Chuyện “đất” và “nước” ở Phiêng Ðất

10:52 - Thứ Năm, 16/01/2020 Lượt xem: 10954 In bài viết

ĐBP - Tận dụng tài nguyên đất đai, nguồn nước từ đồng đất quê hương để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên luôn là định hướng được Ðảng, Nhà nước khuyến khích, tiếp sức. Tuy nhiên, vẫn với “đất” và “nước” đó, làm thế nào để biến thành cơm, thịt, ti vi, tủ lạnh… thì phần nhiều thuộc về yếu tố con người, tư duy. Ðó cũng là câu chuyện của hai bản liền kề thuộc xã Nậm Nèn (huyện Mường Chà).

Người dân Phiêng Ðất B đóng thuyền, chực bến sẵn sàng “kết chài, giăng sông”.

Sự tương phản của 2 bản cùng tên

Nằm ven quốc lộ 6, đều soi bóng xuống lòng hồ Thủy điện Trung Thu thuộc địa phận xã Nậm Nèn có hai bản cùng tên là Phiêng Ðất A và Phiêng Ðất B. Bản Phiêng Ðất A (thuộc taluy dương quốc lộ 6) có 85 hộ là người dân tộc Kháng; Phiêng Ðất B (nằm bên taluy âm quốc lộ 6) gồm 42 hộ người dân tộc Thái. Theo chia sẻ của người dân, 2 bản từ trước đến nay vẫn sinh sống với địa bàn riêng chứ không phải chia tách từ một bản như nhiều người nghĩ. Còn vì sao lại cùng lấy tên là Phiêng Ðất thì theo tiếng dân tộc Thái, từ “phiêng” nghĩa là “bằng phẳng, rộng rãi”, kết hợp với từ “đất” thể hiện mong muốn một vùng đất đai bằng phẳng, trù phú của nhân dân vùng ven sông Nậm Mức này. Có lẽ chính vì ý nghĩa như vậy nên cả 2 bản đều... thích và sử dụng tên bản là Phiêng Ðất?!

Cùng đi với chúng tôi đến Phiêng Ðất A, B có ông Lò Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Nèn. Theo ông Quỳnh, giống như đa số thôn bản trên địa bàn xã, với đặc thù núi cao, suối sâu, đất dốc, người dân 2 bản Phiêng Ðất A, B chủ yếu canh tác trên nương, trồng lúa, ngô và gần đây là trồng dong riềng, kết hợp chăn thả gia súc, nuôi gia cầm, đánh bắt thủy sản ở sông Nậm Mức. Ðặc biệt, bản Phiêng Ðất A còn có chút lợi thế hơn so với các bản khác đó là có bãi chăn thả gia súc rộng, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi.

Mặc dù có nhiều đặc điểm về tự nhiên, địa danh, khu vực giống nhau, người dân đều hiền hậu, hiếu khách nhưng tình hình kinh tế - xã hội, phương thức sản xuất, làm ăn... của 2 bản thì khác nhau nhiều lắm! Thậm chí có thể nói là tương phản. Ðiều này thể hiện ngay ở số liệu thống kê mới nhất của chính quyền xã. Năm 2020, bản Phiêng Ðất A có tới 76/85 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 89,4%), cao nhất xã; còn Phiêng Ðất B hiện có 6/42 hộ nghèo (14,2%), thấp nhất xã Nậm Nèn.

Lý giải về sự chênh lệch kinh tế, thu nhập giữa 2 bản liền kề Phiêng Ðất A, B, ông Lò Văn Quỳnh cho biết: Chủ trương của trên cũng như quan điểm của chính quyền xã là quan tâm, triển khai các chính sách một cách công bằng, cả 2 bản đều đã được Nhà nước đầu tư hạ tầng cơ bản với đường bê tông, công trình nước sạch, điện lưới, điểm trường và gần đây nhất là Chương trình 135 với mô hình hỗ trợ nuôi bò sinh sản đã được triển khai đầy đủ đến các bản. Những bản còn nhiều hộ nghèo như Phiêng Ðất A còn được ưu tiên đầu tư trước. Ðơn cử như năm 2015, bản Phiêng Ðất A được đầu tư nguồn lực, xây dựng dự án hỗ trợ nuôi lợn với nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng từ vốn vay Ngân hàng thế giới WB. Nhưng đến nay, chúng tôi buộc phải thừa nhận rằng dự án đã thất bại, lợn dự án bà con nuôi cứ “ngót” dần và hết hẳn trước khi dịch tả lợn châu Phi tràn qua địa bàn. Rồi từng cái cày, cái bừa... chính quyền cũng quan tâm hỗ trợ nhưng có cảm giác như muối bỏ biển vậy. Vì vậy, người dân bản nào còn nghèo là do yếu tố... chủ quan thôi! Có lẽ bà con chưa “vỡ” được phương thức, tư duy phát triển sản xuất.

