Những người thầm lặng "vá rừng"

Kỳ 2: Tự hào những "trái tim xanh"

08:19 - Thứ Tư, 25/03/2020 Lượt xem: 11566 In bài viết

ĐBP - Cái duyên đến với rừng khác nhau, song những cộng tác viên nhóm "Nhân rộng màu xanh cho rừng" ở Điện Biên có điểm chung là tình yêu, lòng nhiệt huyết cháy bỏng đối với rừng. Không đòi hỏi, trông chờ quyền lợi từ bất cứ đơn vị, tổ chức nào; cũng chẳng phải những người am hiểu về kỹ thuật, song với một “trái tim xanh”, họ đã dành rất nhiều thời gian, công sức và bằng nhiều cách làm khác nhau để làm nên những kỳ tích, giúp rừng Điện Biên ngày một xanh hơn...

Kỳ 1: Trao mầm xanh… trao hy vọng!

Kỳ 3: Trả “nợ” rừng: Cần thêm những cái “bắt tay”

1. Cái “bắt tay” đầu tiên

Năm 2018, sau khá nhiều thời gian gõ cửa, gặp gỡ chính quyền các xã để vận động nhận cây trồng rừng mà không có kết quả; những cây giống đầu tiên được đón nhận từ nhóm "Nhân rộng màu xanh cho rừng" là 10 hộ ở xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo. Và người đã tin tưởng vào thành công của mô hình, đứng ra kiên trì vận động để bà con chịu nhận cây giống, cam kết chăm sóc theo đúng yêu cầu, đó là anh Lò Văn Chính. Với vai trò lúc ấy là cộng tác viên chữ thập đỏ, nhân viên truyền thanh xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, anh Chính là người đầu tiên “bắt tay” với nhóm "Nhân rộng màu xanh cho rừng" để trở thành “cầu nối” đưa những cây giống từ thiện về trồng trên đồi đất Tuần Giáo.

Anh Lò Văn Chính là người đầu tiên làm “cầu nối” đưa giống cây từ thiện về trồng trên đất Tuần Giáo.

Anh Lò Văn Chính chia sẻ: Mình thấy đời sống người dân khó khăn, thiếu thốn, trong khi đất thì để trống rất nhiều; chiều ngược lại, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cực đoan, một phần do rừng bị tàn phá quá nhanh. Mình muốn dân tham gia trồng cây, trồng rừng để trước nhất cải thiện đời sống, sâu xa là cải thiện môi trường, nhưng thuyết phục không phải dễ, vì từ trước đến nay các chương trình trồng rừng trên địa bàn xã, huyện gần như không mấy mang lại hiệu quả, do đó người dân không mặn mà lắm!.

Vận động ròng rã cả tháng trời, phân tích đủ kiểu, với lý lẽ thuyết phục: “Đất là của mình, cây giống nhóm thiện nguyện cho không; cây lớn lên cho quả cũng vẫn của mình được toàn quyền sử dụng, có thể bán lấy tiền, chí ít cũng cho con cháu ăn; thế thì tội gì mà không trồng. Không những thế, trồng cây rồi thì sẽ có rừng; sẽ ít mưa đá, ít nắng hạn, hạn chế lũ ống, lũ quét đi... như thế có phải là con cháu mình được nhờ không...?!”, 10 hộ đầu tiên đã chính thức nhận cây và cam kết trồng, chăm sóc đúng quy trình. Những cây giống đầu tiên này là cây ăn quả được lựa chọn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Tuần Giáo.

Chỉ sau hơn 1 năm, cây lên xanh tốt. Các hộ trong bản, trong xã thấy hiệu quả nên đã tự chủ động làm đơn xin cây về trồng. Giờ đây, anh Chính không còn phải đi vận động nữa, mà người dân tự tìm đến anh để trình bày nguyện vọng trồng rừng. Giống cây trồng cũng bắt đầu đa dạng hơn, từ cây ăn quả, nay đã có thêm nhiều cây rừng khác, như: Mỡ, keo, bạch đàn… Rồi những yêu cầu, cam kết về việc nhận cây thì phải trồng ra sao, chăm sóc thế nào, định kỳ báo cáo tình hình... trước đây có vẻ nặng nề thì giờ hoàn toàn không còn nữa. Số lượng cây bà còn muốn xin cứ nhiều lên, những cộng tác viên như anh Chính bận hơn, vui hơn vì giờ đây mong muốn làm cho rừng rộng ra, và xanh thêm không phải chỉ mình mà là chung của rất rất nhiều người...

