Người Lào nhập Quốc tịch Việt Nam

Xuân này vui trọn vẹn

14:40 - Thứ Hai, 13/01/2020 Lượt xem: 10007 In bài viết

ĐBP - Những người Lào di dân tự do và kết hôn không giá thú sinh sống ở khu vực biên giới tỉnh Ðiện Biên, do chưa phải là công dân Việt Nam nên họ luôn khát khao được nhập Quốc tịch Việt Nam để được sinh sống, hưởng các quyền lợi như bao người Việt khác trên mảnh đất này. Và năm 2019 là dấu mốc đáng nhớ với nhiều người Lào, vì mong muốn của họ đã trở thành hiện thực. Cũng chính vì thế mà Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 này sẽ trở lên ý nghĩa, ấm áp và trọn vẹn hơn, khi họ được đón cái tết đầu tiên với tư cách là công dân Việt Nam.

Bà Lò Thị Lả phấn khởi khoe Quyết định của Chủ tịch nước cho nhập Quốc tịch Việt Nam của mình với cán bộ xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên).

Sau gần 30 năm chờ đợi, tháng 4 vừa qua, bà Lò Thị Lả, bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) mới được nhập Quốc tịch Việt Nam. Vốn là người dân tộc Lào sinh ra và lớn lên ở huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly (Lào), năm 1990, bà Lả sang tỉnh Ðiện Biên (Việt Nam) xây dựng gia đình và ở lại bản Pa Xa Lào với chồng từ đó cho đến nay. Khi được trao quyết định nhập Quốc tịch Việt Nam, bà Lả và gia đình rất phấn khởi. Bà Lả tâm sự: “Sang Việt Nam ở nhà chồng đến nay đã gần 3 thập kỷ, con cái đều đã trưởng thành nhưng bản thân tôi không có Quốc tịch Việt Nam. Vì vậy, 2 vợ chồng chưa được đăng ký kết hôn và bản thân tôi chưa được cấp chứng minh thư. Thiếu các thủ tục giấy tờ đó khiến tôi cũng thiệt thòi vì không được hưởng quyền lợi như một công dân Việt Nam. Việc tiếp cận các chế độ chính sách của Nhà nước cũng vì thế mà hạn chế hơn. Vừa qua, được trao quyết định công nhận là công dân Việt, tôi rất vui mừng, cảm giác như được sinh ra lần thứ 2 trong tư cách của một người Việt. Và ngay sau khi nhận quyết định, tôi đã lên gặp chính quyền xã để làm, các giấy tờ tùy thân và 2 vợ chồng đăng ký kết hôn để được pháp luật thừa nhận các quyền, nghĩa vụ như các công dân khác”.

Ngồi bên cạnh nghe vợ mình bày tỏ cảm xúc khi được công nhận là công dân Việt Nam, ông Lò Văn Thành (chồng bà Lả) tiếp lời: “Việc vợ tôi được nhập Quốc tịch Việt Nam cũng là niềm hạnh phúc mà gia đình đã chờ đợi bấy lâu. Hiện nay, chúng tôi cũng có cháu nội rồi; nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện cháu cũng có cái thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh. Nhưng về lâu dài, bà nhà tôi được nhập Quốc tịch Việt Nam càng ý nghĩa hơn, vì con cháu sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách của Ðảng, Nhà nước, được khai sinh, được đến trường, được khám chữa bệnh và mọi việc thuận lợi hơn trước nhiều…”.

Mùa xuân này cũng thực sự ý nghĩa và trọn vẹn hơn với gia đình chị Lò Thị Hiêng, bản Pa Xa Lào (xã Pa Thơm). Bên mái nhà sàn, chị Hiêng chăm chú dệt vải chuẩn bị may cho mình bộ trang phục truyền thống đón tết. Dừng tay trò chuyện, chị Hiêng chia sẻ: “Lấy chồng rồi sang đây sinh sống từ năm 2008 nhưng chưa được nhập quốc tịch để chính thức trở thành người Việt hợp pháp. Nay được mang Quốc tịch Việt Nam, tôi rất phấn khởi. Bây giờ đã trở thành công dân nước CHXHCN Việt Nam rồi thì tết này càng ý nghĩa hơn rất nhiều, và phải tổ chức đón tết thật to để ăn mừng thôi!”.

