Những người thầm lặng "vá rừng"

15:22 - Thứ Ba, 24/03/2020 Lượt xem: 10757 In bài viết

ĐBP - “Rừng là lá phổi xanh của trái đất”, ai cũng biết câu nói đó. Nhưng không phải ai cũng hiểu và biết mình phải làm gì, nên làm gì để có trách nhiệm với rừng. Cũng bởi vậy, nên ở nhiều nơi, con người đã tự hủy hoại đi “lá phổi” của  mình. Đứng trước nguy cơ dần mất rừng, và những hệ lụy tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, nhiều năm qua, các cấp, ngành và tổ chức đoàn thể xã hội từ trung ương đến địa phương đã dành không ít tâm huyết, nỗ lực để kêu gọi và hành động vì rừng. Trong hàng nghìn con người, việc làm hưởng ứng lời kêu gọi, chúng tôi xin được kể về những tình nguyện viên với cách làm hết sức đặc biệt, thầm lặng “vá rừng” như một cách trả nợ…

Kỳ 2: Tự hào những "trái tim xanh"

Kỳ 3: Trả “nợ” rừng: Cần thêm những cái “bắt tay”

Kỳ 1: Trao mầm xanh… trao hy vọng!

Chiều cuối năm Kỷ Hợi, chúng tôi theo chân một nhóm thiện nguyện đi thăm cánh rừng 2 năm tuổi tại xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo). Sau khoảng gần 1 giờ vượt con đường rừng quanh co, dốc lên, dốc xuống khiến nhiều lần thở dốc, chúng tôi cũng đặt chân đến một khu rừng rộng, với những hàng cây cao quá đầu người. Giữa xào xạc cây rừng đang độ phát triển, vươn cao xanh mướt, họ tự hào kể về hành trình “gieo” mầm xanh trên những khu đồi trọc khô cằn bỏ không. Để rồi, mỗi mầm xanh trao đi, lại mang về thêm nhiều hy vọng cho những cánh rừng nơi đây.

Thành lập tháng 4/2018, nhóm từ thiện “Nhân rộng màu xanh cho rừng” bao gồm các thành viên là cán bộ công chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc có chung chí hướng trồng rừng. Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, nhóm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong nước (Yên Bái, Lai Châu, Bắc Giang, Hòa Bình, Đắk Lắk …), với hệ thống cộng tác viên rộng khắp, hàng nghìn héc ta đồi, núi trọc đã bắt đầu được phủ xanh. Riêng tại tỉnh Điện Biên, nhóm đã tổ chức, hỗ trợ các hoạt động trồng rừng tại nhiều địa phương, như: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Tủa Chùa…, với tổng diện tích cây phân tán đạt gần 2.000ha.

Nhóm thiện nguyện mà chúng tôi nhắc đến, có cái tên vô cùng ý nghĩa: “Nhân rộng màu xanh cho rừng”. Cơ duyên giúp chúng tôi gặp được nhóm, là từ một chương trình trao tặng cây giống trồng rừng cho người dân nghèo xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) cách đây 2 năm. Có lẽ câu nói “của cho không bằng cách cho” đã đúng trong trường hợp này. Trồng rừng vốn không phải việc dễ. Và thực tế là ở tỉnh Điện Biên, nhiều năm liền đã “vỡ” kế hoạch trồng rừng. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc thiếu vốn, nên niềm tin của người dân với các chương trình trồng rừng cũng “vơi dần”. Vậy thì một nhóm từ thiện, họ có thể làm gì, và bằng cách nào để vượt qua những rào cản ấy?!

 “Không phải cái gì cho đi, người ta cũng đều sẵn sàng nhận”, chương trình trao cây giống đầu tiên mà nhóm "Nhân rộng màu xanh cho rừng" lên kế hoạch ở một số xã của huyện Tuần Giáo là ví dụ điển hình. Ngay khi đặt vấn đề, hầu hết chính quyền địa phương đều từ chối, với lý do một vài chương trình trồng rừng trước đó chưa thanh toán được tiền công nên họ mất niềm tin với dân. Còn người dân, đa phần cũng không mặn mà.

“Một kinh nghiệm chúng tôi nhận ra sau khi tham khảo rất nhiều chương trình trồng rừng khác, đó là chúng ta đã đi chưa đúng hướng trong cách truyền thông. Thay vì việc bắt những người dân còn “thiếu ăn, thiếu mặc” phải hiểu những điều lớn lao như, họ phải có trách nhiệm với cộng đồng, phải giữ lấy "lá phổi" của con người, thì trước tiên phải giúp họ hiểu, trồng rừng vì ai, và ai sẽ là người được hưởng lợi trực tiếp từ rừng? Sau khi làm được điều đó, thì người dân tự khắc tình nguyện đăng ký tham gia trồng rừng mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì” - Bà Vũ Thúy Phương, Trưởng nhóm Nhân rộng màu xanh cho rừng chia sẻ.

Bà Vũ Thúy Phương, Trưởng nhóm “Nhân rộng màu xanh cho rừng”.