Trước kia anh Lò Văn Chính dành nhiều thời gian đi tuyên truyền, vận động bà con nhận cây về trồng; rồi đi từng nhà thăm, kiểm tra xem cây đã được trồng chưa, có tưới nước thường xuyên không, có rào quanh gốc không... thì nay cộng tác viên đắc lực này không cần phải làm mà chuyển sang bận với nhiều việc khác nữa…

2. Người đàn bà nhặt hạt!

"Có một người phụ nữ kỳ lạ, tầm tuổi trung niên, có nhà cửa, con cái đàng hoàng, thậm chí còn có cả một cửa hàng tạp hóa khá lớn ở trung tâm thị trấn Tuần Giáo, ấy vậy mà ngày nào bà cũng ra chợ (khu vực bán hoa quả) lọ mọ nhặt hạt người ta vứt xuống đất, vứt ra rãnh nước. Chả biết người đó nhặt để làm gì mà cho tất vào một cái túi, từ hạt nhãn, hạt mít, vải, xoài... ". Đó là những gì chúng tôi nghe được từ nhiều người dân ở thị trấn Tuần Giáo trong những ngày đầu bà Nguyễn Thị Thắm, cộng tác viên nhóm "Nhân rộng màu xanh cho rừng" quyết tâm nhặt hạt mang về ươm cây giống để trồng rừng. Nhưng điều lạ lẫm ấy cũng được "giải mã", vì chỉ sau mấy hôm mọi người cũng biết rõ, rồi truyền tai nhau, khi đó con mắt ngạc nhiên, dò xét với bà Thắm không còn nữa. Thay vào đó là một phong trào mới, nhiều bà, nhiều chị bán hàng ở chợ cùng nhau gom, nhặt hạt. Có người mua quả về ăn, hôm sau còn mang ra chợ "trả" lại túi hạt cho người bán để nhờ gửi tới bà Thắm và một số người khác trong "Nhóm nhân rộng màu xanh cho rừng". Việc này đã làm cho mô hình trở nên lớn hơn theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì số hạt giống gom được, số người hưởng ứng tăng gấp bội và đương nhiên cả ý nghĩa mang lại màu xanh cho rừng cũng từ đó mà nhân lên.

Bà Nguyễn Thị Thắm bên vườn ươm gia đình.

Như sinh ra để làm từ thiện, bà Nguyễn Thị Thắm là thành viên của nhiều nhóm thiện nguyện, với những hoạt động khác nhau. Ở nhóm "Nhân rộng màu xanh cho rừng", bà Thắm phụ trách địa bàn xã Pú Nhung. Sau hơn 2 năm tham gia hoạt động, với vai trò là người tiếp nhận đơn xin cây, khảo sát thực tế từng vùng, rồi sau khi cấp phát xong lại sâu sát kiểm tra, đôn đốc, nắm tâm tư nguyện vọng bà con… nên bà Thắm gần như thân thuộc mọi bản làng. Đến nay, tại xã Pú Nhung - nơi bà Thắm phụ trách, đã nhân rộng được gần 20ha rừng mới.

Đất trống nhiều, nhu cầu xin cây giống ngày một tăng, trong khi nguồn ủng hộ không thể đáp ứng là lý do bà Thắm nghĩ đến phương án nhặt hạt để ươm cây trao tặng. Không ngừng sáng tạo, thay đổi cách làm để mô hình đạt kết quả cao hơn. Gần đây trong khuôn viên ngôi nhà nhỏ của mình, bà Thắm còn tự ươm và chăm sóc vườn cây để làm từ thiện. Hạt giống mà bà và những người dân nhặt được, phần để ươm rồi tặng cây; phần để hỗ trợ, hướng dẫn người dân tự ươm, tự chăm rồi lớn hơn thì tự trồng rừng cho mình; bà còn gửi tâm huyết theo một cách đầy ý nghĩa nữa đó là gửi hạt vào rừng.

Bà Thắm chia sẻ: "Bán hàng ở đây, hàng ngày tôi gặp và tiếp xúc nhiều với bà con vùng cao, nên tranh thủ tuyên truyền về rừng, về môi trường với họ rất nhiều. Thấy tôi xuất hiện trên ti vi, trên báo, mạng xã hội khi đi làm từ thiện, trao cây giống. Dần dần, người dân cũng quan tâm đến rừng nhiều hơn, họ kể với tôi về nương, về rừng ở chỗ họ sinh sống nhiều hơn... cuối cùng họ thấy vui, thấy hào hứng khi cho tôi gửi nắm hạt giống vào rừng. Tôi muốn khi đồng bào đi nương, đi rừng thì cũng đồng thời mang theo hạt giống mà tôi tặng để gieo...”.   

3. Trả “nợ” rừng…

Sinh ra, lớn lên ở quê lúa Thái Bình, sau khi xây dựng gia đình, cuối năm 2013, vợ chồng anh Nguyễn Khang Dũng lên Điện Biên lập nghiệp. Thừa nhận từng làm nhiều công việc khác nhau để mưu cầu cuộc sống, thế nhưng buôn bán phong lan là nghề chính, giúp anh có thu nhập dễ nhất. Vậy mà, kể từ khi "bén duyên" với nhóm "Nhân rộng màu xanh cho rừng", anh Dũng đã thay đổi hoàn toàn nhận thức về nghề buôn lâm thổ sản - nghề "tiếp tay phá rừng". Anh Dũng tâm sự: Tham gia công tác thiện nguyện cho rừng từ năm 2018, từ đó đến nay không ít lần kinh tế gia đình rơi vào cảnh bấp bênh, song anh không cho phép mình thêm một lần nào nữa làm “tổn thương” rừng. Giờ đây, không những từ bỏ công việc mà anh gọi là "cho nguồn lợi khồng lồ, nhưng không chính đáng" ấy, anh Dũng còn dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết hơn để trả “nợ” cho rừng.

