Lan tỏa các phong trào thi đua trong cựu chiến binh

09:14 - Thứ Hai, 16/03/2020 Lượt xem: 9170 In bài viết

ĐBP - Mang khí phách, lòng kiên cường thắng giặc trong thời chiến, những cựu chiến binh (CCB) trong thời bình hôm nay lại tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bằng việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Ðảng thành hành động thiết thực trong phong trào thi đua, Hội CCB các cấp trong tỉnh đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng đến các hội viên trên các lĩnh vực, nhất là giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Cựu chiến binh Lò Ngọc Ánh, bản Trung tâm, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: C.T.V

Nhắc đến CCB Lò Ngọc Ánh (bản Trung tâm), người dân xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) ai cũng biết ông bởi những đóng góp, cống hiến khi ông giữ các chức vụ chủ chốt của xã và cả khi nghỉ hưu. Chia sẻ với chúng tôi, CCB Lò Ngọc Ánh tâm sự: Là bộ đội quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu tại nước bạn Lào, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, tôi tham gia công tác tại xã rồi nghỉ hưu. Song với trách nhiệm của một người đảng viên, là người lính cụ Hồ nghỉ hưu chứ chân tay không nghỉ nên ông cùng gia đình tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc gắn với vườn rừng. Ðến nay cơ ngơi của gia đình ông Ánh ngoài 50 con trâu, bò còn có trên 1ha rừng trồng và gần 2ha cây ăn quả các loại như: Thanh long, cam, chuối cùng cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài bản… Mô hình này giúp gia đình ông Ánh mang về thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng/năm. Vừa hướng dẫn, động viên con cháu trong gia đình, dòng họ vươn lên làm kinh tế, CCB Lò Ngọc Ánh còn tuyên truyền, vận động hội viên CCB và người dân trong xã, trong bản tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Riêng gia đình ông Ánh góp hơn 3.000m2 đất để xây dựng trường học, làm nhà văn hóa; giao trâu, bò sinh sản cho một số hộ nghèo trong xã nhận nuôi và cùng các hộ trong xã thành lập Hợp tác xã Thành Luân… góp phần giúp hàng chục gia đình trên địa bàn có việc làm, thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

Cũng giống như CCB Lò Ngọc Ánh, phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, các cấp hội CCB trong tỉnh đã xuất hiện nhiều gương điển hình, như: CCB Hoàng Bá Tài (Hội CCB huyện Tuần Giáo); Bạc Cầm Phiu (Hội CCB huyện Mường Ảng); Phạm Bá Tiến (Hội CCB huyện Ðiện Biên)… đã khắc phục khó khăn về sức khỏe, không cam chịu đói nghèo, vươn lên để có cuộc sống ổn định và làm giàu chính đáng, có thu nhập từ 300 triệu đồng - 1 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Thế Kiên, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Ðể nhân rộng các mô hình điển hình, tiên tiến của CCB, Thường trực Hội CCB tỉnh đã triển khai cho hội CCB các huyện, thị xã, thành phố mỗi đơn vị hàng năm xây dựng từ 7 - 10 mô hình để tổ chức cho các ban chấp hành CCB xã, phường, thị trấn đến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm. Ðến nay, nhiều mô hình tốt, cách làm hay trong CCB đã được học tập và nhân rộng, như: Mô hình nuôi chim bồ câu của CCB Phạm Văn Ðào (Hội CCB phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ); nuôi gà siêu trứng của CCB Nguyễn Văn Tiến (Hội CCB thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo)…

Phát huy sức mạnh CCB trong thời bình, phong trào thi đua CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tham gia xây dựng nông thôn mới đã và đang tích cực nhận được sự hưởng ứng từ các hội viên CCB. Với hơn 17.900 hội viên tham gia sinh hoạt ở 177 cơ sở hội, đến nay đã có 30 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã, 698 trang trại, gia trại của các CCB trong tỉnh hoạt động trên các lĩnh vực, tạo việc làm cho 11.895 lao động. Hội CCB các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã nhận ủy thác vốn vay cho các hội viên từ “kênh” của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 639,6 tỷ đồng, tổng số hộ dư nợ hơn 17.400 hội viên; 8 hộ được vay không lãi suất từ Quỹ hội viên với tổng số tiền 160 triệu đồng… Ðây là nguồn lực quan trọng để giúp các CCB phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện số hộ gia đình, hội viên CCB có đời sống khá, giàu chiếm 46% tổng số hội viên toàn tỉnh.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top