“Ba Chà” hôm nay

16:05 - Thứ Ba, 14/01/2020 Lượt xem: 10198 In bài viết

ĐBP - Về vùng đất “Ba Chà” (Chà Cang, Chà Nưa, Chà Tở) những ngày cuối năm, chúng tôi chứng kiến cảnh cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu đỏ rực; đường trải nhựa rộng thênh thang; hai ven đường những ngôi nhà sàn mái ngói đỏ tươi mọc lên san sát. “Ba Chà” đang thay da đổi thịt từng ngày. Ðể có được như ngày hôm nay ít ai biết rằng “Ba Chà”  đã trải qua bao gian nan, thử thách. Và địa danh “Ba Chà” cũng là một dấu mốc lịch sử quan trọng mang nhiều ý nghĩa.

Một góc trung tâm xã Chà Tở - “trái tim” của “Ba Chà” xưa đã đổi thay vượt xa so với mơ ước của người dân nơi đây.

Ðịa danh Mường Chà (cũ) xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, thời kỳ Ðèo Văn Long cai trị, được các lý trưởng họ Tao thay nhau cai quản. Cuối tháng 12/1953 sau khi giải phóng TX. Lai Châu (nay là TX. Mường Lay), bộ đội ta tiến vào giải phóng Mường Chà. Năm 1954, thành lập chính quyền cách mạng với tên gọi Ủy ban hành chính xã Mường Chà. Ðịa bàn xã Mường Chà gồm phần lớn diện tích huyện Nậm Pồ hiện nay. Năm 1959, xã Mường Chà chia tách thành 3 xã gồm Chà Nưa, Chà Cang và Chà Tở. Mỗi xã có 5 bản. Ðịa danh “Ba Chà” cũng từ đây mà có. Dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, ngoài ra còn có dân tộc Kháng, Dao, Khơ Mú. Từ đây các xã vùng “Ba Chà” bắt đầu có cơ sở đảng với những đảng viên đầu tiên được kết nạp. Ðây là bước trưởng thành quan trọng của khu vực “Ba Chà”. Mặc dù đảng viên rất ít, địa bàn rộng, hiểm trở; hoạt động phỉ ở vùng biên giới diễn biến phức tạp; song các chi bộ vùng “Ba Chà” đã cùng với bộ đội biên phòng vượt qua khó khăn gian khổ tuần tra bảo vệ biên giới, bám địa bàn, bám dân gây dựng cơ sở cách mạng; xây dựng bộ máy chính quyền, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, ủng hộ sức người, sức của cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, sống trong hòa bình, độc lập, những người con vùng đất “Ba Chà” tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử xây dựng quê hương. Nói về sự đổi thay của vùng đất “Ba Chà” hôm nay, ông Tao Văn Vin, người uy tín tiêu biểu bản Cấu, xã Chà Nưa cho biết: Ðầu tiên phủ Mường Chà đặt tại bản Phiêng Luông, xã Chà Tở. Từ năm 1925 - 1954, phủ Mường Chà được đặt tại bản Cấu, xã Chà Nưa. Ðến năm 1959, khi chia tách xã Mường Chà thành 3 xã Chà Nưa, Chà Cang và Chà Tở, cuộc sống của người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Con em 3 xã vẫn học chung một trường, giao thông cách trở. Thời bấy giờ chủ yếu là đi đường mòn, đường xe ngựa. Tôi nhớ có lần dắt ngựa thồ hàng từ TX. Lai Châu (nay là Mường Lay) đi A Pa Chải mất gần nửa tháng. Nhưng bây giờ đường mới trải nhựa rộng từ TX. Mường Lay qua xã Mường Tùng vào Chà Cang, sau đó theo quốc lộ 4H vào Mường Nhé, rồi đi lên A Pa Chải, đến ngã ba biên giới chỉ mất 6 giờ ngồi xe ô tô. Ðiện, đường, trường, trạm đầy đủ khang trang. Xã nào cũng có trường học, trạm y tế, đời sống vật chất, tinh thần, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao; mạng điện thoại, truyền hình phủ sóng tận nhà; trẻ em được đi học, được tiêm chủng đầy đủ…

Tổ chức đảng phát triển hầu hết ở địa bàn 3 xã từ các bản vùng thấp đến vùng cao. Nếu như từ khi mới chia tách thành lập, cả 3 xã chỉ có 20 đảng viên, đến nay số đảng viên, số chi bộ đã tăng gấp nhiều lần. Tính riêng Ðảng bộ xã Chà Nưa đến nay đã có 13 chi bộ đảng với 220 đảng viên; trong đó, đảng viên có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm 43%, trung cấp lý luận chính trị chiếm 24%, đảng viên nông thôn chiếm 75,4%. Ðảng bộ xã Chà Cang có 160 đảng viên, sinh hoạt tại 8 chi bộ. Ðảng bộ xã Chà Tở có 14 chi bộ, 177 đảng viên tham gia sinh hoạt.

Trên cơ sở kế thừa những giá trị lịch sử truyền thống cách mạng, nhân dân các dân tộc vùng “Ba Chà” phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ðảng ủy các xã: Chà Nưa, Chà Cang và Chà Tở đã ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, khí thế xây dựng nông thôn mới giữa các bản, các xã được nâng cao. Nhân dân trong vùng đóng góp ngày công, ủng hộ tiền, hiến đất xây dựng nông thôn mới trị giá hàng chục tỷ đồng. Nhờ đó, trong năm 2019 Chà Nưa là xã đầu tiên của huyện “cán đích” nông thôn mới. Xã Chà Cang đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới, dự kiến trong năm 2020 xã sẽ về đích nông thôn mới…

Rời “Ba Chà”, khi cây cối đang đâm chồi nảy lộc, những nụ đào rừng đang chớm nở. Nắng lên xuyên qua những kẽ lá khiến những hạt sương sớm đọng trên mặt lá long lanh hơn, triền núi nơi đây cũng huyền ảo hơn… Tất cả tạo nên bức tranh lấp lánh đầy sắc xuân của núi rừng Tây Bắc.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top