An toàn vệ sinh lao động chưa được quan tâm đúng mức

09:26 - Thứ Hai, 23/03/2020 Lượt xem: 9940 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLÐ) đã được các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm, cải thiện. Số vụ tai nạn lao động có chiều hướng giảm dần: Năm 2017 xảy ra 7 vụ; năm 2018 giảm còn 4 vụ khiến 1 người chết, 3 người bị thương nặng; năm 2019 còn 2 vụ làm 1 người chết, 1 người bị thương nặng. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động và cả người lao động xem nhẹ công tác này.

Tại nhiều công trình xây dựng, người lao động vẫn làm việc thủ công, thiếu trang bị bảo hộ lao động. Trong ảnh: Công nhân thi công công trình kè tại TX. Mường Lay.

Ðiển hình như trong lĩnh vực xây dựng, theo quy định về tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng: Nhà cao từ 3 tầng trở lên phải dùng dây thừng giằng về bốn hướng hoặc gá vào phía có kết cấu vững chắc và dùng lưới bảo hiểm khi chống nhiều tầng giáo. Tuy nhiên, tại nhiều công trình xây dựng, nhất là các công trình xây dựng dân dụng vẫn phổ biến tình trạng người lao động phải treo mình trên giàn giáo cao hơn chục mét, được dựng bằng các cọc gỗ và kê ván để đi lại mà không được trang bị phương tiện bảo hộ cơ bản. Ðiều đáng nói là không chỉ các đơn vị sử dụng lao động chưa quan tâm đến vấn đề bảo đảm ATVSLÐ mà ngay cả người lao động trực tiếp làm việc cũng rất chủ quan. Anh Trần Duy Tuyên làm thợ xây tại phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: “Làm nghề này rất ít người có đồ bảo hộ lao động, kể cả khi được trang bị cũng lúc sử dụng lúc không vì lao động trên công trường thời tiết khó chịu, vướng víu nên mọi người thường cởi bỏ để thuận tiện quá trình đi lại, vận chuyển vật liệu.”

Theo thống kê của ngành chức năng, giai đoạn từ năm 2013 - 2019, trong số những ngành nghề dễ xảy ra tai nạn lao động như: Xây dựng, điện, khai thác khoáng sản… thì lĩnh vực xây dựng có số vụ tai nạn lao động chiếm 46,7% trong tổng số vụ trên địa bàn tỉnh. 

Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, năm 2019, sau khi tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động tại 7 doanh nghiệp có mỏ đá hoặc mỏ sét trên địa bàn tỉnh, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) đã phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến công tác đảm bảo ATVSLÐ như: Chưa lập thiết kế bản vẽ thi công theo quy định; không tạo tầng khai thác; chưa có sơ đồ nguyên lý cung cấp điện, sơ đồ các mạng cáp và mạng điện; chưa đặt biển báo nguy hiểm và rào ngăn tại khu vực nguy hiểm; chưa lập biện pháp và tổ chức cậy bẩy đá treo; chưa lập biển báo, chỉ dẫn trên đường vận tải bằng ô tô; chưa lập biện pháp an toàn cho người và thiết bị khi tiến hành khoan tại những nơi địa hình cheo leo; chưa có biện pháp an toàn khi xử lý mìn câm… Ðây cũng là nguyên nhân lĩnh vực này có số vụ tai nạn lao động chiếm khoảng 20% trong tổng số vụ xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Thế Vinh, Chánh Thanh tra Sở LÐ - TB&XH cho biết: Theo quy định, việc huấn luyện, hướng dẫn công tác ATVSLÐ cho người lao động là bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp, nhưng một số đơn vị chưa thực sự quan tâm tới điều này. Nếu có thì chỉ nhắc nhở chứ không kiểm tra, giám sát thường xuyên. Một số doanh nghiệp chỉ thực hiện mang tính đối phó, khi có đoàn kiểm tra mới thống kê, hoàn thiện hồ sơ và mua sắm một số dụng cụ, bảo hộ lao động như: Găng tay, mũ, quần áo. Ðơn cử như trong “Tháng hành động về ATVSLÐ năm 2019”, qua kiểm tra tại 4 đơn vị (Công ty Cổ phần khoáng sản Ðiện Biên, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Kim, Công ty TNHH Gỗ Ðiện Biên và Công ty TNHH Quang Vấn Ðiện Biên) thì cả 4 đơn vị đều chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định; chưa bố trí cán bộ làm công tác y tế hoặc hợp đồng với trung tâm y tế gần nhất; chưa thực hiện huấn luyện ATVSLÐ cho người lao động…

Khi xảy ra tai nạn lao động, hậu quả trước hết là người lao động và gia đình họ phải gánh chịu về sức khỏe, tiền bạc. Ðối với doanh nghiệp và người sử dụng lao động sẽ bị ảnh hưởng uy tín, thiệt hại về thiết bị, con người, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng công tác ATVSLÐ từ xây dựng nội quy, quy chế lao động an toàn đến đầu tư kinh phí mua sắm bảo hộ lao động, cải thiện môi trường làm việc, huấn luyện người lao động nâng cao trình độ... Về phía người lao động cần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về ATVSLÐ, nhằm hạn chế thấp nhất các nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình lao động.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top