Nhiều khó khăn trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

09:16 - Thứ Năm, 05/03/2020 Lượt xem: 12103 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Mường Nhé đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đã đạt nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập...

Cán bộ Phòng Dân tộc (huyện Mường Nhé) hướng dẫn người dân tìm hiểu thông tin về lao động việc làm.

Xác định công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Ngay từ khi bắt tay vào công cuộc kiến thiết, xây dựng huyện, Ðảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé luôn xem đây là mục tiêu tiên quyết trong tiến trình xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi cuộc sống nhân dân cũng như diện mạo mới cho nhiều bản mường ở vùng cao, biên giới. Ông Cà Văn Lả, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé cho biết: Ðể từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, đặc thù của từng địa phương; điều tra cung - cầu lao động của các doanh nghiệp, ngành kinh tế trên địa bàn, huyện Mường Nhé đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Phòng đã đầu tư trang thiết bị, tổ chức các lớp đào tạo dựa trên nhu cầu thực tiễn của người lao động gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng xã. Ðặc biệt, khuyến khích, động viên thanh niên, người trong độ tuổi lao động (trên 24.000 người) học nghề, tham gia thị trường xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập. Năm qua, huyện đã tổ chức 12 lớp đào tạo nghề cho 351 lao động, nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lên 25,7%. Các nghề chủ yếu như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su, kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, kỹ thuật xây dựng... Thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, huyện đã giải quyết việc làm mới cho hơn 400 lao động/năm. Bên cạnh giải quyết việc làm tại chỗ, huyện đặc biệt chú trọng công tác đưa lao động địa phương đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (toàn huyện hiện có 8 lao động đi xuất khẩu, tập trung ở các thị trường như: Hàn Quốc, Ả Rập Xê út, Nhật Bản...).

Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Mường Nhé vẫn gặp phải nhiều khó khăn, bất cật, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn và yêu cầu đề ra. Ðặc biệt, là huyện có xuất phát điểm thấp, chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào DTTS, nhận thức của người dân về học nghề và việc làm chưa cao, chưa “mặn mà” với việc học nghề, nhất là có nhiều lao động tâm lý e ngại, sợ rủi ro. Ðối với người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài trình độ văn hóa còn thấp, chưa có tay nghề, ngoại ngữ yếu nên thiếu tự tin, tự xin chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc bỏ trốn ra ngoài, vi phạm quy định nước sở tại. Mặt khác, doanh nghiệp trên địa bàn huyện còn ít, quy mô nhỏ lẻ nên chưa khuyến khích người lao động làm việc ổn định; các dự án vay vốn dù thu hút được nhiều người lao động nhưng do phần lớn đều đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chăn nuôi nên tính bền vững chưa cao. Người lao động được đào tạo nghề vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào việc được bố trí sắp xếp việc làm mà chưa chủ động tìm việc (toàn huyện khoảng 10 - 15% lao động sau đào tạo chưa tìm được việc làm ổn định). Chị Thào Thị Mai, bản Huổi Pết (xã Pá Mỳ) chia sẻ: “Năm 2019, được sự tuyên truyền vận động của chính quyền, hội phụ nữ, tôi đã đăng ký tham gia lớp kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Sau đào tạo, do thiếu vốn, nhất là việc tiếp thu kiến thức hạn chế nên áp dụng vào thực tiễn không hiệu quả. Dù đã cố gắng nhưng tôi vẫn phải làm nương rẫy để mưu sinh, việc làm bấp bênh khiến gia đình tôi vẫn thuộc diện hộ nghèo của bản”.

Ðối với Mường Nhé, một trong những huyện phải đối diện nặng nề với “vấn nạn” di cư tự do (Từ năm 2014 - 2019, toàn huyện có tới gần 400 người di cư đến địa bàn, chủ yếu từ các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai...). Ðiều này đã phá vỡ quy hoạch, kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là làm gia tăng dân số và hộ nghèo dẫn tới nhu cầu về ngân sách bố trí cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội rất lớn. Ðặc biệt, nó còn là tác nhân chính gây xáo trộn, ảnh hưởng tới cơ cấu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. 

Ðể giải “bài toán” đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thanh niên, nhiều giải pháp đã được Ðảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé đưa ra bàn thảo. Ðặc biệt, để nâng cao chất lượng, đảm bảo chỉ tiêu giải quyết việc làm cho lao động, ngoài đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp huyện Mường Nhé cần tăng cường việc tuyển sinh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; xây dựng chương trình đào tạo sát với dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài huyện; tạo cơ hội cho người nghèo, người DTTS vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm cho bản thân. Ðặc biệt, cung cấp cho người lao động những thông tin cần thiết, cập nhật ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng trong và ngoài tỉnh; tăng cường liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua nhiều hình thức hợp đồng liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo. Ðối với thị trường xuất khẩu lao động cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng người lao động tới các thị trường tiềm năng (Hàn Quốc, Nhật Bản...). Từ đó, mở ra nhiều cơ hội để người lao động có việc làm và thu nhập ổn định; góp phần thúc đẩy tiến trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân nơi mảnh đất biên cương Mường Nhé.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top