Góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số

09:47 - Thứ Sáu, 20/03/2020 Lượt xem: 9335 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được cơ quan chuyên môn các cấp triển khai đầy đủ, linh hoạt, kịp thời. Những chính sách đó đã góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và từng bước thay đổi diện mạo cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Nhiều chương trình hỗ trợ đã giúp đồng bào DTTS có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát khỏi đói nghèo. Trong ảnh: Nông dân thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo thu hoạch thủy sản.

Trước đây, gia đình ông Lý Giống Khá cũng như nhiều gia đình khác trong bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng thường xuyên trong cảnh khó khăn thiếu thốn. Lương thực làm ra ít, con cái không được ăn no, mặc ấm, không được đi học, nhà cửa tạm bợ… Nhưng từ khi Ðảng và Nhà nước có các chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với các DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, như: Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và nhiều chương trình dự án khác đã tiếp sức cho người dân phát huy nội lực để phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no. Ông Lý Giống Khá cho biết: Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình trong bản được tham gia, tiếp thu, học tập tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất và chăn nuôi. Ðồng thời, hỗ trợ cho vay vốn để các hộ gia đình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Tranh thủ nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ này, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cải tạo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Gia đình tôi đã cải tạo chuyển đổi đất từ trồng cây công nghiệp ngắn ngày sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn là cây cà phê. Sau 3 năm phấn đấu, gia đình đã trồng được hơn 3ha cà phê, hiện nay thu nhập từ cà phê đạt từ 120 - 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng hơn 2ha ngô phục vụ chăn nuôi và bán ra thị trường; nuôi 10 - 15 con lợn thịt… Tổng thu nhập của gia đình mỗi năm sau khi trừ chi phí đạt từ 150 - 200 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi đã có phương tiện sản xuất, kinh tế gia đình ổn định, con cái đều được đi học đầy đủ. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác trong bản cũng có cuộc sống khấm khá hơn. Bây giờ cuộc sống ở bản Tát Hẹ đã khác trước nhiều lắm.

Cũng nhờ có các chính sách cho đồng bào DTTS mà xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo đã có những đổi thay đáng kể. Ông Lù Văn Hiêng, Bí thư Ðảng ủy xã Quài Nưa cho biết: Nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội của xã được đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên các công trình thiết yếu, như: Xây dựng 14km đường giao thông nông thôn, 1 nhà văn hóa xã; 7 bản được cấp nước sinh hoạt… Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 công trình thủy lợi, 14 công trình phai tạm đảm bảo nước tưới cho diện tích lúa 2 vụ. Ngoài ra, nhiều mô hình sản xuất mới trong nông thôn được hình thành. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã triển khai thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả theo chuỗi liên kết, như: Trồng 2ha bưởi da xanh tại bản Bó, Giáng; 5ha nhãn chín muộn, 12,47ha cây xoài Ðài Loan tại bản Pha Nàng… Cũng nhờ nhiều chương trình, dự án được triển khai trên địa bàn mà đời sống người dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn khoảng 32,4%, giảm 15% so với năm 2015. Tính đến hết năm 2019, xã đã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới với 16/19 tiêu chí…

Có thể thấy rằng, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án và chính sách cho đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần giúp cho diện mạo nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có những chuyển biến tích cực. Nguồn vốn từ các chương trình không chỉ đầu tư kết cấu hạ tầng mà còn hỗ trợ người dân có vốn phát triển sản xuất, thoát đói nghèo. Tổng nguồn vốn giai đoạn 2014 - 2019 Chương trình 135 là 833,209 tỷ đồng; Chương trình 30a hơn 800 tỷ đồng; hỗ trợ giống nông nghiệp, muối iốt trên 100 tỷ đồng; gần 70 tỷ đồng hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đào tạo nghề cho 21.400 lao động nông thôn là người DTTS… và nhiều chương trình, dự án hỗ trợ, thúc đẩy phát triển toàn diện đối với vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể với mức bình quân 3,68%/năm…  Việc triển khai các công trình dự án còn đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch thể hiện qua việc các nội dung hỗ trợ, công trình xây dựng, địa điểm xây dựng… đều được lựa chọn theo nguyện vọng của người dân và được nhân dân giám sát. Những kết quả đó đã góp phần không nhỏ giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của đồng bào DTTS với sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top