Tăng cường quản lý thông tin trên mạng internet

09:37 - Thứ Sáu, 17/01/2020 Lượt xem: 10763 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, tình trạng lợi dụng quyền tự do cá nhân vi phạm pháp luật về thông tin trên các trang mạng xã hội ngày càng phức tạp. Không ít trường hợp mạo danh xúc phạm người khác; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ trích, bôi nhọ hình ảnh một số lãnh đạo Ðảng, Nhà nước… gây hoang mang dư luận. Trước tình hình đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã chú trọng công tác quản lý việc đưa thông tin trên mạng xã hội để kịp thời có biện pháp xử lý đối với trường hợp đăng thông tin không đúng sự thật.

Các điểm truy cập internet công cộng cần được quản lý chặt chẽ để phòng ngừa các đối tượng xấu lợi dụng đăng tải những thông tin xấu, độc.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 495.000 thuê bao điện thoại di động, 37.500 thuê bao internet và trên 4.700 máy tính tại các cơ quan. Phần lớn người dân đều có tài khoản trên internet, mạng xã hội nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân cũng như công việc… Trên 90% công chức, viên chức, người lao động có sử dụng mạng xã hội phục vụ việc chia sẻ, cập nhật thông tin, công tác chỉ đạo điều hành. Các mạng xã hội đang sử dụng hiện tại chủ yếu như: Facebook, Zalo, Youtube… Mạng xã hội được ví như “con dao 2 lưỡi” bởi cùng với những tiện ích, thì chứa nhiều hiểm họa khó lường do những người sử dụng không đúng mục đích. Ðây cũng là môi trường để các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị… lợi dụng để tiến hành hoạt động tuyên truyền các thông tin xấu, độc; các quan điểm sai trái, thù địch, kích động người dân.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa có hoạt động của các đối tượng xấu sử dụng mạng xã hội để mạo danh tên, tuổi, hình ảnh của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành. Tuy nhiên, không ít tài khoản Facebook có cập nhật, chia sẻ những thông tin thiếu tích cực liên quan đến sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Ðặc biệt là việc kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm, tham nhũng; vấn đề về biển Ðông; vấn đề sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước…

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thông tin chính thống, có hiện tượng a dua, tâm lý hiếu kỳ nên đã chia sẻ những thông tin thiếu tính tích cực gây ảnh hưởng đến tâm lý chung của cộng đồng mạng về các vấn đề phát triển kinh tế, quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp xử lý vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng đối với 2 trường hợp là công chức, viên chức sử dụng tài khoản mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm cá nhân trên mạng xã hội; xử lý 1 trường hợp lưu giữ, phát tán tài liệu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Ðảng, bôi xấu hình ảnh của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước.

Theo bà Lâm Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản (Sở Thông tin và Truyền thông), để làm tốt công tác quản lý thông tin xấu, độc trên mạng internet, thời gian qua Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định quản lý, cung cấp sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội; chỉ đạo việc tăng cường quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên internet, đặc biệt là quản lý thông tin trên Facebook đối với các tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về Luật An ninh mạng đến nhân dân.

Ngăn chặn thông tin xấu, độc là nhiệm vụ quan trọng cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị với những chế tài, biện pháp đủ mạnh và hữu hiệu. Ban Chỉ đạo 35 tỉnh (Ban chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch) cần cung cấp những trang web, fanpage, Facebook chính thống do cơ quan chức năng tạo lập để cung cấp thông tin đấu tranh, phản bác với luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị. Ðồng thời, tổ chức khảo sát, tổng hợp và thông báo rộng rãi để mọi người biết những trang mạng “đen”, địa chỉ website, blog cá nhân không nên truy cập, tiếp cận; hướng dẫn truy cập, khai thác thông tin an toàn. Qua đó, giúp người sử dụng mạng tiếp cận thông tin chính thống một cách nhanh chóng, chính xác và đầy đủ về các lĩnh vực của tỉnh và đất nước. Tăng cường điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những phần tử tạo ra thông tin xấu, độc; những người tiếp tay cho thông tin xấu độc lan truyền. Mặt khác, bản thân những người tiếp cận thông tin trên môi trường mạng cũng phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để không chỉ “miễn nhiễm” được với những thông tin xấu, độc mà còn biết cách sàng lọc, tiếp cận thông tin hữu ích và chính thống.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top