Không để việc kiểm tra nồng độ cồn thành chiếu lệ

09:03 - Thứ Hai, 02/03/2020 Lượt xem: 9490 In bài viết

ĐBP - Trong bối cảnh nguy cơ ảnh hưởng từ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông vẫn được lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) nghiêm túc thực hiện. Tất nhiên, các biện pháp đảm bảo an toàn cho người được kiểm tra và cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ luôn được đặt lên hàng đầu.

Lực lượng CSGT (Công an TP. Ðiện Biên Phủ) kiểm tra nồng nộ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Theo số liệu của Phòng CSGT (Công an tỉnh) từ ngày 1/1 - 10/2, lực lượng CSGT đã phát hiện và lập biên bản 737 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 221 phương tiện các loại, xử lý 665 trường hợp, tước 56 giấy phép lái xe, nộp vào Kho bạc Nhà nước trên 500 triệu đồng. Ðối với chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, đã lập biên bản 110 trường hợp, trong đó 14 người lái xe ô tô và 96 người điều khiển xe mô tô; tước 36 giấy phép lái xe các loại; xử phạt, thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 172 triệu đồng.

Từ khi Nghị định 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành đã tác động sâu rộng về nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân. Ðặc biệt, tại vùng nông thôn người dân chấp hành khá tốt những quy định về trật tự, an toàn giao thông và ý thức không uống rượu, bia khi lái xe được nâng lên đáng kể, qua đó đã kiềm chế và giảm bớt tai nạn giao thông trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong thời gian gần đây, không ít người dân cho rằng CSGT sẽ không đo nồng độ cồn nữa nên có tư tưởng “nới lỏng bản thân” hơn trong việc sử dụng rượu bia. 

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Trần Văn Vang, Phó phòng CSGT cho biết: Quá trình kiểm tra, đo nồng độ cồn đối với người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông được tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho người bị kiểm tra và cán bộ thi hành công vụ. Mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần, sau khi sử dụng đươc thu gom, xử lý theo quy định. Sau 2 tháng thực hiện cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ và thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cho thấy, không chỉ tai nạn giao thông giảm rõ rệt mà quan trọng hơn là đã giúp thay đổi thói quen về lựa chọn phương án tham gia giao thông an toàn của người dân sau khi sử dụng rượu bia. Từ hiệu quả cũng như tầm quan trọng của công tác này, chúng tôi khẳng định không có lý do nào để việc kiểm tra nồng độ cồn làm chiếu lệ, cho qua chuyện. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn thực hiện bình thường.

Tại các cơ sở kinh doanh bia, rượu, nhà hàng trên địa bàn thành phố và trung tâm các huyện, thị xã, lượng khách đã giảm nhiều. Rõ ràng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đã từng bước đi vào cuộc sống, được người dân nghiêm túc thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Kết quả này không chỉ bởi việc xử phạt nghiêm minh, quyết liệt mà còn có vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động. Việc chấp hành quy định về nồng độ cồn đã có chuyển biến lớn ngay cả với người dân vùng sâu, xa, người dân tộc thiểu số mà lâu nay bia rượu là một phần không thể thiếu trong tập quán ẩm thực và sinh hoạt đời sống văn hóa. Ðó cũng chính là mục tiêu vì sự bình an của mỗi gia đình, trật tự an toàn của xã hội mà cả hệ thống chính trị đang vào cuộc quyết liệt.

Bài, ảnh: Tú Trinh
Bình luận
Back To Top