Ổ dịch xã Sơn Lôi gỡ bỏ phong tỏa: Bài học thành công!

14:42 - Thứ Tư, 04/03/2020 Lượt xem: 8741 In bài viết

Đúng 0h ngày 4/3, xã Sơn Lôi hết thời hạn cách ly, dỡ bỏ phong tỏa vì dịch COVID -19. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong công cuộc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này tại Việt Nam.

Đến ngày 3/3, sau 20 ngày phong tỏa, cách ly y tế, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đã không có ca nhiễm COVID-19 mới, cũng là ngày thứ 21 Việt Nam không ghi nhận ca mắc bệnh mới. Tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện thành công cách ly xã Sơn Lôi, không còn nguồn lây bệnh ra cộng đồng.

Tối 3/3, Vĩnh Phúc công bố quyết định hết thời gian khoanh vùng và cách ly với xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên), nơi từng được coi là "tâm dịch" COVID-19. 

Sự hy sinh, vất vả của nhiều lực lượng

Để kiểm soát dịch COVID-19 ở ổ dịch lớn nhất cả nước, ngày 13/2, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định phong tỏa, cách ly y tế toàn xã Sơn Lôi. Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc không giấu niềm vui chia sẻ, tới 0h ngày 4/3, xã Sơn Lôi vượt thời hạn cách ly, các trường hợp dương tính đã được chữa khỏi. Trong thời gian cách ly, người dân Sơn Lôi không đơn độc bởi có những cán bộ chiến sĩ của Công an, Quân đội, Y tế… cùng đồng hành.

Xã Sơn Lôi có gần 1 vạn dân, ở vị trí cửa ngõ các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Mỗi ngày, hàng ngàn công nhân đi qua đây để đến nơi làm việc. Trong làng, nhiều bà con làm nhà trọ cho công nhân thuê. Do đó, những ngày đầu khi bắt đầu thực hiện cách ly, có 12 lối vào xã nên phải bố trí 12 điểm chốt giữ.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc làm nhiệm vụ tại các chốt vào xã Sơn Lôi trước giờ gỡ bỏ phong tỏa. Ảnh Phong Sơn

“Bà con ở trong làng vẫn đi làm đồng bình thường, có nhiều đường nội đồng, nếu không giám sát chặt thì không thể kiểm soát được. Chính vì thế, bên cạnh điểm chốt cố định, lực lượng cơ động đi tuần 24/24h kiểm tra, nhắc nhở để người dân hợp tác phòng chống dịch bệnh” - Đại tá Đinh Ngọc Khoa cho hay.

Đại tá Đinh Ngọc Khoa cho biết, những ngày đầu lập chốt, có những trường hợp dù có người thân bị dương tính nhưng vẫn không chịu thực hiện cách ly theo quy định. Các chiến sỹ Công an phải kiên trì thuyết phục, vận động, bà con mới hợp tác. Một số thời điểm 500 cán bộ, chiến sỹ được huy động để chốt giữ các điểm ra vào Sơn Lôi.

Do lựa chọn những người làm nhiệm vụ ở xã phải có sức khỏe, có tinh thần trách nhiệm, không ngại vất vả nên 20 ngày nay, không một cán bộ chiến sĩ Công an nào ốm, hay bị bệnh. Ngoài ra, cán bộ quân đội, y tế có người là nữ những họ cùng kiên cường chống dịch, không ai xảy ra bất cứ việc gì liên quan đến sức khỏe, mặc dù có đêm lạnh phải ngồi cạnh bếp củi sưởi ở đường, giữa cánh đồng…

Bệnh xá được nâng cấp thành bệnh viện dã chiến, kiểm tra, theo dõi sức khỏe của anh em làm nhiệm vụ. “Tôi luôn lo lắng lỡ có đồng chí không may bị dương tính COVID-19 do lây nhiễm từ vùng dịch nhưng đến giờ phút này, tôi đã có thể thở phào được rồi”, Đại tá Khoa chia sẻ.

Một trong những "cánh tay phải" của Đại tá Đinh Ngọc Khoa tại vùng dịch là Thượng tá Hoàng Việt Lào, Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng Ban chỉ huy tại các chốt ở vùng dịch Sơn Lôi. Thượng tá Hoàng Việt Lào cho biết, Đồn Công an Bá Thiện nguyên là đồn phụ trách an ninh Khu công nghiệp Bá Thiện được trưng dụng làm Ban chỉ huy chống dịch. Hàng ngày, những chiến sỹ hết ca trực thì về đó ăn nghỉ, tắm giặt, vệ sinh cá nhân. Có những chốt ở xa thì cán bộ chiến sĩ ở đấy ngủ luôn.

Trưởng ban chỉ huy tại các chốt ở vùng dịch Sơn Lôi tâm sự: “Nhà ở cách Sơn Lôi hơn chục cây số, từ mùng 2 Tết đến giờ tôi chưa được về. Gần 500 cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ ở Sơn Lôi cũng như tôi. Anh em xác định, mình làm nhiệm vụ giám sát cách ly, cũng có nghĩa là cách ly cùng với bà con trong xã”.

Hơn ai hết, tâm sự này nhận được sự đồng cảm của chính Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc. Bởi Đại tá Đinh Ngọc Khoa nhà ở Ninh Bình, cũng không về thăm gia đình từ ngày đầu chống dịch. “Những người lãnh đạo như chúng tôi dù xa nhà cũng không vất vả bằng anh emởhiện trường. Chúng tôi vất vả 1 thì các chiến sĩ vất vả 10"- Đại tá Đinh Ngọc Khoa cho biết thêm.

