Tết là để đoàn viên

10:14 - Thứ Ba, 21/01/2020 Lượt xem: 13926 In bài viết

ĐBP - Khi cây cối đâm chồi, nảy lộc, những cành mai bắt đầu vàng tươi, những bông hoa đào đỏ thắm cũng là lúc tết đến, xuân về. Thời điểm này, ai nấy đều cố gắng hoàn thành nốt những công việc còn dang dở để cùng về đoàn tụ, đón tết sum vầy bên gia đình, người thân và bạn bè.

Những ngày này, Bến xe khách tỉnh nhộn nhịp người đến, người đi.

Đối với mỗi người Việt Nam, tết là dịp quan trọng nhất nên dù ở bất cứ nơi đâu, ai cũng muốn tìm về với những người thân yêu của mình, đó là những khoảnh khắc bình yên và hạnh phúc nhất. Dù giàu sang, đủ đầy hay thiếu thốn, khó khăn thì ai ai cũng cố gắng trở về nhà đón tết cùng người thân để cảm nhận sự yêu thương, đầm ấm. Dạo quanh thành phố Điện Biên Phủ thời điểm này, đường phố xôn xao, dòng người tấp nập, ai nấy cũng tất bật sắm sửa chuẩn bị đón tết. Các chuyến xe cũng đông hơn so với ngày thường để đưa những người làm ăn xa xứ trở về sum họp cùng gia đình. Trong dòng người hối hả, vội vã đó, chúng tôi may mắn được trò chuyện với chị Nguyễn Kim Sinh, quê ở Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) tại Bến xe khách tỉnh khi chị cùng gia đình vừa xuống từ chuyến xe chạy tuyến Mường Nhé - Điện Biên và chờ xe về Hòa Bình ăn tết. Trong câu chuyện, chúng tôi được biết cả hai vợ chồng chị sống và làm việc tại huyện Mường Nhé hơn chục năm nay. Mường Nhé được anh chị xem như quê hương thứ hai của mình. Thế nhưng, cứ mỗi dịp tết đến, vợ chồng chị cùng các con lại háo hức lên kế hoạch về quê đón tết, sắm sửa và chuẩn bị quà biếu gia đình hai bên nội ngoại…

Chị Sinh chia sẻ: “Năm nay, hai vợ chồng tôi xin nghỉ phép để về quê sớm hơn mọi năm. Do tính chất công việc, gia đình tôi ít có dịp về quê thăm mọi người. Hơn nữa, bố mẹ hai bên nội ngoại tuổi đều đã cao, cả năm cũng chỉ mong mỏi đến dịp này để được bên con cháu. Nên dù đường sá xa xôi, đi lại khá vất vả nhưng năm nào hai vợ chồng tôi cùng các con cũng đều về quê ăn tết. Với gia đình tôi, việc sum họp trong ngày tết đã trở thành truyền thống. Đây là dịp để mọi người được gần gũi nhau hơn, quây quần bên mâm cơm, bên nồi bánh chưng, thăm hỏi sức khỏe, kể cho nhau mọi chuyện trong một năm qua. Không những thế, tết là khoảng thời gian thiêng liêng giúp cho các con tôi hướng về nguồn cội, hiểu được ý nghĩa, giá trị của việc đoàn tụ, sum họp ngày tết”.

Gói bánh chưng ngày tết.

Hiện nay, xã hội ngày càng hiện đại, nhiều bạn trẻ chọn cho mình cách sống hiện đại, những phong tục mang đầy ý nghĩa gắn kết gia đình như gói bánh chưng, làm cơm tất niên, chúc tết đầu năm… cũng bị giản tiện hơn. Song, ngày tết cổ truyền vẫn được nhiều người trẻ rất coi trọng, luôn muốn dành thời gian sum họp cùng gia đình, người thân. Sinh ra và lớn lên ở Điện Biên, cả gia đình hai bên nội ngoại của anh Nguyễn Minh Thuận, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) đều ở Điện Biên nên anh không phải tất bật, vất vả đón xe về quê ăn tết như chị Nguyễn Kim Sinh. Mặc dù mới ngoài 30 tuổi nhưng với anh Thuận, những phong tục thể hiện truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam như “mùng 1 tết nội, mùng 2 tết ngoại, mùng 3 tết thầy” vẫn luôn được anh coi trọng. Anh Thuận chia sẻ: “Tết đến, nhà nhà sửa soạn nào lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, dưa hành, bánh mứt, rồi mọi người cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng, quây quần bên mâm cơm tất niên. Chỉ từng ấy thứ cũng đủ khiến mọi người trong gia đình xích lại gần nhau hơn, ai cũng cảm thấy ấm áp hơn. Tôi luôn dạy con mình những truyền thống, phong tục ngày tết cổ truyền đó. Năm nào cũng vậy, mùng 1, mùng 2 cả nhà sum vầy, chúc tết ông bà nội, ngoại, cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ và nhận lì xì đầu năm lấy may mắn. Sau khi sum họp, vợ chồng tôi cũng dành thời gian đi chúc tết họ hàng”.

Tuy nhiên, với nhiều người lớn tuổi, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian rất ý nghĩa và quan trọng bậc nhất trong năm để con cháu công tác, làm ăn ở xa về quê đón tết, giữ gìn phong tục tết xưa. Đây là thời điểm mọi người tạm gác lại công việc, học hành và những lo toan trong cuộc sống để trở về quây quần, sum họp bên gia đình, thắp hương tổ tiên, thăm hỏi họ hàng... Chúng tôi đến thăm gia đình ông Đào Văn Châu, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ. Trong câu chuyện chúng tôi được biết, gia đình ông có 3 người con trai đều đi làm ăn xa nhà, người gần nhất thì ở Lai Châu, còn anh con trai cả ở tận trong thành phố Hồ Chí Minh nên ít có dịp cả nhà ông được đông đủ. Ông Châu chia sẻ: “Các con tôi đều đi làm ăn xa cả nên năm nào cũng vậy, vợ chồng tôi đều mong ngóng con, cháu về chung vui cùng gia đình. Hôm vừa rồi, nhận được điện các con gọi về thông báo ngày 28 sẽ về ăn tết nên vợ chồng tôi vui lắm. Khi biết tin con, cháu sẽ về, bà nhà tôi đã đi chợ sắm sửa, mua bánh kẹo, gạo nếp, lá dong... trang hoàng nhà cửa từ cách đây một tuần. Còn tôi cũng đã mua được một con lợn chỉ chờ các con về là mổ lợn để cả nhà cùng sum họp với nhau bên mâm cơm tất niên, rồi cùng các cháu gói bánh chưng...”.

Năm cũ sắp qua đi, khép lại một năm bận rộn với bao lo toan, bộn bề của cuộc sống. Không khí đón xuân mới đang nhộn nhịp và lan tỏa khắp nơi.  Mong rằng, mỗi gia đình đều được sum họp cùng nhau, vì tết sum họp đủ đầy mới là một cái tết trọn niềm vui.

Bài, ảnh: Hoàng Lâm
Bình luận
Back To Top