Khát vọng con đường cho Huổi Háo

09:05 - Thứ Năm, 19/03/2020 Lượt xem: 9610 In bài viết

ĐBP - Tôi không biết bản mình có từ khi nào, bởi khi tôi sinh ra bản đã ở đây rồi. Theo thời gian con đường vào bản ngày càng gập ghềnh khó đi dù được nâng cấp, lấp “ổ trâu”, nhưng chỉ một cơn mưa ập tới là cuốn trôi hết đất đá, mặt đường hõm xuống như rãnh nước. Vì thế khát vọng lớn nhất của người dân ở đây không chỉ là miếng cơm manh áo, mà là một con đường - ông Vàng A Lềnh, Trưởng bản Huổi Háo, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) chia sẻ.

Con đường vào bản Huổi Háo lằn những vệt, rãnh không còn mặt đường.

Bản Huổi Háo nằm chơi vơi trên đồi, người dân sinh sống thành 2 cụm dân cư cách nhau một vạt đồi. Ðể dễ mô tả, người dân ở đây thường gọi là khu A, khu B. Khu A có 32 hộ, còn khu B có 20 hộ. Họ có chung một con đường mòn để ra trung tâm xã.

Dù đã chuẩn bị tâm lý cho chuyến công tác từ mấy hôm trước, nhưng chúng tôi không khỏi lo lắng khi phải vật lộn trên con đường dẫn vào bản Huổi Háo. Ðón chúng tôi nơi con dốc tuy không dài, nhưng nghiêng nghiêng như muốn hất mọi thứ xuống vực, Trưởng bản Vàng A Lềnh nói như một lời cảnh báo: Ðây là nhà báo đi vào trời nắng, chứ vào ngày mưa thì không thể đi được đâu; chỉ một ít mưa là con đường trơn tuột như bôi mỡ, đi bộ còn không xong chứ chưa nói gì đi xe máy.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về bản, ông Vàng A Lềnh đọc vanh vách những con số đã được lưu trữ sẵn trong đầu: Bản Huổi Háo có 52 hộ, 278 nhân khẩu, tất cả đều là hộ nghèo; bản cũng chưa có điện. Nếu như những bản khác có thể không có điện thắp sáng, nhưng bù lại họ có đường bê tông, hoặc rải cấp phối, nhưng bản Huổi Háo thì cả hai thứ quan trọng này đều chưa có. Người dân quanh năm làm nương do không có ruộng nước, vì thế mà cuộc sống cũng trở nên khó khăn, phập phù.

Ðể rõ hơn về đời sống của người dân trên bản “3 không” (không điện, đường, không có lúa nước) này, chúng tôi tham quan một vòng. Ngôi nhà đầu tiên mà chúng tôi dừng chân ghé thăm là gia đình anh Vàng A Páy. Trong căn nhà lụp xụp cạnh mé rừng, anh Páy rót bát nước mời khách, buồn rầu kể: “Bố tôi có tiền sử cao huyết áp, hôm đó trời lạnh, bệnh của ông tái phát khiến ông khó thở, mấy anh em cấp tập đưa ông đi viện. Do đường xấu, chiếc xe máy luôn loạng quạng khiến bánh xe như muốn long ra, đến người khỏe còn không chịu nổi nói gì ốm. Tôi đành dừng nhờ 8 thanh niên trong bản khênh ông chạy bộ. Sương đêm khiến đường trơn, mất gần 2 giờ đồng hồ mới ra tới đường liên bản (đường có thể đi được xe máy). Khi tới viện thì đã quá muộn, dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, ông mất khi mới hơn 50 tuổi”.

Cũng có mặt trong buổi trò chuyện, anh Vàng A Tủa chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại ngày vợ anh sinh nở. Chỉ vào cô con gái đang chập chững tập đi anh kể: Hôm đó khi con gà vừa gáy sáng thì vợ anh chuyển dạ. Biết sinh đẻ ở nhà sẽ nguy hiểm, mà đường rừng xe cấp cứu không thể tới nơi, vợ anh cũng không thể ngồi xe máy nên đành cho vợ nằm lên chiếc chăn, buộc túm 2 đầu vào đoạn tre rồi mấy anh em thanh niên thay nhau khênh chị đến bệnh viện, vừa đi vừa chạy; đồng thời cắt cử 2 người đi xe máy đợi sẵn ở quốc lộ, khi tới nơi thì tức tốc chở lên viện. May mà mẹ tròn con vuông!

Ngoài những khi ốm đau, sinh đẻ thì những ngày thường việc đưa con đi học của người dân bản Huổi Háo cũng vô cùng khó khăn, bởi khu B của bản chưa có điểm trường, các cháu phải ra trung tâm xã học. “Ngày nắng thì còn chở con xuống trường chứ ngày mưa thì chỉ có nước đi bộ, khổ nhất là các cháu lớp 1, 2” - anh Tủa chia sẻ thêm.

Khi được hỏi lý do gì mà bản có 52 hộ thì tất cả đều là hộ nghèo, Trưởng bản Vàng A Lềnh bộc bạch: Cả bản làm nương, không nhà ai có ruộng lúa nước, canh tác nhiều năm đất bạc màu, lúa nương bông mẩy bông lép, nên đủ ăn đã là khó khăn. Chưa kể, ai muốn mua lít dầu hay túi muối i ốt cũng phải chở bao thóc, hay cắp nách con gà vượt gần 10 cây số mới ra được đến trung tâm xã để bán, trong đó 5 cây số là đường mòn, đường đất. Không ít lần có người chở thóc đi bán, không may gặp mưa, trơn tuột đổ cả người lẫn xe, thóc thì vương vãi hết xuống bùn đất.

Câu chuyện của người dân Huổi Háo khiến tâm trạng chúng tôi như chùng xuống, đuổi theo những dòng suy nghĩ xót xa. Bất chợt, ông Vàng A Lềnh kể cho chúng tôi nghe về việc làm táo bạo của dân bản với mong muốn thoát nghèo. Rằng từ đầu năm, dân bản đã tập trung khai hoang được trên 3ha ruộng bậc thang. Tuy nhiên do không đủ kinh phí để mua thiết bị, ống dẫn nước từ suối Huổi Háo về ruộng nên chưa hộ nào cấy được. Ðể chuẩn bị cho vụ mùa tới, vừa rồi gia đình ông và một số hộ khác đã đầu tư mua ống dẫn nước loại nhỏ dẫn nước về ruộng. Gia đình ông phải vay ngân hàng 50 triệu đồng, trong đó, chi 29 triệu đồng thuê máy xúc san lấp, tạo mặt bằng; 25 triệu đồng mua ống nước để lắp đặt, dẫn nước vào ruộng. Dù chưa có kết quả, nhưng hi vọng sự nỗ lực này sẽ khả quan. Nói rồi chỉ tay về phía cánh rừng, ông Vàng A Lềnh nói như một niềm tự hào của bản: Kia là 150ha rừng mà bản được giao quản lý, bảo vệ. Năm vừa rồi bản cũng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Ðây là niềm vui lớn của bản, cùng với những kỳ vọng của bà con về cánh đồng lúa bậc thang trong mùa tới.

Người dân bản Huổi Háo giờ đây khát khao nhất là có con đường rộng rãi, bằng phẳng để đi lại thuận lợi hơn, cho học sinh đi học, người dân đi mua hàng hóa, hay những lúc có người ốm đau, chuyển dạ. Và rộng hơn, xa hơn là “con đường” vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống ấm no...

Tú Trinh
Bình luận
Back To Top