Mở được “cánh cửa” đầu tiên tại xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo), nhóm bắt đầu nhân rộng ra nhiều địa bàn khác trong huyện, trong tỉnh, với hàng trăm hộ dân hưởng ứng và hàng vạn cây giống được trao ở mỗi chương trình. Chị Trần Thị Phúc, Phụ trách nhóm tại Điện Biên cho biết: “Trước khi tiến hành trao cây giống ở mỗi địa phương, chúng tôi cũng nghiên cứu, khảo sát rất kỹ địa bàn. Từ thổ nhưỡng, khí hậu, đến nhu cầu của người dân. Chúng tôi cũng tính toán, sao cho mỗi héc ta rừng sẽ trồng xen canh cả cây ngắn ngày và dài ngày, như: dổi hạt, sa mộc, xà cừ, bạch đàn, keo, sưa đỏ, lim xanh, hạt dẻ... Cây dài ngày hướng đến mục đích lâu dài là giữ lấy rừng, còn cây ngắn ngày là để bà con có nguồn thu trước mắt, trong ngắn hạn, từ đó có cơ sở để xóa đói giảm nghèo thì bà con mới yên tâm chăm sóc, bảo vệ rừng”.

Bên cạnh việc cung cấp cây giống miễn phí, nhóm cũng tích cực xây dựng hệ thống cộng tác viên trách nhiệm ở cộng đồng; kết nối với cán bộ kỹ thuật ở một số trung tâm giống để tiếp tục đồng hành với người dân, hướng dẫn họ cách chăm sóc cây, thường xuyên thăm hỏi, kiểm tra, đánh giá tình hình phát triển của cây, từ đó đưa ra hướng hỗ trợ mang lại kết quả kinh tế cao nhất. Chính bởi vậy, thành công mà nhóm luôn tự hào đó là tỷ lệ cây sống sau trồng rừng luôn đạt từ 70 - 85%.

Để có nguồn kinh phí cho các chương trình trao cây giống, nhóm đã vận dụng sáng tạo và đa dạng hóa các hình thức xã hội từ thiện từ các nhà hảo tâm khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là tận dụng sức mạnh của mạng xã hội. Những thông điệp đầy ý nghĩa, như: “Trồng một cây xanh là gieo một mầm phúc”; “Chỗ nào đất trống chúng ta ươm cây, chỗ nào đồi trọc chúng ta trồng rừng”; “Hãy cho tôi một hạt mầm, tôi sẽ cho bạn một rừng cây”; “Ở đâu có đồi trọc, ở đó có chúng tôi”… được truyền tải, chia sẻ rộng rãi thông qua bạn bè, người quen trong nước, thậm chí cả quốc tế, đã nhanh chóng nhận về sự hưởng ứng nhiệt tình. “Năng nhặt chặt bị”, họ tiếp nhận tất cả các khoản hỗ trợ, từ tiền mặt cho tới các sản phẩm có thể bán lấy tiền, hạt giống… Ngoài ra, nhiều thành viên trong nhóm cũng tự gây quỹ bằng cách kinh doanh các sản phẩm đặc sản, để lấy lãi dành mua giống cây.

Bà Trần Thị Phúc, phụ trách nhóm Nhân rộng màu xanh cho rừng tại Điện Biên.

Những câu hỏi, hoài nghi ban đầu của chính quyền, và mỗi người dân ở những địa phương mà nhóm có mặt đã dần được minh chứng, không phải bằng những câu trả lời sáo rỗng, mà đó là những “hành động” thiết thực, cụ thể. Chúng ta có được cuộc sống bình yên, có bầu không khí trong lành để thở mỗi ngày, một phần đó là nhờ rừng. Chính vì thế mỗi chúng ta đều “nợ” rừng. Và mỗi một người tham gia ủng hộ việc làm của nhóm đều hiểu được điều đó. Họ hiểu giá trị của mỗi hành động hay vật chất mà họ trao đi là để “trả nợ” cho rừng.

Xem video:

Có lẽ đó chính là lý do trong suốt quá trình đồng hành với người dân Điện Biên, điều mà nhóm “Nhân rộng màu xanh cho rừng” đạt được không chỉ là màu xanh đang dần phủ kín trên những mảng đồi trọc, mà hơn thế nữa, họ đã truyền đi được thông điệp làm thay đổi nhận thức, ý thức của mỗi người dân đối với rừng. Bằng việc đầu tiên là “gieo” ý thức, sau đó không lâu họ đã và đang “gặt” về những hành động đầy ý nghĩa và thiết thực. Đó là họ đã kết nối được đông đảo cộng tác viên đầy trách nhiệm ở các cơ sở, như anh cán bộ Lò Văn Chính, anh Bí thư Chi bộ Nguyễn Khang Dũng, hay một người dân bình thường như bà Nguyễn Thị Thắm… Mỗi cá nhân lại tự gây dựng cho mình một chương trình, hoạt động sáng tạo khác nhau ở nơi mình sống, như: Mô hình vườn ươm cây giống, Chương trình nhặt hạt, Nắm hạt vào đất… Để từ đây, tiếp tục nhân lên những hành động ý nghĩa, lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng, thúc giục mọi người cùng vào cuộc chung tay “vá rừng”…

Kỳ 2: Tự hào những "trái tim xanh"

Bài, ảnh: Hải Yến - Mai Thủy
Bình luận
Back To Top