Hiệu quả cải cách hành chính chưa đồng bộ

09:04 - Thứ Năm, 13/02/2020 Lượt xem: 9246 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Song vẫn còn nhiều mặt hạn chế cần sớm khắc phục.

Cán bộ bộ phận “Một cửa” UBND huyện Ðiện Biên Ðông giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Phong Vân

Thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Quyết định 620/QÐ-UBND ngày 30/7/2018 về việc phê duyệt Ðề án “Xác định chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh”. Việc phê duyệt đề án xác định chỉ số CCHC của các ngành, địa phương nhằm mục đích theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ. Qua đó giúp các cơ quan, địa phương xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu, có những biện pháp điều chỉnh để nâng cao chất lượng công tác CCHC.

Triển khai thực hiện, các đơn vị đã tập trung CCHC theo hướng sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức và công dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Công tác CCHC được thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực: Chỉ đạo điều hành CCHC; xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Qua đánh giá của UBND tỉnh, chỉ số CCHC của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có chuyển biến tích cực. Ðối với 19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có 5 lĩnh vực điểm số ở mức tương đối cao, đặc biệt là lĩnh vực “cải cách thủ tục hành chính” (điểm trung bình năm 2018 đạt 8,97/9,50 điểm. Tiêu biểu là Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Y tế… Ðối với UBND cấp huyện, điểm trung bình đạt 39,48 điểm/62 điểm; các đơn vị xếp loại CCHC mức độ tốt gồm: Mường Chà, Ðiện Biên, TX. Mường Lay... Kết quả này đã tác động lớn đến công tác CCHC chung toàn tỉnh và tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước năm 2018 cấp huyện có 7 đơn vị đạt 8/10 điểm.

Bên cạnh những ngành, đơn vị làm tốt thì vẫn còn một số đơn vị chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác CCHC nên kết quả thực hiện chưa cao; việc quán triệt tầm quan trọng của CCHC là hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, hướng đến một nền hành chính phục vụ chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có đổi mới trong phương pháp chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; còn tình trạng cán bộ, công chức vi phạm nội quy, kỷ luật trong thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, trong số 7 lĩnh vực thực hiện CCHC tại các sở, ngành và địa phương, còn nhiều lĩnh vực đạt kết quả thấp, như: Lĩnh vực “cải cách tài chính công”; “hiện đại hóa hành chính” điểm trung bình chỉ đạt 1,76/3 điểm. Có 3 lĩnh vực đạt dưới điểm trung bình gồm “cải cách tổ chức bộ máy hành chính”, “cải cách tài chính công” và “hiện đại hóa hành chính”. Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên chủ yếu do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC tại một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm lãnh đạo; công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc chưa kịp thời, thường xuyên; việc tự đánh giá, chấm điểm thiếu nghiêm túc, vẫn còn đơn vị, địa phương cung cấp các tài liệu kiểm chứng không trung thực gây khó khăn cho công tác kiểm chứng.

Ðể nâng cao hiệu quả CCHC tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần nâng điểm CCHC và năng lực cạnh tranh của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin tuyên truyền về CCHC; đặc biệt chú trọng đến các nhiệm vụ liên quan đến người dân, tổ chức như: Giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích... Cần xây dựng kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực; quan tâm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên công tác CCHC; phân công, phân nhiệm các lĩnh vực nhiệm vụ CCHC cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với kết quả thực hiện của đơn vị.

Phong Vân
Bình luận
Back To Top