Lặng lẽ tỏa hương

09:00 - Thứ Năm, 05/03/2020 Lượt xem: 9428 In bài viết

ĐBP - Có những người phụ nữ nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, nghị lực. Các chị không chỉ tự mình bước qua biết bao gian truân, vất vả mà còn nhiệt huyết cống hiến cho đời, sẻ chia, giúp đỡ với nhiều phận người còn trong cảnh khó khăn, nghèo khổ.

Chị Lò Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Nà Hỳ trò chuyện cùng học sinh.

1. Có lẽ cả thời thơ ấu cùng tuổi trẻ khó nhọc, nhiều nước mắt đã vun đắp nên sự kiên cường và trái tim đồng cảm, giàu yêu thương cho cô giáo Lò Thị Thùy (Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ). Mồ côi mẹ từ nhỏ, bố bỏ đi, chị Thùy ngày ngày kiếm củi, làm thuê. Dù khổ nhọc đến đâu, chị vẫn cố gắng để theo đuổi con chữ. Sau bao năm một mình bươn chải, chị tự hào bước chân vào giảng đường sư phạm, tốt nghiệp rồi trở thành cô giáo đúng như mơ ước của cô bé lấm lem ngày nào. Nhưng cuộc đời chị vẫn chưa hết những đau khổ khi lấy phải người chồng vũ phu, nghiện ngập. Ðến năm 1997, cuộc hôn nhân tan vỡ, chị Thùy xung phong đến Nà Hỳ nhận công tác. Chị nhớ lại: “Khi ấy chị vừa mong mang con chữ cho đồng bào dân tộc vùng biên giới, hẻo lánh, vừa muốn đi thật xa để thay đổi bản thân. Ngày đó, quãng đường từ Nậm Nhùn, Lai Châu (nơi chị công tác khi đó) đến Nà Hỳ là nỗi hoang mang với tất cả mọi người bởi phải đi suốt 1 tuần ròng rã, với nhiều đoạn đường mòn, đường rừng hoang vắng, nguy hiểm. Ðến nơi đôi chân mỏi nhừ, bầm tím, rỉ máu”. Ðặt chân đến Nà Hỳ, chị Thùy là nữ giáo viên đầu tiên của mảnh đất biên giới này.

23 năm gắn bó với vùng phên giậu Tổ quốc, chị Lò Thị Thùy nay đã là Hiệu trưởng. Cô giáo Thùy đã góp công “vun trồng” bao thế hệ học trò vùng cao nơi đây. Từ tư tưởng không cần biết con chữ, đồng bào các dân tộc ở Nà Hỳ đã quan tâm cho con em đi học, trẻ em thích đến trường. Năm học 2019 - 2020, Trường có 10 điểm bản và trung tâm với hơn 530 học sinh. Từ chất lượng giáo dục hạn chế, nay Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Nà Hỳ đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Trước đây nhà tạm, dột nát, giờ các nhà lớp học đã được xây dựng khang trang, kiên cố. Hiệu trưởng Lò Thị Thùy còn quan tâm, san sẻ khó khăn với giáo viên, học sinh bằng những hành động thiết thực. Thương học sinh bán trú phải xuống suối giặt quần áo, chị kêu gọi tài trợ mua chiếc máy giặt để dùng cho tất cả học sinh nhà trường. Có những học sinh không đủ điều kiện ở nội trú nhưng nhà khá xa và khó khăn, chị vận động giáo viên và phụ huynh cùng san sẻ giúp các em có bữa cơm đủ đầy mỗi ngày tại trường. Một vài học sinh bị gia đình bắt bỏ học vì hoàn cảnh đặc biệt, chị cùng giáo viên chủ nhiệm lặn lội đến tận nơi đưa học sinh về trường, trích đồng lương ít ỏi để các em được tiếp tục đi học. Những ngày đầu xây dựng nhà trường, chỗ ở cho giáo viên còn thiếu thốn, nhiều thầy cô ở miền khác lên với đất Nà Hỳ đều ở nhờ nhà chị Thùy, người ít là 3 tháng, nhiều lên tới vài năm. Giáo viên trong trường đều được chị hỗ trợ vật chất hoặc động viên tinh thần khi gặp phải khó khăn, biến cố.

2. Chị Phạm Thị Khuyên (tổ dân phố 11, phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) một mực từ chối: “Chị có làm được gì to tát đâu, mấy việc nhỏ mình làm mình biết thôi”, khi tôi đề cập viết bài về các hoạt động xã hội mà chị tham gia. Có lời của bác Tổ trưởng tổ dân phố - người dẫn tôi đi, chị mới đồng ý. “Mấy việc nhỏ” mà chị nói là hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, nhà tình nghĩa, đường dân sinh và nhiều suất quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, việc mà với người khác không hề nhỏ. Chị Khuyên sinh năm 1979, cùng chồng xây dựng Nhà máy gạch tuynel Duyên Hưng từ năm 2004. Cùng với kinh doanh, chị dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động xã hội thiện nguyện. Chị chỉ nghĩ đơn giản “Họ khó khăn mà mình có thể giúp đỡ được thì giúp thôi”.

Năm 2016, Nhà máy của gia đình chị Khuyên hỗ trợ toàn bộ gạch và chi phí san ủi xây dựng Nhà Văn hóa đội 1 xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên), tổng giá trị khoảng 20 triệu đồng. Năm 2017 hỗ trợ gạch xây nhà tình nghĩa cho 1 trường hợp trẻ mồ côi trong tổ dân phố 11. Cùng năm, anh chị đầu tư làm đường dân sinh trong tổ dân phố 11 (phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) dài 300m, rộng 15m, tổng chi phí hơn 1 tỷ đồng. Năm 2019, nối tiếp đoạn đường dân sinh trên, anh chị làm thêm hơn 20m đường với số tiền khoảng 700 triệu đồng. Mặc dù xe ra vào Nhà máy của gia đình chị thường xuyên đi trên đoạn đường này, như chị nói “chị làm cũng để nhà chị dùng”, nhưng con đường rộng rãi, kiên cố đang phục vụ việc đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn cho hàng chục gia đình bên đường và cả bản phía trong (đi qua tổ dân phố 11) là không thể phủ nhận.