Ðầu năm 2019, xã Pa Thơm là một trong những địa phương có nhiều người nhập Quốc tịch Việt Nam nhất trên địa bàn huyện Ðiện Biên, với 35 người; trong đó chủ yếu là phụ nữ Lào sang lấy chồng bên Việt Nam. Vì không có Quốc tịch Việt Nam nên họ trở thành những cặp kết hôn không giá thú, chưa được chính quyền địa phương công nhận. Ông Quàng Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Thơm cho biết: Khi người dân Lào lập gia đình hay di dân sang bên Việt Nam mà không có Quốc tịch Việt Nam cũng gặp nhiều bất lợi khi làm các thủ tục giấy tờ; đặc biệt là không được đăng ký kết hôn… Từ mong muốn, khát vọng được nhập Quốc tịch Việt Nam của những người dân Lào di cư và kết hôn không giá thú đang sinh sống trên địa bàn, tháng 4/2019, tỉnh Ðiện Biên đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện nhập Quốc tịch Việt Nam cho nhiều người gốc Lào trên địa bàn huyện Ðiện Biên. Sau khi nhận quyết định nhập tịch, chính quyền xã đã hướng dẫn các cá nhân làm một số thủ tục cơ bản và thiết yếu để trở thành công dân Việt Nam, như: Ðăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, lấy vân tay để làm chứng minh nhân dân…

Nhằm tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất và phát triển cuộc sống, đặc biệt là đảm bảo an ninh - trật tự trên khu vực biên giới, vừa qua, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) đã hoàn tất các thủ tục để nhập Quốc tịch Việt Nam cho 4 người dân trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Tòng Văn Oai, Phó trưởng Công an xã Thanh Hưng cho biết: Ðầu năm 2019, xã Thanh Hưng có 4 trường hợp, trong đó 2 người dân tộc Thái, 2 người dân tộc Lào ở 3 bản: Mé (2 người), Hồng Lếch (1 người) và Bó (1 người) nhập tịch vào Việt Nam. Họ đều là phụ nữ, do trước đây có mối thân tộc 2 bên, thường xuyên qua lại thăm thân rồi lấy chồng bên này. Lâu nay, họ chưa nhập quốc tịch nên không được hưởng các chính sách, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ðể giúp đỡ họ, xã Thanh Hưng đã tạo mọi điều kiện hoàn thiện các thủ tục nhập tịch để họ chính thức trở thành công dân Việt Nam.

Là 1 trong 4 trường hợp trên địa bàn xã Thanh Hưng vừa chính thức trở thành công dân Việt Nam, bà Quàng Thị Phương (sinh năm 1969), bản Hồng Lếch không giấu được niềm vui, sự phấn khởi. Bà Phương bày tỏ: “Thời gian trước, chồng, con là công dân Việt Nam, còn bản thân chưa phải người Việt Nam nên đôi khi cũng thấy tủi thân. Bây giờ, được nhập quốc tịch rồi, là người Việt Nam chính thức rồi, tôi rất vui. Và chắc chắn rằng Tết Nguyên đán năm nay sẽ là cái tết vui nhất của gia đình tôi”.

Ðược biết, để đảm bảo các quyền lợi công dân và ổn định, hòa nhập với cuộc sống tại địa phương, tháng 4/2019, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UBND tỉnh Ðiện Biên tổ chức công bố và trao Quyết định của Chủ tịch nước cho nhập Quốc tịch Việt Nam đối với 76 người Lào kết hôn không giá thú trên địa bàn huyện Ðiện Biên. Sau đó gần 1 tháng, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký và ban hành Quyết định số 520/QÐ-CTN, đồng ý cho nhập Quốc tịch Việt Nam đối với người Lào kết hôn không giá thú hiện đang sinh sống tại các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó tỉnh Ðiện Biên có 83 trường hợp. Ðó là các trường hợp hiện đang sinh sống tại các huyện: Ðiện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ. Còn một số người chưa được công nhận đợt vừa qua, tỉnh Ðiện Biên sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn để người dân làm thủ tục và đảm bảo các điều kiện để được nhập Quốc tịch Việt Nam theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Chia tay các gia đình có người thân được nhập Quốc tịch Việt Nam, ra về trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi cảm thấy thật ấm lòng. Vậy là tết năm nay, những người Lào được nhập Quốc tịch Việt Nam sẽ đón cái Tết Cổ truyền đầu tiên với tư cách là công dân Việt Nam. Ðiều đó thực sự ý nghĩa, bởi việc nhập quốc tịch không chỉ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân, mà còn mang ý nghĩa chính trị, pháp lý quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước Việt Nam đối với người Lào có thời gian sinh sống, gắn bó lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam.

Phạm Quang
Bình luận
Back To Top