Xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”

09:00 - Thứ Năm, 13/02/2020 Lượt xem: 9689 In bài viết

ĐBP - Thực hiện lời dạy của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, những năm qua tỉnh ta luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm cán bộ trong thực hiện công vụ.

Cán bộ bộ phận “Một cửa” UBND TP. Ðiện Biên Phủ hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính.

Sau thời gian giảng dạy và làm công tác chuyên môn tại Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðiện Biên, ông Chào Anh Nguyên tiếp tục học lên bậc đại học, được cử đi học trung cấp lý luận chính trị và được điều động, bổ nhiệm giữ các chức vụ: Phó chánh Văn phòng Huyện ủy Ðiện Biên, Bí thư Ðảng ủy xã Mường Phăng và hiện tại được điều động làm Bí thư Ðảng ủy xã Mường Pồn. Ðến nay ông Nguyên đã hoàn thành cao cấp lý luận chính trị. Ông Chào Anh Nguyên cho biết: “Những lớp đào tạo, bồi dưỡng đã trau dồi cho tôi nhiều kiến thức về lý luận chính trị, kinh tế, xã hội, kỹ năng phân tích góp phần nâng cao năng lực công tác. Trước đây, dù có kinh nghiệm nhưng nhiều khi tôi vẫn gặp khó khăn trong xử lý công việc, sau khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nên hiện nay khi gặp tình huống bản thân tôi luôn bình tĩnh, đánh giá vấn đề một cách khoa học, toàn diện để chọn hướng giải quyết phù hợp theo đúng quy định”.

Chia sẻ về hiệu quả công việc sau khi được đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn và lý luận chính trị, ông Lò Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng) bày tỏ: “Trong công tác quản lý có rất nhiều vụ, việc đòi hỏi người lãnh đạo phải đưa ra quyết định kịp thời. Những kiến thức đã học giúp tôi có cái nhìn đa chiều khi xử lý một sự việc, từ đó có những phân tích, nhận định và tổng hợp tốt hơn”.

Còn bà Lê Thị Ðặng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Sang, xã Na Sang (huyện Mường Chà) thì chia sẻ: Trước đây tôi chỉ học trung cấp sư phạm, trong quá trình công tác được cơ quan tạo điều kiện học tiếp lên cao đẳng, đại học sư phạm và trung cấp lý luận chính trị. Khi kiến thức chuyên môn và lý luận được nâng lên, việc giải quyết các tình huống, phục vụ công việc cũng tốt lên, giúp mình tự tin hơn rất nhiều trong công tác giảng dạy và quản lý.

Có thể nói, khi cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn cao sẽ nâng cao hiệu quả làm việc của cá nhân và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh ta tập trung đào tạo đội ngũ CBCCVC có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn chuyên sâu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Năm 2019, toàn tỉnh có trên 30.000 lượt CBCCVC được đào tạo, bồi dưỡng, gồm: Hơn 2.700 lượt cán bộ công chức và đại biểu HÐND cấp tỉnh, cấp huyện; đào tạo, bồi dưỡng trên 23.000 lượt viên chức; đào tạo, bồi dưỡng gần 3.500 lượt cán bộ công chức và những người hoạt động không chuyên trách, đại biểu HÐND cấp xã. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp năng lực, sở trường; chú trọng đào tạo những ngành nghề có tính chiến lược, yêu cầu trình độ, kỹ thuật công nghệ cao và đào tạo theo hướng chuyên sâu, được thực hiện bằng nhiều hình thức đào tạo. Qua đó, góp phần chuẩn hóa, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Trong 10 năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, từ đó xây dựng được chương trình kế hoạch đào tạo trong nhiệm kỳ và hàng năm để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho cơ quan, đơn vị mình. Nhờ vậy mà hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là với đội ngũ CBCCVC trong bộ máy hành chính Nhà nước ngày càng được nâng lên.

Ðặc biệt theo xu thế phát triển của xã hội, những năm gần đây, mỗi CBCCVC cũng đã ý thức được trách nhiệm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình. Nếu như trước đây các cơ quan đơn vị phải cử, thậm chí phải “bắt” CBCCVC đi học nâng cao trình độ, năng lực thì hiện nay hầu như tất cả CBCCVC tự bản thân họ đã xác định một lộ trình, sắp xếp công việc để tự nguyện đăng ký tham gia các khóa học.

Cũng theo ông Lê Hữu Khang, trước đây một số cán bộ chuyên sâu các ngành: Giao thông vận tải, xây dựng, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn… rất thiếu. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đến nay cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Ðặc biệt, hiện nay 96% cán bộ công chức cấp xã, được đào tạo về chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó nhiều đồng chí đã học lên đại học. Với đội ngũ cán bộ chuyên trách, có khoảng 60% được đào tạo về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và 45% được đào tạo về lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Nhìn chung, các CBCCVC được đào tạo, bồi dưỡng đều trưởng thành rõ nét, phát huy được năng lực, sở trường công tác, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; khả năng tiếp cận, giải quyết công việc nhanh nhẹn, bản lĩnh trong quản lý, điều hành và khả năng tập hợp lực lượng nâng lên.

Tú Trinh
Bình luận
Back To Top