Hiện là Bí thư chi bộ, kiêm công an viên, cựu chiến binh bản Ta Cơn, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, mỗi ngày anh Nguyễn Khang Dũng đều có nhiều việc cần phải giải quyết. Người khác hết việc thì nghỉ ngơi, còn riêng với anh hết việc bản sẽ đến việc thiện nguyện. Nhiều khi, cũng chẳng cần phân biệt rõ "vai" nào, mà thuận lúc nào thì anh tranh thủ lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con trồng rừng, đôn đốc việc chăm sóc cây sao cho hiệu quả... Khi được hỏi về phụ cấp các chức danh thế nào? Anh Dũng bảo: Cũng gọi là đủ mua nước, hoa quả mời cộng tác viên để bà con chăm vườn ươm, nhận cây giống, trồng rừng mà thôi.

Cùng anh đi thăm khu rừng được trồng từ những cây xanh thiện nguyện mới thấy gian nan cực nhọc biết nhường nào. Cả hành trình "thượng sơn" như muốn thử thách lòng người. Đường đi chưa đầy 1m, cheo leo, dốc ngược, xóc như giã gạo, muốn đánh rơi người ngồi phía sau xe máy. Song khi đến nơi, chúng tôi thực sự bất ngờ vì thấy những vạt rừng xanh mướt, cao đến 5 - 6m. Đúng là không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền... Đang là mùa khô, mùa hạn hán Tây Bắc, nhưng cánh rừng trồng của nhóm vẫn xanh tốt, đang ngày càng khép tán, hứa hẹn nhiều thành công.

Trên đường trở về vườn ươm của gia đình mình, anh Nguyễn Khang Dũng nói như khoe: Khu rừng kia chưa phải là đẹp nhất. Nếu có thời gian, tôi sẽ đưa các bạn đến khu rừng khác "đẹp như tranh vẽ", để chứng minh một điều rằng, chỉ cần quyết tâm, đồng lòng thì "sỏi đá cũng thành cơm". Anh Dũng khẳng định: Có đất là có tư liệu sản xuất. Khi mồ hôi đổ xuống thì cây rừng sẽ lên xanh... Còn tại vườn ươm của gia đình anh rộng chừng 80m2, những bầu cây xanh các loại (mỡ, sưa, xoan đào, bồ hòn...) ươm đầu năm 2019 đang phát triển xanh non. Với vẻ tự hào, anh Dũng "khoe": “Hơn 7.000 cây giống đấy. Giờ chỉ chờ vào đầu mùa mưa (cuối tháng 4 đầu tháng 5) là sẽ trao tặng tận tay người dân trong xã để trồng rừng. Chừng này vẫn chưa đủ, vì bà con đăng ký xin nhiều hơn.” Gần đây, nhận thấy hoạt động của Đoàn thanh niên xã Chiềng Sinh có vẻ trầm lắng, anh Dũng đã khớp nối, phối hợp để lực lượng đoàn chung tay. Hy vọng, với sự góp sức của thế hệ trẻ, việc nhân rộng màu xanh cho rừng chắc chắn sẽ còn có nhiều sáng tạo và hiệu quả hơn nữa...

Tình yêu, trách nhiệm và ý thức trồng, chăm sóc rừng đã lan tỏa đến nhiều mái nhà…

Vượt qua rào cản bước đầu và biết bao nỗi nhọc nhằn, những con người với “trái tim xanh” đang từng ngày làm nên kỳ tích bằng sự giác ngộ và tình yêu vốn có với đất, với rừng. Những người như anh Chính, anh Dũng, bà Thắm và còn nhiều hơn thế nữa đã, đang và sẽ dần thay đổi chính cuộc đời mình, quê hương mình. Không chỉ thay đổi nhận thức từ chính họ, mà đã lan tỏa được tình yêu, trách nhiệm và ý thức đối với việc trồng, chăm sóc rừng đến nhiều mái nhà, nhiều người dân nơi họ sinh sống. Thế nhưng, để bảo vệ, tiếp tục nhân rộng những thành quả đó một cách bài bản, đúng định hướng là cả một hành trình rất dài, mà chắc chắn sẽ cần thêm những cái “bắt tay” từ nhiều phía.

Kỳ 3: Trả “nợ” rừng: Cần thêm những cái “bắt tay” 

Bài, ảnh: Hải Yến - Mai Thủy
Bình luận
Back To Top