Giảm thiểu bạo lực giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số

09:50 - Thứ Sáu, 20/03/2020 Lượt xem: 10792 In bài viết

ĐBP - Dự án Nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng dân tộc miền núi phía Bắc trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (gọi tắt là dự án SUSO), được triển khai từ năm 2018 - 2021 trên địa bàn 4 xã: Thanh Nưa, Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) và Mường Phăng, Pá Khoang (thành phố Ðiện Biên Phủ). Dự án do Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) và CARE Quốc tế tại Việt Nam thực hiện với sự phối hợp từ Sở Tư pháp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh. Ðây là dự án đầu tiên tại Ðiện Biên tập trung giảm thiểu vấn đề bạo lực giới trong cộng đồng người dân tộc thiểu số nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Chị Cà Thị Duyên, bản Giảng Co Ké, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) trao đổi, chia sẻ với chị em trong bản.

Ông Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Bạo lực giới không phải là vấn đề của riêng nhóm thiểu số, mà là của nhiều nhóm và tầng lớp khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản và thách thức đặc thù hơn. Ví dụ như hạn chế về khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông và khả năng giao lưu, tiếp xúc, do đó họ càng khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khi bị bạo lực. Theo khảo sát của tổ chức CARE đối với 329 nữ giới và 101 nam giới tại 4 xã: Mường Phăng, Pá Khoang, Thanh Nưa và Hua Thanh cho thấy trong thời gian từ tháng 7/2018 trở về trước, có tới 77,5% phụ nữ từng chịu ít nhất một dạng bạo lực. Số người từng bị bạo lực tinh thần lần lượt là 66,6%; 35% và 32% tương ứng với các hành vi chửi mắng, đe dọa và kiểm soát đi lại. Thông qua dự án này giúp nâng cao hiểu biết của cộng đồng và chính quyền địa phương về bạo lực giới; tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ hỗ trợ ưu tiên trong kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực giới… nhằm giảm thiểu hiện trạng bạo lực giới trong nhóm dân tộc thiểu số. Thông qua phối hợp với Sở Tư pháp, dự án đã hoàn thiện bộ quy trình hòa giải tập trung vào bạo lực giới dành cho Tổ hòa giải cấp thôn, bản. Thành viên các tổ hòa giải của 24 thôn, bản đã tham gia các cuộc tập huấn sử dụng bộ quy trình và hiện đang áp dụng trên địa bàn. Vai trò Tổ hòa giải thôn, bản cũng được xác định rõ trong hệ thống chuyển gửi người bị bạo lực tới các dịch vụ phù hợp. Mục tiêu của dự án là phá vỡ im lặng xung quanh bạo lực giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, từ đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Trong năm đầu triển khai, dự án đã thành lập đội ngũ hạt nhân thay đổi gồm 48 thành viên; xây dựng và đưa vào sử dụng bộ tài liệu hướng dẫn thảo luận cộng đồng về bạo lực giới. Tính đến nay, đã có hơn 300 thành viên nữ nhóm VSLA (nhóm cổ phần tài chính tự quản) và 280 thành viên là chồng tham gia vào các buổi thảo luận. Ðồng thời, từ những kỹ năng, kiến thức được tập huấn trong dự án, các hạt nhân thay đổi và các tổ hòa giải cơ sở đã hòa giải thành hàng chục vụ việc ngay tại địa phương. Những vụ việc chủ yếu là mâu thuẫn phát sinh trong gia đình giữa vợ chồng đều được hòa giải thành công đến 90%.

Bà Vì Thị Phong, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) cho biết: Dự án SUSO được khởi động từ cuối năm 2018, đến năm 2019 chính thức đi vào hoạt động. Dự án lựa chọn trong xã 12 hạt nhân thay đổi ở 6 bản. Trong khuôn khổ dự án, các hạt nhân thay đổi được chọn và các thành viên trong các tổ hòa giải được tham gia các chương trình tập huấn, các chuỗi sự kiện truyền thông để trang bị các kỹ năng chủ động nhận diện, hỗ trợ các trường hợp bị bạo lực giới tại địa phương; từ đó nâng cao kỹ thuật ghi chép mẫu thu thập thông tin ban đầu và báo cáo các trường hợp bị bạo lực giới. Ðây là cơ hội để các thành viên tổ hòa giải được chia sẻ, thảo luận các khó khăn, đề xuất giải pháp khi thực hiện hòa giải các trường hợp bị bạo lực giới. Từ đó nâng cao nhận thức của người dân về nguyên nhân, hình thức bạo lực giới; thay đổi các chuẩn mực về giới trong cộng đồng; đặc biệt là thay đổi nhận thức về hình thức bạo lực tinh thần. Giúp cộng đồng hiểu rõ, nhận diện bạo lực nói chung và bạo lực tinh thần nói riêng.

Chị Cà Thị Duyên, bản Giảng Co Ké, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) - một trong những hạt nhân thay đổi cho biết: Nhờ tham gia vào dự án, phụ nữ dân tộc thiểu số dần nhận thức được bình đẳng giới, biết mình cũng có tiếng nói, cần được tôn trọng trong gia đình và ngoài xã hội. Ngay như chồng tôi cũng thay đổi nhiều, trước đây cấm không cho tôi đi giao lưu với mọi người kể cả là các chị em trong bản, đi làm thuê; không cho tham gia vào tổ chức đoàn thể ở bản. Nhưng bây giờ sau khi dự án được triển khai và sau nhiều lần tham gia vào các buổi thảo luận, truyền thông, thì đã biết hỗ trợ công việc nhà với vợ.

Dự án SUSO có thời gian thực hiện trong ba năm rưỡi. Trong năm nay, dự án sẽ hỗ trợ các hạt nhân thay đổi tổ chức các sự kiện cộng đồng để nâng cao hiểu biết của người dân về các hình thức bạo lực, nguyên nhân của bạo lực và các kênh hỗ trợ người bị bạo lực. Thông qua đó, dự án hướng tới phát huy năng lực của hạt nhân thay đổi để tự tin truyền cảm hứng cho cộng đồng, lên tiếng thảo luận về bạo lực và sử dụng những kỹ năng hỗ trợ người bị bạo lực chia sẻ về vấn đề của họ.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top