Nhịp sống Huổi Lóng

09:27 - Thứ Năm, 12/03/2020 Lượt xem: 10152 In bài viết

ĐBP - Hơn 4 năm, từ ngày bến đò Huổi Lóng hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng đã mang lại cho vùng đất Huổi Lóng nhịp sống mới. Bến Huổi Lóng luôn nhộn nhịp kẻ bán người mua, những chiếc thuyền máy đủ kích cỡ nườm nượp chở người, chở hàng ngược xuôi sông Ðà.

Người dân mua bán hàng hóa tại bến đò Huổi Lóng.

Biết chúng tôi muốn đến Huổi Lóng, anh Tẩn A Ðạt, Chủ tịch UBND xã Huổi Só dặn dò: “Anh em phải ở lại một đêm vì bến đò Huổi Lóng bắt đầu hoạt động từ 5 giờ chiều hôm trước. Sôi động, nhộn nhịp nhất là từ khoảng 6 giờ sáng đến 10 giờ sáng ngày hôm sau. Từ ngày dòng sông Ðà hung dữ bị con người khắc chế, cuộc sống người dân Huổi Lóng cũng dần thay đổi, khấm khá hơn!”.

5 giờ chiều, mặt trời khuất dần sau những dãy núi, chúng tôi lên thuyền theo anh Phàn A Le, bản Huổi Lóng ra sông thả rọ tôm. Ðiều khiển chiếc thuyền máy chạy thẳng đến một vùng nước giữa 2 ngọn núi, khuất gió, anh Le lần lượt thả từng rọ bắt tôm xuống sông vừa tâm sự: “Hôm trước trời mưa giông, chắc hôm nay sẽ trúng mẻ lớn đây. Trước đây, người dân hay đánh bắt tôm cá bằng vó bè nhưng nay cũng đã bỏ gần hết rồi. Bây giờ nhà nào có điều kiện thì nuôi cá lồng, còn thì cứ chiều lại đi thả rọ tôm, sáng hôm sau đi thu rọ. Hôm nào trúng mẻ to cũng thu được 500 - 700 nghìn đồng từ bán tôm. Từ tháng 1 - 5 là mùa đánh bắt được nhiều tôm và các loại cá có giá trị như: Cá măng, cá ngão (giá bán 70.000 đồng/kg), nhất là cá lăng có giá 700.000 đồng/kg. Một đêm chỉ cần bắt được con cá lăng 3 - 4kg là trúng quả rồi! Cũng tầm này năm ngoái, tôi may mắn câu được con cá lăng 15kg, bán được hơn 10 triệu đồng”.

4 giờ 30 phút sáng, sương sớm bao phủ dày đặc bến đò Huổi Lóng. Lúc chúng tôi đến bến, đã có rất đông người tập trung. Một vùng non xanh nước biếc bị đánh thức bởi những tiếng khởi động thuyền máy. Những chiếc thuyền máy xuyên màn sương, lướt sóng tiến về các khu vực đặt rọ tôm. Cả một khúc sông trở nên rộn ràng bởi ánh đèn pin rọi xuống sông, tiếng người gọi nhau í ới. Ðúng như anh Le tiên đoán, mọi người đều vui vẻ vì trúng mẻ lớn. Anh Le cũng bắt đầu kéo mẻ đầu tiên, hầu như rọ nào cũng có tôm. Kéo hết 10 rọ tôm thì trời cũng rạng sáng, thành quả mang về là khoảng 8kg tôm tươi rói, bật tanh tách trên thuyền. Anh Le nhanh chóng lựa chọn khoảng 1kg tôm to để làm thực phẩm cho cả gia đình còn lại cho chung vào túi và quay thuyền về bến đò Huổi Lóng. Anh Le nói: “Tầm này, thương lái từ các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và cả Mường Lay đang đợi ở bến để mua tôm, cá rồi. Chúng ta về nhanh thôi!”.

Xưởng đóng thuyền ngay cạnh bến đò Huổi Lóng của anh Lò Văn Minh, thôn Huổi Lóng.