Một góc bến thuyền Phiêng Ðất. Ảnh: Thu Hằng

Người Phiêng Ðất B tận dụng nước

Ðến bản Phiêng Ðất B, con đường bê tông dẫn vào bản tuy có độ dốc lớn nhưng phẳng phiu, sạch sẽ. Và hiện ra trước mắt chúng tôi là một bản người Thái trù phú, sơn thủy hữu tình với những ngôi nhà sàn mái tôn đỏ thấp thoáng dưới tán cây, nằm bên sông Nậm Mức cũng là lưu vực nước của hồ Thủy điện Trung Thu. Ðang là buổi sáng nên bản vắng người do trẻ đã đến lớp, người lớn đi làm. Phó Chủ tịch xã Lò Văn Quỳnh bảo: Bà con giờ này đang tập trung ở bến Phiêng Ðất hết rồi, giờ ta ra gặp gỡ, xem bà con lao động luôn thôi.

Ðúng như ông Quỳnh chia sẻ, bến Phiêng Ðất giữa buổi sáng đang tấp nập khi dưới lòng hồ thì thuyền, lưới, cá, tôm, “ngư phủ hai người”; trên bờ cũng rộn rã “đóng thuyền, chực bến, kết chài giăng sông”! Ông Lò Văn Cương, trưởng bản Phiêng Ðất B đồng thời cũng là một “ngư phủ” lão luyện chia sẻ với chúng tôi: Từ khi Thủy điện Trung Thu đóng đập, dâng nước (năm 2016), nguồn lợi thủy sản trong hồ rất phong phú nên dân bản nhanh chóng nhận thấy đây là một hướng sinh kế mới, góp phần tích cực để tăng thu nhập cho gia đình. Nghĩ là làm, nhiều gia đình ở Phiêng Ðất B đầu tư đóng thuyền, sắm chài, lưới đánh cá, lưới bát quái (để bắt tôm). Và đúng như kỳ vọng, sau hơn 3 năm tổng kết lại, tính sơ bộ mỗi hộ đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện đều có thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày, chưa tính những ngày trúng mẻ lưới đậm, cá to. Cho thu nhập tốt là vậy nhưng dân Phiêng Ðất B chúng tôi chưa coi đây là hướng thu nhập chính, các hộ chỉ tranh thủ buổi sáng để đánh bắt cá, tôm, còn buổi chiều thì tập trung vào các loại hình sản xuất truyền thống như: Làm ruộng, nương, chăn thả gia súc, chăm sóc và thu hoạch dong riềng. Việc này vừa để cân bằng các hoạt động sản xuất, vừa duy trì nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ, vì tận thu quá, cá tôm không kịp sinh sôi. Về lâu dài, dân bản đang đề nghị xã phối hợp với ngành chuyên môn định hướng, xây dựng cho bà con các phương án nuôi thủy sản (cá bè, lồng) trên lòng hồ để phát triển bền vững.

Nói về tình hình kinh tế - xã hội của bản, ông Cương tự hào cho biết: Dân Phiêng Ðất B hiện nay cơ bản có cuộc sống ổn định, kinh tế tương đối vững, nói chung trên địa bàn xã, kinh tế của bản thuộc diện “không nhất cũng phải nhì”. Một số hộ thuộc diện khá giả do biết kết hợp nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh như gia đình ông Màng Văn Niêm (phát triển kinh tế từ gieo trồng, chăn nuôi và buôn bán dê); gia đình ông Lò Văn Thiện chăn nuôi đàn trâu, bò hơn 40 con, đàn lợn hơn 30 con (dù bị ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi vừa qua nhưng hiện gia đình ông Thiện đã được phép tái đàn, dự kiến dịp Tết Nguyên đán Canh Tý sẽ xuất bán 20 con). Hiện còn 6 hộ thuộc diện nghèo theo bình chọn của bản nhưng như đánh giá của cá nhân tôi, những hộ này hiện cũng không đến mức khó khăn quá. Năm 2020, bản Phiêng Ðất B phấn đấu giảm thêm 1 hộ nghèo để tiệm cận tiêu chí “Hộ nghèo” trong xây dựng nông thôn mới (11%).

Rời hai bản cùng tên, trên đường về trụ sở xã, điều khiến tôi băn khoăn là làm thế nào để người dân Phiêng Ðất cả A và B cùng phát triển. Nước lòng hồ Thủy điện Nậm Mức mùa này vẫn in nền trời xanh ngắt mà sao 2 bản làng có rất nhiều sự tương đồng như vậy mà một sáng màu, một ảm đạm? Như hiểu được tâm trạng của tôi, Phó Chủ tịch xã Lò Văn Quỳnh nói mà như tự nhủ với chính bản thân: Ðúng là không thể để như vậy được, bà con có chưa “vỡ, thông” được tư tưởng thì ngoài trao “con cá, cái cần câu”, chính quyền, đoàn thể địa phương phải tích cực tuyên truyền, vận động, đả thông hơn nữa...

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top