Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng phát triển 6 lĩnh vực năm 2020

08:48 - Thứ Ba, 14/01/2020 Lượt xem: 8758 In bài viết

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTTTT ngày 3-1-2020 về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2020.

Khách hàng giao dịch tại Trung tâm kinh doanh VNPT Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền

Tại Chỉ thị nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu cụ thể 6 lĩnh vực quản lý nhà nước:

Lĩnh vực bưu chính: Phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong đó, chú trọng các dịch vụ liên quan đến chính phủ điện tử và các dịch vụ mang tính hỗ trợ/logistics cho thương mại điện tử. Đến hết năm 2020, Việt Nam vào nhóm 40 - 45 quốc gia dẫn đầu về bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU).

Lĩnh vực viễn thông: Năm 2020, mạng thông tin di động 5G ở Việt Nam được triển khai thương mại; chủ động xây dựng lộ trình và phương án loại bỏ công nghệ di động 2G từ năm 2022. Về nâng bậc và cải thiện thứ hạng, đối với viễn thông, chỉ số phát triển ICT lên thứ hạng từ 80 đến 85.

Lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Đến hết năm 2020, Việt Nam vào nhóm 75 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số phát triển chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc.

Lĩnh vực an toàn, an ninh mạng: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng đặc biệt trong năm diễn ra đại hội đảng các cấp và các sự kiện quan trọng của đất nước. Giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phải do doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và làm chủ để phục vụ chính phủ điện tử, đô thị thông minh và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Đến hết năm 2020, Việt Nam vào nhóm 45 -50 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của ITU.

Lĩnh vực công nghiệp ICT: Định hướng thúc đẩy phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số. Mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có tỷ lệ 1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 người dân, tương đương với các nước công nghiệp phát triển. "Make in Viet Nam" là một định hướng lớn, chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang làm chủ và sáng tạo công nghệ.

Lĩnh vực báo chí, truyền thông: Báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội. Báo chí đóng góp vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021 - 2026, với phương châm “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo đúng nội dung Quy hoạch và Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 4-6-2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thực thi luật pháp nghiêm minh với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng theo nguyên tắc Việt Nam là đất nước có chủ quyền, mọi doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. 

Cuối cùng, Chỉ thị yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào nhiệm vụ, chương trình công tác của đơn vị tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2020. 

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top