt 100% kế hoạch). Trong năm cũng có 18.786 lượt người ở vùng sâu, vùng khó khăn trên địa bàn được khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe; với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng...

Có thể khẳng định, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 18, các hộ gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh đều được trợ cấp, trợ giúp kịp thời. Tết cổ truyền đảm bảo không có hộ nghèo nào không có tết; không có nạn nhân nào cần truyền máu mà không được đáp ứng. Công tác nhân đạo, từ thiện đã thực sự góp phần thực hiện hiện an sinh xã hội, phát triển kinh tế của địa phương, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, đối tượng chính sách và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.

Mai Thủy
Bình luận
Back To Top