Công an Mường Nhé: Quyết liệt kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn

14:46 - Thứ Hai, 17/02/2020 Lượt xem: 10039 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Nghị định 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), ngoài đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân, Công an huyện Mường Nhé đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nội dung trong Nghị định, đặc biệt là quy định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông...

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Mường Nhé kiểm tra, nhắc nhở người tham gia giao thông không uống rượu bia khi lái xe.

Nghị định số 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm mới nhằm hiện thực hóa quy định cấm người đã uống rượu, bia lái xe. Nghị định có những chế tài mạnh, mức phạt cao nhất cho lái xe máy có nồng độ cồn 0,40mg/lít khí thở trở lên là 6 - 8 triệu đồng; lái xe ô tô là 30 - 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe trong vòng 22 - 24 tháng. Theo ghi nhận tại huyện Mường Nhé, Nghị định 100 đã dần đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình ủng hộ. Ðặc biệt Nghị định này được đánh giá đủ sức răn đe, kỳ vọng giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) và những thiệt hại về người, về của, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Thượng tá Nguyễn Ðình Quân, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé cho biết: Ðể thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông, nhất là Nghị định 100 của Chính phủ, Công an huyện đã bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát trên tuyến quốc lộ 4H, 4H1, 4H2 và địa bàn trung tâm huyện, những tuyến đường xã phức tạp về TTATGT, đảm bảo khép kín địa bàn, 24/24 giờ. Ðặc biệt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT và các nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông: Vi phạm quy định về nồng độ cồn, điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe... Từ khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực, lực lượng cảnh sát giao thông huyện Mường Nhé đã kiểm tra xử lý vi phạm 27 trường hợp; trong đó 3 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, nộp ngân sách Nhà nước gần 11 triệu đồng.

Thực hiện Nghị định 100, Công an huyện Mường Nhé đã nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ uống rượu, bia trước, trong và thời gian nghỉ giữa giờ làm việc, không uống rượu bia say trong mọi trường hợp và không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia. Là huyện vùng cao, biên giới, chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), bởi vậy để Nghị định 100 đi vào cuộc sống, nhất là xóa bỏ thói quen uống rượu, bia đã tồn tại trong người dân bao đời nay là vấn đề khó khăn, Công an huyện Mường Nhé đã phối hợp với Ðài Truyền thanh - Truyền hình huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền (tờ rơi, pa nô, áp phích), đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT; trong đó chú trọng hướng dẫn, nhắc nhở người dân, người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện nghiêm pháp luật về vi phạm nồng độ cồn. Từ đó, mang lại hiệu ứng tích cực, làm xoay chuyển nhận thức của người dân trong việc sử dụng rượu, bia trước khi lái xe. Anh Sùng A Lồng, bản Nậm Là (xã Mường Nhé) chia sẻ: “Trước đây, không chỉ tôi mà với đại đa số đồng bào DTTS, việc uống rượu, bia trong những ngày lễ, tết hoặc ngày vui của gia đình là điều không thể tránh khỏi. Từ khi Nghị định 100 ra đời, ban đầu tôi cũng có chút hụt hẫng, song khi được tuyên truyền, hiểu được ý nghĩa của việc bảo đảm an toàn tính mạng cho mình và cộng đồng nên tôi rất đồng tình ủng hộ, tự giác chấp hành. Bản thân là trưởng bản, tôi cũng sẽ tích cực tuyên truyền đến người thân, bạn bè và người dân trong bản không uống rượu, bia khi tham gia giao thông”.

Không chỉ giảm các vụ vi phạm về TTATGT mà tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện Nghị định 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ, số ca tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia đã giảm cả về số ca và bệnh nhân nhập viện. Tết Nguyên đán 2020, trong 5 bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông có 2 bệnh nhân chuyển viện, không có bệnh nhân tử vong; giảm 3 vụ so với tết Nguyên đán 2019. Ðặc biệt, những năm trước có nhiều ca bệnh nhân trẻ nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nặng do tai nạn giao thông có sử dụng rượu, bia thì năm nay không còn. Bệnh nhân giảm đáng kể, áp lực cho các bác sĩ trong ca trực cũng đỡ hơn.

Với quan điểm không “nương tay” cho người uống rượu, bia, Nghị định 100 đi vào thực tiễn, có tác động sâu sắc đến ý thức của người tham gia giao thông trên địa bàn huyện Mường Nhé, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Từ đó góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top