Ngoài ra chị Khuyên tham gia Câu lạc bộ Phụ nữ kinh doanh phường Nam Thanh. Hàng năm vào dịp lễ tết đều tham gia các hoạt động từ thiện, trao quà, giúp đỡ các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Tết Nguyên đán 2020, chị cùng gia đình trao tặng 10 suất quà cho các hoàn cảnh khó khăn và nhiều phần quà tết, hỗ trợ đặc biệt cho công nhân làm việc tại Nhà máy. Doanh nghiệp gia đình chị đang tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với thu nhập từ 4 triệu đồng trở lên, việc làm thời vụ cho 100 lao động với mức công 200.000 đồng/ngày. Chị tuyển dụng chủ yếu là người dân tại địa bàn và các tổ dân phố, bản lân cận, đặc biệt là những cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt, như gia đình anh Lò Văn Vương (làm cố định), chị Quàng Thị Khuyên (làm thời vụ), bản Bom La, xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên có 2 con khiếm thị.

3. Có một phụ nữ dân tộc Lào tại bản Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) được nhiều người cho là kỳ lạ. Kỳ lạ bởi họ không tin rằng lại có người bỏ công sức, thời gian và cả tài sản để gìn giữ, phát triển nghề dệt của dân tộc thành nghề có thể kiếm sống cho nhiều phụ nữ trong bản. Không tin có người dành thời gian đi khắp nơi, tham gia biết bao hội chợ thương mại, sự kiện văn hóa trong, ngoài tỉnh để giới thiệu, tìm mối tiêu thụ thổ cẩm. Không tin có người chấp nhận cho tập thể mượn đất, mượn nhà để làm nơi sản xuất, trưng bày sản phẩm. Ðó là chị Lò Thị Viên, một trong những người đầu tiên tham gia và gây dựng Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Lào bản Na Sang II. Từ một người quanh năm bếp núc, ruộng nương, thêu dệt, may vá như bao phụ nữ dân tộc Lào khác, hiện giờ chị là Giám đốc HTX, thường xuyên đi đây đi đó và đón các đoàn khách từ xa đến, trong đó có nhiều người nước ngoài.

Chiều cuối tháng 2, chúng tôi tìm đến nhà chị Viên - ngôi nhà sàn nằm bình yên cuối bản. Chị đang ngồi dệt, vừa chăm chú nhìn vào chiếc điện thoại có hình 1 mẫu hoa văn thổ cẩm, rồi lại nhìn vào khung cửi, miệng nhẩm tính điều gì đó, tay thận trọng đưa con thoi qua các sợi chỉ. Ngừng tay, chị cho biết: “Có khách hàng trong TP. Hồ Chí Minh gửi mẫu đặt HTX làm. Mấy ngày nữa họ sẽ đến tận đây để tìm hiểu và bàn rõ việc đặt hàng. Mẫu này khó và phức tạp quá, chị đang làm thử để hướng dẫn chị em làm”. Mấy năm trước, khi dự án hỗ trợ thành lập, phát triển HTX Dệt thổ cẩm Na Sang 2 từ 1 tổ chức quốc tế kết thúc, HTX rơi vào khó khăn. Dù được tỉnh tạo điều kiện đi giới thiệu, quảng bá sản phẩm ở nhiều nơi nhưng vẫn tiêu thụ chậm, bấp bênh. Chính việc dám thay đổi, dám nhận những mẫu mã mới, phức tạp đã góp phần giúp HTX có thêm nhiều đối tác, việc kinh doanh khởi sắc. Chính chị Viên là người tự mày mò cải tiến máy móc, mẫu mã sản phẩm thổ cẩm của HTX; người nghiên cứu làm theo mẫu mã khách đặt rồi tập huấn cho chị em; phối hợp với các cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh để đa dạng hóa sản phẩm. Ví dụ như giày, túi, ví... thổ cẩm Lào, rồi cả dệt khăn theo phong cách khăn rằn miền Nam. “Khách lựa chọn sản phẩm của HTX vì hoàn toàn được làm thủ công, bền, đẹp. Khách còn yêu cầu cao là nguyên liệu phải tự nhiên, vì vậy bọn chị đang liên kết với 1 hộ gia đình ở xã Mường Luân, huyện Ðiện Biên Ðông trồng trên 1.000m2 cây bông và thuê họ kéo sợi để có nguyên liệu chuẩn. Chị em trong HTX, trong bản chỉ tập trung vào nâng cao tay nghề dệt.” - chị Viên chia sẻ thêm. Nhờ sự tính toán, quản lý đó của người phụ nữ “kỳ lạ” mà HTX hàng năm có doanh thu 700 - 800 triệu đồng, có năm hơn 1 tỷ đồng; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 15 hội viên và nhiều phụ nữ khác trong bản với mức 3 - 3,5 triệu đồng/tháng/người.

Chị Thùy, chị Khuyên hay chị Viên đều là những người phụ nữ nhỏ bé nhưng đã làm được nhiều việc lớn lao, góp “mật ngọt” cho đời. Ngoài kia còn rất nhiều chị em như vậy, mỗi người là 1 đóa hoa thơm đáng trân quý và tôn vinh.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top