Xuân này ở Mường Lay

15:36 - Thứ Hai, 13/01/2020 Lượt xem: 11298 In bài viết

ĐBP - Dạo một vòng qua các khu tái định cư trên địa bàn thị xã Mường Lay, cảm nhận chung của chúng tôi là sự yên vui và những dấu hiệu về một cuộc sống mới với những phương hướng sinh kế mới đang dần định hình. Mới đó mà đã sắp sang cái tết thứ 9 kể từ ngày lòng hồ Thủy điện Sơn La tích nước. Trong câu chuyện với các nhà quản lý, được biết cán bộ và nhân dân Mường Lay đang nỗ lực hoàn thành những công đoạn cuối cùng của Chương trình xây dựng nông thôn mới...

Khách mua hoa tại vườn của gia đình chị Lê Thị Hường, tổ dân phố 4, phường Sông Ðà, thị xã Mường Lay.

Người đầu tiên chúng tôi hẹn gặp là ông Khoàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Lay Nưa. Trong phòng làm việc tại trụ sở UBND xã, ông Tiến cho biết, là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nên ông chứng kiến nhiều sự đổi thay của thị xã nói chung và xã Lay Nưa nói riêng, nhất là từ khi thực hiện chủ trương tái định cư. Từ chỗ là một công trường bừa bộn, ngổn ngang, bụi bặm, bao khó khăn, vất vả trong công cuộc di dân; đến nay, thị xã đã thay da đổi thịt, người dân cơ bản đã ổn định cuộc sống và bắt tay xây dựng thị xã ngày một đẹp hơn. Đối với xã Lay Nưa, sau gần 10 năm thực hiện, đến nay xã đã được công nhận hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao; kinh tế - xã hội của xã tiếp tục có sự phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn. “Hiện nay, khoảng 90% người dân trong xã sống bằng sản xuất nông lâm nghiệp. Trước đây diện tích đất sản xuất của bà con rất manh mún, không tập trung. Sau quá trình quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại diện tích đất lúa, giờ đây bà con trong xã cơ bản đã có đủ đất để sản xuất. Từ chỗ trước đây toàn xã có 150ha đất sản xuất, nay bà con khai hoang, phục hóa thêm nên diện tích được tăng lên là 206ha, trong đó hơn 20ha đất bán ngập sản xuất 1 vụ. Mặc dù đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng xã vẫn “nợ” một số chỉ tiêu, như: vệ sinh môi trường, thu nhập của người dân… Thời gian tới, để nâng cao thu nhập cho bà con, xã tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở các tiềm năng, thế mạnh để có cơ cấu ngành nghề hợp lý, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, và quan tâm nhất là phát triển dịch vụ nhỏ…” - Ông Khoàng Văn Tiến chia sẻ.

Được sự giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Khoàng Văn Tiến, chúng tôi đến thăm bản Bắc 2, xã Lay Nưa, nằm trong dãy phố nhà sàn được quy hoạch bài bản, gọn gàng bên lòng hồ thủy điện. Hỏi thăm vào nhà chị Lò Thị Miền, Bí thư Chi bộ bản Bắc 2 - gia đình chị cũng là một trong những hộ tiêu biểu đi đầu trong phát triển kinh tế ở bản. Ngoài cấy 1.500m2 ruộng lúa nước, chị còn nuôi khoảng 30 con lợn, hàng trăm con gà và mở cửa hàng tạp hóa tại nhà. Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình chăn nuôi của gia đình, chị Miền cho biết: Trong 73 hộ dân của bản, hiện chỉ còn có 2 hộ nghèo, do chủ hộ mắc trọng bệnh nên chưa xóa được nghèo. Cả bản có 7,6ha ruộng lúa nước 1 vụ nên người dân phải nhờ vào phát triển chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Hầu hết gia đình nào cũng chăn nuôi gà, lợn, nhưng chỉ có khoảng 50 hộ là chăn nuôi bán ra thị trường, còn lại là chăn nuôi để phục vụ nhu cầu thực phẩm trong gia đình. Vào mùa nước lên, một số hộ dân lại chuyển sang đánh bắt thủy sản dưới lòng hồ. Ngoài ra, người dân trong bản còn tham gia làm bánh khẩu xén, và cũng có người đi lao động, làm thuê ở các địa phương để tăng thu nhập cho gia đình. “So với trước đây, đời sống của người dân trong bản đã có nhiều đổi thay. Mặc dù chưa thể làm giàu, nhưng bà con cũng chẳng có ai nghèo (trừ 2 hộ nghèo do bệnh tật), các hộ đều đã có cuộc sống ổn định, tạo nền tảng để từng bước phát triển kinh tế gia đình” - Chị Miền cho biết thêm.

