Cùng làm “Dân vận khéo”

09:22 - Thứ Tư, 19/02/2020 Lượt xem: 10547 In bài viết

ĐBP - Với đặc thù địa bàn nông thôn miền núi, 10 năm qua các mô hình “dân vận khéo” tại huyện Ðiện Biên được triển khai gắn với những phong trào thi đua, đặc biệt là 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững. Các mô hình dân vận đã lan tỏa, huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện.

Công trình thanh niên năm 2019 xây bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng bản Xôm của Ðoàn xã Thanh An, góp phần xây dựng NTM, bảo vệ môi trường.

Tính từ năm 2009 - 2019, toàn huyện Ðiện Biên đã đăng ký xây dựng 1.678 mô hình “dân vận khéo” của tập thể và cá nhân. Các mô hình hoạt động phong phú trên nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Nhiệm vụ đặt ra là khéo tuyên truyền vận động; khéo vận động phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng; khéo vận động xây dựng văn hóa - xã hội - môi trường lành mạnh và hệ thống chính trị, địa phương vững mạnh. Trong đó, 87% mô hình đạt hiệu quả cao; 897 mô hình, điển hình tiêu biểu đã được khen thưởng. Các mô hình “dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế được Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Ðiện Biên - ông Lường Văn Tâm nhắc đến nhiều. Ông Tâm nhận định: “Phong trào làm kinh tế của các hộ dân trên địa bàn có sự thay đổi lớn nhờ các mô hình dân vận. Người dân nhanh nhạy, chủ động tìm tòi, học hỏi, đầu tư với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, đoàn thể để có những bước đi mới, năng suất và hiệu quả hơn”. Quả thực hiện toàn huyện có 284 mô hình “dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế, như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng trang trại, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... Ðặc biệt, phong trào đã đi vào những lĩnh vực mới, đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, có liên kết, trao đổi, phạm vi tác động rộng, như: Dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn tại khu vực lòng chảo, trồng cây vụ 3 ở xã Thanh Nưa, trồng cây ăn quả ở xã Thanh Yên... Những phong trào này góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện đến nay xuống còn 1,28%.

Làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân thì không thể không nhắc đến các mô hình “dân vận khéo” trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tiêu biểu có thể kể đến mô hình - phong trào “Tuổi trẻ huyện Ðiện Biên chung tay xây dựng NTM” của Ðoàn Thanh niên huyện. Anh Lê Ngọc Hoàn, Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Ðiện Biên cho biết: Ðể góp sức xây dựng NTM, đoàn các cấp đã triển khai nhiều hoạt động từ việc tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế xã hội; thu gom rác thải, nạo vét kênh mương; tuyến đường tự quản; tu sửa đường sá, làm đường NTM; làm nhà tiêu hợp vệ sinh; trồng cây xanh tại cộng đồng, công sở... Mỗi chương trình đều có sự kêu gọi, vận động các tổ chức, đoàn thể và đông đảo người dân cùng tham gia để tạo sức lan tỏa và nâng cao ý thức cộng đồng. Từ đó những ngày “Thứ bảy tình nguyện”, “Chủ nhật xanh”, “Ngày đoàn viên”, “Ngày tình nguyện vì cộng đồng” về với bà con nhân dân luôn được đoàn viên thanh niên hưởng ứng nhiệt tình, thu được hiệu quả tích cực. Từ khi triển khai phong trào, đoàn các cấp huyện Ðiện Biên đã huy động được trên 60.000 lượt đoàn viên thanh niên thu gom rác thải, vệ sinh môi trường; trồng trên 10.000 cây xanh; hỗ trợ 10 nhà tiêu hợp vệ sinh khu vực nông thôn; kêu gọi trên 2,5 tỷ đồng và 66.000 ngày công làm mới, sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, nhà ở dột nát; trên 1,6 tỷ đồng hỗ trợ gia đình chính sách, học sinh nghèo...

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội có mô hình “Gia đình, dòng họ không có người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”, “Tổ hòa giải”, “Tổ liên gia”, “Tổ phụ nữ thu gom, phân loại rác thải”... góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Trong lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự có “Ðiểm sáng an ninh nhân dân”, “Ðội phòng cháy, chữa cháy dân phòng”, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”... góp phần cung cấp 2.600 nguồn tin tố giác tội phạm. Các mô hình dân vận đã gắn kết chặt chẽ với các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh địa bàn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, để cả cộng đồng xã hội cùng chung tay làm “dân vận khéo”. Trong thời gian tới các mô hình “dân vận khéo” của huyện Ðiện Biên vẫn triển khai đa dạng trên mọi lĩnh vực, đồng thời tiếp tục chú trọng các mô hình gắn với xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Ðặc biệt là tuyên truyền, nhân rộng các mô hình kinh tế như vùng lòng chảo tập trung sản xuất các sản phẩm, nông sản có giá trị kinh tế cao (hoa, cây ăn quả, gạo...); vùng ngoài tập trung vào trang trại, chăn nuôi đại gia súc, khoanh nuôi bảo vệ rừng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top