Lặng thầm truyền dẫn, phát sóng thông tin về cơ sở

08:29 - Thứ Hai, 24/02/2020 Lượt xem: 8789 In bài viết

ĐBP - Con đường mòn gập ghềnh sỏi đá chạy vòng quanh núi đưa chúng tôi tới Trạm Truyền thanh - Truyền hình xã Si Pa Phìn (thuộc Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện Nậm Pồ). Nằm trên ngọn núi cao thuộc bản Nậm Chim 1 (xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ) Trạm Truyền thanh - Truyền hình xã Si Pa Phìn là một dãy nhà cấp 4 đơn sơ, cách biệt với khu trung tâm xã. Thế nhưng nhiều năm qua, tại trạm vẫn có hai cán bộ âm thầm làm nhiệm vụ trông coi và vận hành máy móc, thiết bị mỗi ngày để tiếp nhận, truyền dẫn, phát sóng truyền hình, sóng FM tới người dân.

Anh Lò Văn Cương kiểm tra thiết bị hoạt động tại Trạm Truyền thanh - Truyền hình xã Si Pa Phìn.

Anh Lò Văn Cương, cán bộ Trạm Truyền thanh - Truyền hình xã Si Pa Phìn chia sẻ: “Tôi công tác tại trạm đã 12 năm, cũng là ngần ấy thời gian ăn ở luôn ở trạm. Tuy công việc không vất vả nhưng lại bận thường xuyên vào nhiều cung giờ trong ngày. Chính vì thế, 12 năm qua tôi sống xa nhà. Mỗi năm tôi chỉ về nhà (xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên) khoảng 2 - 3 lần, mỗi lần 1 - 2 ngày mà thôi”.

Theo chia sẻ của anh Cương: Cung giờ bận nhất của mỗi cán bộ ở trạm là vào 5 - 7 giờ và 16 giờ 30 - 19 giờ hàng ngày. Khi đó, mỗi cán bộ phải theo dõi, cập nhật thông tin qua hệ thống máy móc trong phòng truyền dẫn, từ đó cân đối chương trình, bố trí thời gian tiếp sóng truyền hình và sóng FM sao cho hợp lý, thông suốt để bà con có thể theo dõi đầy đủ các thông tin thời sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, giải trí... qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo anh Cương, trước đây, khi mới đảm nhận công việc này, cuộc sống đơn lẻ nên cũng khá tâm tư. Tuy nhiên, được sự động viên, khích lệ của cán bộ quản lý cấp trên và chia sẻ của đồng nghiệp, tôi đã dần yên tâm công tác.

Chứng kiến một cung giờ bận rộn truyền dẫn, phát sóng của anh Cương, chúng tôi thấy các kênh truyền hình, phát thanh cơ sở phát tiếng dân tộc Mông, dân tộc Thái của Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Ðiện Biên (ÐTV) được anh Cương ưu tiên phát sóng đầu tiên và bố trí khung giờ hợp lý (thông tin thời sự phát trước, thông tin giải trí phát sau). Khi các chương trình kết thúc, anh Cương tiếp sóng của Ðài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV). Anh Cương cho biết: “Với đặc thù các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong xã Si Pa Phìn là đường sá đi khó khăn; nhận thức, kiến thức của bà con còn hạn chế, có người chưa biết tiếng phổ thông và họ chỉ có thể tiếp nhận thông tin qua loa truyền thanh bản hay đài cát sét cá nhân, số ít gia đình có thêm TV nên chúng tôi thường ưu tiên phát sóng các trang thông tin cơ sở bằng tiếng dân tộc để bà con dễ nghe và tiếp nhận.

Hiện nay, ngoài việc truyền dẫn, phát sóng thông tin về cơ sở, nhiệm vụ thường xuyên của 2 cán bộ tại trạm là lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống loa truyền thanh các bản trong xã Si Pa Phìn. Anh Lý Văn Tuấn, cán bộ trạm chia sẻ “Xã Si Pa Phìn hiện có 23 điểm loa truyền thanh/16 bản. Hàng tuần, tôi đều đi kiểm tra tất cả các điểm loa để tu sửa, bảo dưỡng. Ngày nắng cũng như mưa, mùa đông hay mùa hè, cứ thấy bà con ý kiến là tôi đến ngay, bởi bà con rất quan tâm nghe loa truyền thanh, xem vô tuyến truyền hình để nắm bắt thông tin kinh tế, xã hội của đất nước, của tỉnh...

Có thể nói, việc truyền dẫn, phát sóng thông tin về cơ sở qua mỗi Trạm Truyền thanh - Truyền hình đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, hiện nay sau nhiều năm xây dựng, đưa vào sử dụng cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị của Trạm Truyền thanh - Truyền hình xã Si Pa Phìn đang có dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng tới công việc chuyên môn và đời sống của mỗi cán bộ ở trạm. Mong rằng, cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan, Trạm Truyền thanh - Truyền hình xã Si Pa Phìn nói riêng và các Trạm Truyền thanh - Truyền hình thuộc vùng khó khăn trong tỉnh Ðiện Biên nói chung sẽ được đầu tư thêm về cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị để ngày càng hoạt động hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top