Rời bản Bắc 2, chúng tôi lên phường Sông Đà. Lúc này đã là cuối giờ chiều, trời bắt đầu tối dần, lòng hồ sông Đà bỗng trở nên sôi động bởi tiếng máy nổ giòn vang từ những chiếc thuyền đánh cá. Đây là thời điểm thích hợp nhất để những chiếc thuyền của ngư dân rời bến, mang theo bình ắc quy thắp sáng để đánh vó đèn. Ngay dưới lòng hồ, chúng tôi được anh Trần Văn Thời, ngư dân tổ 2, phường Sông Đà, chia sẻ: Trước đây gia đình anh chủ yếu làm nông nghiệp, từ khi lòng hồ tích nước, cũng là lúc anh bắt đầu chuyển sang nghề chài lưới và nuôi cá lồng. Nhưng thu nhập cũng thất thường, bởi nghề này phụ thuộc vào thời tiết và mực nước lòng hồ lên xuống. Có ngày thu nhập vài triệu đồng nhưng cũng có ngày chẳng kiếm được đồng nào. Vào ngày mùa mưa, nước đục thì cá nhiều hơn, có hôm thu được hàng tạ cá vụn; còn bình thường thì chỉ thu được vài kilogam cá vụn mỗi ngày. Theo anh Thời, nghề này cũng chẳng thể làm giàu, nhưng cũng đủ đảm bảo được cuộc sống của 4 miệng ăn trong gia đình anh gần chục năm qua.

Đua thuyền đuôi én ở thị xã Mường Lay.

Được biết, ở thị xã Mường Lay hiện chỉ người dân ở phường Sông Đà là làm nghề đánh cá chuyên nghiệp; còn người dân ở phương Na Lay và xã Lay Nưa chủ yếu đánh cá theo thời vụ. Bà Lê Thị Bích Liên, Phó Bí thư Đảng ủy phường Sông Đà, cho biết: Sau khi công trình Thủy điện Sơn La hoàn thành, lòng hồ sông Ðà bắt đầu tích nước, thị xã Mường Lay không chỉ trở thành một đô thị tươi đẹp và thơ mộng hơn, mà người dân thị xã “trên bến dưới thuyền” cũng có thêm cơ hội khai thác nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ, và nghề đánh bắt cá, tôm bắt đầu phát triển. Hiện phường Sông Đà có 363 hộ dân, ngoài những hộ sinh sống bằng nghề sông nước, các hộ còn lại làm nghề buôn bán nhỏ, làm nông nghiệp và đi lao động ngoài địa bàn. Một số hộ phát triển kinh tế theo mô hình, như: trồng rau xanh, trồng hoa ven lòng hồ; chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò và vịt trời, cá nheo Mỹ…

Mặc dù hiện nay thị xã Mường Lay đã đổi thay và đang trên đà phát triển, nhưng phía trước vẫn còn không ít khó khăn. Tuy kinh tế tăng trưởng nhưng chưa bền vững; quy mô sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn nhỏ bé; sản phẩm nông nghiệp chưa có sức cạnh tranh, tiêu thụ chủ yếu trong thị trường thị xã; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn và quá trình đô thị hóa nông thôn còn chậm… Nói về việc định hướng, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, cho biết: Thời gian qua, khi người dân ổn định cuộc sống sau tái định cư, việc đầu tiên mà cấp ủy, chính quyền thị xã quan tâm là bằng mọi giá phải tạo quỹ đất cho dân sản xuất. Hiện nay toàn thị xã có 953ha đất nông nghiệp, trong đó 380ha là đất lúa. Chính quyền thị xã đã giao nhiệm vụ cho các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn nhân dân và huy động các nguồn lực để giúp dân xây dựng các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản; áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; khôi phục và hình thành các làng nghề, như: làm bánh khẩu xén, thịt sấy, cá sấy; sản xuất áo cóm và sản xuất nhạc cụ của dân tộc Thái… Đồng thời kêu gọi các thành phần kinh tế liên kết đầu tư, nghiên cứu đưa các cây, con giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất; tập trung giao đất giao rừng để bà con hưởng dịch vụ môi trường rừng; khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách để bà con vừa bảo vệ, phát triển rừng tốt, vừa kết hợp trồng cây kinh tế xen canh và phát triển chăn nuôi theo truyền thống…

Tại Văn bản số 3620/BCĐ-KTN ngày 6/12/2019, của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG, đã giao cho UBND thị xã Mường Lay tiếp tục tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới; hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xét công nhận địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2020. Hiện cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc thị xã Mường Lay đang tiếp tục phấn đấu để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (cấp huyện) với thời gian nhanh nhất có thể.

Đi giữa thị xã Mường Lay hôm nay, chúng tôi cảm nhận một cuộc sống thanh bình với khí hậu trong lành, mát mẻ. Những ngày tháng khó khăn nhất của thị xã đã qua. Giờ đây thị xã đang vươn mình phát triển, đổi mới từng ngày; bộ mặt nông thôn mới đã khởi sắc. Mùa xuân như đang về với thị xã ven sông. Những ngày cuối năm này, người dân thị xã có phần hối hả, bận rộn hơn… Tại các khu dân cư bên lòng hồ, những mô hình trồng rau xanh, trồng hoa các loại, đang ríu rít tiếng cười nói của người chăm sóc và khách đến mua hoa. Nhịp sống sôi động ngày cuối năm nơi đây như đang báo hiệu sự khởi đầu cho cuộc sống mới ở thị xã nơi đỉnh trời Tây Bắc.

Bài, ảnh: Linh Giang
Bình luận
Back To Top