Cùng suy ngẫm

Trốn… thoát nghèo!

09:07 - Thứ Tư, 25/03/2020 Lượt xem: 8056 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm qua, Ðảng, Nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ hộ nghèo thông qua các chính sách nhằm “kích thích”, tạo động lực giúp hộ nghèo vươn lên. Tuy nhiên được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi đó, một bộ phận người dân sinh tâm lý trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, muốn đến… hẹn để được nhận hỗ trợ, được giúp đỡ nên không hiếm trường hợp xin được công nhận là hộ nghèo, thậm chí có trường hợp trốn… thoát nghèo bằng nhiều cách cần phải lên án.

Có thể kể hàng loạt chính sách ưu đãi với hộ nghèo, như: hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh; miễn học phí; hỗ trợ vay vốn xây nhà ở; hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng, được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, cấp giống vật nuôi, cây trồng... Cũng chính vì được hưởng lợi từ các chính sách ưu việt này mà một bộ phận người nghèo không chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo, cá biệt có không ít hộ bằng mọi cách trốn… thoát nghèo như đã xảy ra ở bản vùng cao xã biên giới S., huyện M., vừa qua. Khi đoàn công tác xã S. đến nắm tình hình, rà soát các hộ thoát nghèo thì chủ nhà lùa trâu, bò lên nương; hộ thì thả lợn ra rừng, có hộ gửi xe máy sang nhà... hàng xóm! Những việc làm không chính đáng này nhằm mục đích qua mặt đoàn công tác, cơ quan chức năng để được tiếp tục công nhận là hộ nghèo.

Trong khi rất nhiều lá đơn xin thoát nghèo, đăng ký thoát nghèo của một bộ phận người nghèo vì muốn tự lực vươn lên, muốn dành nguồn lực đầu tư đó cho các hộ thực sự khó khăn như một làn gió lành, đang lan tỏa thì hành vi trốn… thoát nghèo của một bộ phận người dân cần phải lên án. Chỉ vì cái lợi cá nhân mà quên đi trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội; vì cái lợi riêng mà cố tình khai báo gian dối gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi đi điều tra, rà soát thực trạng thoát nghèo ở các địa phương, ảnh hưởng đến việc đánh giá cũng như xây dựng chính sách cho những hộ nghèo.

Vấn đề ở đây là làm sao đả thông tư tưởng của người nghèo để họ nhận thức đúng, trách nhiệm, tự giác đăng ký phấn đấu thoát nghèo; khai báo trung thực hiện trạng kinh tế gia đình. Bên cạnh đó cũng cần có biện pháp xử lý đủ sức răn đe đối với những hộ có hành vi khai báo không trung thực nhằm cố tình trục lợi từ các chính sách của Ðảng, Nhà nước dành cho người nghèo, hộ nghèo.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top