Thiếu tá Tạ Văn Nam, Phó Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng chốt số 1 (tuyến đường trục chính vào xã Sơn Lôi) cho biết, tại chốt của anh có 43 người (trong đó có 4 nữ y tá) đã trực 20 ngày nay ở đây. Đa số cán bộ đều có gia đình, chỉ liên lạc và nói chuyện với vợ, chồng, con qua điện thoại. Đơn cử, có đồng chí Công an nhà trong xã Sơn Lôi, cách khoảng 300m cũng không được về nhà vì tất cả tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để xảy ra tình huống bất ngờ, mất ANTT.

Chúng tôi đến Đồn Công an Khu công nghiệp Bá Thiện, nơi này trước đây là trụ sở làm việc của Đồn nhưng sau khi có phương án phong tỏa, cách ly đảm bảo ANTT vùng dịch, Ban Giám đốc Công an tỉnh sử dụng Đồn là nơi đặt trụ sở chỉ huy, khu vực ăn, ở của cán bộ chiến sĩ. Những mái bạt được khoanh lại, các giường tầng được sử dụng là nơi ngủ của hơn 200 cán bộ chiến sĩ. Những chiếc gối, chăn màn đã được gói gọn, chỉ còn tối nay là họ sẽ được trở về nhà gặp lại những người thân yêu và tiếp tục công việc thường nhật.

Cũng theo Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Ban Giám đốc sẽ khen thưởng đột xuất cho những cán bộ chiến sỹ có thành tích đặc biệt xuất sắc sau khi lệnh phong tỏa Sơn Lôi được dỡ bỏ. Mỗi cán bộ, chiến sỹ sẽ có 3 ngày nghỉ bên gia đình.

Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, dù công bố hết thời gian cách ly tại xã Sơn Lôi song địa phương vẫn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đảm bảo không có những nguồn thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận. Đặc biệt, vẫn tiếp tục duy trì tổ công tác thường trực của ngành Y tế và các đơn vị công an, quân đội tại địa bàn xã Sơn Lôi để hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Khuyến cáo người dân địa phương hạn chế đi lại, không tổ chức những hoạt động đông người tránh trường hợp dịch có nguy cơ tái bùng phát.

Quyết định đúng đắn

Để khoanh vùng, cách ly, chống dịch hiệu quả, Bộ Y tế đã cử 2 đội công tác đặc biệt trực 24/24h tại Bình Xuyên, hỗ trợ tại chỗ công tác giám sát dịch cũng như điều trị cho bệnh nhân.

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại xã Sơn Lôi, thành công của Sơn Lôi là chúng ta đã áp dụng biện pháp cô lập toàn bộ vùng dịch, không để nguồn bệnh thoát ra ngoài. Khi tiến hành khoanh vùng, cách ly xã Sơn Lôi, nhiều ý kiến băn khoăn rằng, tại sao lại phải tiến hành cách ly y tế cả một cộng đồng và tại sao lại là xã Sơn Lôi?

PGS.TS Trần Như Dương cho rằng, mục đích của việc tiến hành cách ly cả một vùng dịch chính là để khoanh vùng, cô lập toàn bộ vùng dịch, dập dịch triệt để không để nguồn bệnh có thể thoát ra ngoài và không để lây lan sang các địa phương khác.

“Việc có dịch lây lan trong cộng đồng tại xã Sơn Lôi đặt ra vấn đề uy hiếp rất lớn lây lan dịch từ địa phương này ra toàn bộ khu vực các tỉnh/thành phố xung quanh Vĩnh Phúc, cũng như các địa phương khác trong cả nước vì sự di chuyển, giao lưu của người từ vùng có dịch ra bên ngoài là rất phức tạp không kiểm soát được. Việc cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi là quyết định hết sức đúng đắn”-PGS.TS Trần Như Dương nói.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, thành viên Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế, việc tổ chức cách ly triệt để người tiếp xúc gần, không được ra khỏi khu vực cách ly đã góp phần tạo nên thành công ban đầu. Hằng ngày, cán bộ y tế theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ những người cách ly ngày 2 lần và báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên. Nếu người dân không chấp hành cách ly, chính quyền sẽ cưỡng chế cách ly. Nếu phát hiện bất kỳ ai có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, mệt mỏi, đau người, tổ công tác phối hợp với lực lượng Công an đưa họ đi cách ly tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm. Đồng thời, phun khử trùng môi trường, đường làng, ngõ xóm, trường học theo quy định.

Ông Khoa cho rằng, việc thiết lập điểm khám tư vấn tại xã Sơn Lôi rất quan trọng để tránh lây lan dịch bệnh ra ngoài địa bàn xã. Ngay trước khi lệnh cách ly có hiệu lực, Trạm Y tế xã Sơn Lôi đã được nâng cấp hoạt động khám, chữa bệnh tương đương với phòng khám đa khoa gồm các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi.

Nói thêm về chiến thắng ở Sơn Lôi, theo ông Phạm Quang Thái, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sự xuất hiện đội cơ động và sự hỗ trợ của các đoàn công tác chuyên môn của Trung ương đã giúp địa phương không bị lúng túng trong công tác thu dung bệnh nhân ra sao, ai cần đưa vào khu cách ly, điều tra tiếp tục như thế nào, phát hiện bệnh nhân mới, cô lập ra sao... từ đó góp phần ngăn chặn không cho dịch lan rộng, và kết quả là dịch chỉ dừng lại ở đó, không có ca thứ phát.

Thành công của Sơn Lôi là bài học quý báu áp dụng cho tất cả các địa phương trong trận chiến chống dịch COVID-19. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Tổ công tác đặc biệt tại xã Sơn Lôi biên soạn sổ tay hướng dẫn các biện pháp phòng chống tại ổ dịch COVID-19 gửi các địa phương để sau này nếu xảy ra tình huống tương tự, có thể áp dụng được ngay.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top