Bến đò Huổi Lóng mùa này, buổi sáng luôn tấp nập người bán kẻ mua, khiến người ta cảm tưởng như Huổi Lóng là chợ đầu mối đưa thủy sản sông Ðà đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Những lồng, túi tôm, cá từ các thuyền được tư thương gom lại vận chuyển sang thuyền lớn để bảo quản, sau đó xuôi dòng hướng Sơn La. Những chiếc thuyền buôn tôm cá vừa đi thì có 3 - 4 chiếc thuyền lớn, trọng tải 30 - 40 tấn nhanh chóng vào bến thả neo thế chỗ. Ðó là những thương lái đi thu gom nông sản của người dân Huổi Lóng và các thôn lân cận. Thôn Huổi Lóng có 4 chiếc thuyền to trọng tải trên 30 tấn và gần 200 chiếc thuyền nhỏ. Thuyền to chở nông sản đi bán ở Sơn La, thuyền nhỏ phục vụ hoạt động sông nước của người dân. Anh Hoàn A Cỏn, thôn Huổi Lóng - người sở hữu 1 chiếc thuyền lớn cho biết: Gia đình tôi đóng chiếc thuyền này được gần 3 năm rồi, chủ yếu đi thu gom nông sản của người dân rồi chở bán cho các đại lý, cơ sở chế biến ở Sơn La. Mỗi chuyến đi phải mất 3 ngày mới về. Mùa này, bà con đang thu hoạch sắn. Buổi sáng, người dân chở sắn đến tập trung ở bến đò. Ðến 3 - 4 giờ chiều, chúng tôi bắt đầu cân sắn, chuyển lên thuyền rồi xuôi về phía tỉnh Sơn La. 3 năm trở lại đây, bến đò Huổi Lóng tập nập lắm. Ðợt này các anh tới không đúng dịp, nếu đúng vụ thu hoạch lúa nương, khu vực này thuyền máy chở lúa vào, ra liên tục. 1 tháng có 3 ngày thuyền bán tạp hóa từ Hòa Bình lên hạ neo phục vụ bà con. Những chiếc thuyền trọng tải 40 - 50 tấn, chở đủ các loại từ hàng tiêu dùng đến vật liệu xây dựng, người dân các thôn tập trung mua sắm rất nhộn nhịp”. Ðang dở câu chuyện với anh Cỏn, chúng tôi bị giật mình bởi tiếng động khá lớn. Ðó là tiếng búa đóng đinh, tiếng hàn ô xy tại xưởng đóng thuyền của anh Lò Văn Minh. Vào thăm xưởng đóng thuyền, chúng tôi được anh Minh cho biết: “Ngày trước chưa xây dựng bến đò, người dân chủ yếu dùng thuyền độc mộc nên nghề đóng thuyền chưa phát triển. Từ ngày xây bến đò, nhu cầu sắm thuyền máy của người dân ngày càng tăng nên tôi gom vốn mở xưởng đóng, sửa chữa thuyền. Hiện nay, toàn xã có 7 hộ làm nghề đóng thuyền tại 4 thôn: Huổi Só 1, Huổi Só 2, Pê Răng Ky và Huổi Lóng. Năm nào nhiều việc thì đóng mới được 30 - 40 chiếc, năm nào ít việc thì cũng đóng được 10 - 12 chiếc. Thời gian đóng mới mỗi chiếc thuyền mất từ 7 - 10 ngày, tiền công khoảng 3 - 4 triệu đồng. Còn việc sửa chữa thuyền thì thường xuyên trong năm”.

Từ ngày ngăn đập Thủy điện Sơn La, một phần diện tích của xã Huổi Só chìm dưới lòng sông Ðà nhưng lại mở ra nghề mới trong phát triển kinh tế. Năm 2015, bến đò Huổi Lóng được đầu tư xây dựng đã trở thành trung tâm mua bán, trao đổi hàng hóa của xã Huổi Só. Hiện nay, người dân 9/9 thôn của xã Huổi Só cơ bản đều gắn bó với sông nước nên bến đò Huổi Lóng ngày càng đông đúc, nhộn nhịp. Ðây là lợi thế để người dân thôn Huổi Lóng nói riêng và xã Huổi Só nói chung phát triển kinh tế, dịch vụ. Ðảng ủy xã Huổi Só cũng đang nghiên cứu xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế gắn với lợi thế sông nước để tạo sức bật về kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top