Những người trực chiến

14:59 - Thứ Hai, 13/01/2020 Lượt xem: 9253 In bài viết

ĐBP - Mỗi khi có vấn đề bất ổn về an ninh trật tự (ANTT) trong xã hội, chúng ta thường quen nhấc máy gọi đến đường dây nóng 113 để thông báo cho cảnh sát. Nhưng mấy ai hiểu được công việc và nhiệm vụ của những cảnh sát 113 như thế nào. Trong một đêm giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi được chứng kiến công việc, nhiệm vụ thầm lặng của những cán bộ, chiến sĩ trong Ðội Cảnh sát 113, thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh). Họ là những người trực chiến 24/24 giờ, luôn lắng nghe, tiếp nhận những cuộc gọi của người dân trên địa bàn; tham gia tuần tra, sẵn sàng ứng phó, giải quyết các vấn đề bất ổn về ANTT trong xã hội, đem lại bình yên cho cuộc sống nhân dân.

Ðón tiếp chúng tôi trong văn phòng trực máy của Ðội, Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Phó Ðội trưởng Ðội Cảnh sát 113 cho biết: “Một trong những nhiệm vụ chính của đội chúng tôi là tiếp nhận cuộc gọi, phản ánh của nhân dân về các vấn đề liên quan đến ANTT diễn ra trên địa bàn tỉnh. Từ đó tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, xác định tính chất, mức đôcủa vụ việc để có biện pháp, phương án phù hợp, trợ giúp, xử lý cho người dân. Nhiều năm nay, mỗi khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra, như: Tai nạn giao thông, trộm cắp, cướp giật, đánh nhau, mất tích, đánh bạc, ma túy... là người dân đều gọi tới cho chúng tôi nhờ trợ giúp. Bất kể ngày hay đêm, vào bất cứ giờ nào trong ngày, chúng tôi đều thay phiên nhau trực để nghe điện thoại của bà con. Dù vất vả nhưng cũng là niềm vui của đội, bởi mỗi cuộc gọi tới cho thấy sự tin tưởng của người dân đối với lực lượng Cảnh sát 113”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hải và cán bộ, chiến sĩ trong Ðội Cảnh sát 113 đều là những người có thâm niên công tác ở đội hàng chục năm. Chính vì thế, họ có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp nhận cuộc gọi của người dân. Chứng kiến một vài cuộc gọi của người dân gọi đến đường dây nóng 113, chúng tôi thấy cán bộ trực máy 113 trao đổi rất tỷ mỉ. Họ vừa biết cách trấn an tinh thần người dân, vừa nhanh chóng ghi lại những thông tin đã nhận được để xác minh, xử lý. Bằng nghiệp vụ chuyên môn, kinh nghiệm của bản thân, mỗi cán bộ nghe máy còn có thể xác định được đâu là thông tin có giá trị, đâu là thông tin không đáng tin cậy.

Thượng úy Phan Thị Lệ là một trong số những cán bộ nữ tại Ðội Cảnh sát 113. Mặc dù có con nhỏ nhưng hàng ngày Thượng úy Lệ vẫn trực đường dây nóng 113 tới khuya mới trở về nhà. Những ngày cận Tết Nguyên đán, Thượng úy Lệ cùng các đồng đội của mình phải trực tới nửa đêm, có hôm tới sáng hôm sau. Tâm sự với chúng tôi, Thượng úy Phan Thị Lệ cho biết: “Tuy công việc trực máy có phần vất vả vì phải thức đêm, nhưng công tác ở đội nhiều năm, tôi đã quen với việc nhấc máy nghe, gọi nhiều lần. Rất may tôi có người chồng cũng làm trong ngành nên có thể thấu hiểu và chia sẻ với đặc thù công việc của tôi”.

Theo thống kê của Ðội Cảnh sát 113, trung bình mỗi ngày, đội tiếp nhận hàng chục cuộc gọi của người dân phản ánh những vấn đề về ANTT đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Vào những dịp đặc biệt, như: Các sự kiện lớn, hoặc trước, trong và sau Tết Nguyên đán, số cuộc gọi tới đường dây nóng 113 còn nhiều hơn, có lúc vừa cúp máy thì lại nhận ngay cuộc gọi khác. Chính vì thế, mỗi cán bộ của Ðội không chỉ lắng nghe, tiếp nhận thông tin đơn thuần, mà còn phải sắp xếp dữ liệu thông tin thế nào cho chuẩn xác để thông báo cho các tổ, đội, đơn vị liên quan vào cuộc xử lý.

Bên cạnh đó, không phải cuộc gọi nào tới 113 cũng có giá trị. “Có những cuộc gọi tới trêu đùa, giãi bày, kể lể... thậm chí còn nói những lời khiếm nhã. Những lúc ấy, chúng tôi phải nhã nhặn giải thích để họ hiểu và không làm phiền số máy 113 nữa” - Thiếu tá Nguyễn Văn Hải cho biết thêm.

Không chỉ trực máy, công việc diễn ra song song của Ðội Cảnh sát 113 là tuần tra trên các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT và phối hợp với các lực lượng khác đảm bảo ANTT trong thời gian cao điểm. Vào lúc 23 giờ, chúng tôi rời phòng trực máy để cùng các tổ Cảnh sát 113 trải nghiệm đi tuần tra trên những tuyến đường của thành phố. Trời đã về khuya, sương muối rơi nhiều thấm ướt vai áo, nhưng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát 113 vẫn không quản ngại thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch được giao. Tại một chốt bên đường Võ Nguyên Giáp, Ðại úy Thào A Minh, cán bộ Ðội Cảnh sát 113 chia sẻ với chúng tôi: “Thường việc tuần tra, kiểm soát của chúng tôi kéo dài đến nửa đêm. Riêng vào những ngày có sự kiện lớn, như sau các trận thắng của Ðội tuyển bóng đá Việt Nam tại Seagame 30 vừa rồi, chúng tôi trực chiến tới sáng, bởi người dân trên địa bàn tổ chức diễu hành, ăn uống, vui chơi với số lượng đông đảo, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nhiều vụ việc phức tạp về ANTT. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phản ứng nhanh, di chuyển gấp trong các tình huống tổ trực máy gọi tới thông báo có vụ việc bất ổn về ANTT xảy ra trên địa bàn thành phố, để kịp thời ngăn chặn, tháo gỡ”. 

Với những công việc, nhiệm vụ đặc thù của Cảnh sát 113, đã nhiều năm nay, tập thể cán bộ, chiến sĩ trong Ðội Cảnh sát 113, thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) đều không đón giao thừa ở nhà. Sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của họ đã đem đến bình yên cho cuộc sống người dân trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ nói riêng và đồng bào các dân tộc tỉnh Ðiện Biên nói chung.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top