Người có uy tín - cầu nối giữa Ðảng với dân

09:23 - Thứ Tư, 25/03/2020 Lượt xem: 8855 In bài viết

ĐBP - Tỉnh Ðiện Biên hiện có 1.557 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó: Già làng 368 người; trưởng dòng họ, tộc trưởng 109 người; trưởng thôn, bản và tương đương 197 người; cán bộ nghỉ hưu 146 người; chức sắc tôn giáo 10 người; nhà giáo, thầy thuốc 25 người; 19 người sản xuất kinh doanh giỏi còn lại là thành phần khác. Nhiều năm qua, với sự gương mẫu và uy tín của mình, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Ðiện Biên đã đóng góp tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa tại các thôn, bản; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Ông Lò Văn Tiến, người có uy tín bản Huổi Cắm (đứng giữa) phổ biến thông tin trên báo cho người dân bản Huổi Cắm, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng).

Ông Giàng Trọng Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết: “Trong nếp sống truyền thống của đồng bào các dân tộc Ðiện Biên nói riêng và người dân tộc thiểu số nói chung, những người có uy tín như già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn, bản... luôn có vị trí rất quan trọng. Nắm được vai trò của họ, những năm qua, tỉnh đã luôn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ phát huy tốt vai trò của mình trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội”.

Từ thực tế cho thấy, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc chấp hành chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước như: Không phá rừng, không di cư tự do; không tin và nghe theo lời kẻ xấu kích động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; không tuyên truyền đạo trái pháp luật. Ðồng thời, vận động nhân dân hăng hái tham gia lao động sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo... Người có uy tín còn đi đầu trong tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng những việc làm cụ thể, như: Hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa; góp ngày công lao động; tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; phổ biến pháp luật, giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng...

Ðược sự giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, chúng tôi đến thăm một số người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Gặp gỡ ông Lỳ Go Sàng (dân tộc Hà Nhì), người có uy tín sống tại bản Tả Kố Ky, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé khi ông đang đi tuyên tuyền, phổ biến pháp luật cho bà con trong bản, ông chia sẻ: “Trước đây, bản Tả Kố Ky vẫn còn tình trạng người dân chăn thả gia súc tự do ở khu vực biên giới Việt - Trung và Việt - Lào, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự khu vực, nhiều lần cán bộ xã, bản đã tuyên truyền, vận động nhưng ý thức bà con vẫn chưa thay đổi. Với vai trò là già làng, trưởng dòng họ, tôi đã vào từng nhà dân trong bản để trao đổi với bà con. Do tôi là người cao tuổi, có uy tín trong bản nên bà con tôn trọng và dần lắng nghe lời tôi tuyên truyền. Ðến nay, bản tôi không còn ai chăn thả gia súc tự do sát biên giới nữa, bà con chỉ chăn thả tập trung cạnh bìa rừng ở gần bản thôi”.

Dù tuổi đã cao, nhưng ông Sàng vẫn nhanh nhẹn, dẻo dai. Ông thường đi bộ tới từng nhà trong bản, đọc cho họ nghe những nội dung tuyên truyền trên panô, áp phích, văn bản giấy tờ của xã, của huyện; hàng tuần ông vẫn cùng cán bộ biên phòng đi tuần tra bảo vệ đường biên, cột mộc, cùng kiểm lâm địa bàn tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu chia sẻ: “Những việc làm thiết thực của ông Sàng đã củng cố thêm niềm tin của người dân địa bàn đối với ông. Từ đó ông càng phát huy tốt vai trò của người có uy tín, giúp xã tuyên truyền, định hướng cho bà con nghe theo chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước”.

Nhờ có những người uy tín đi đầu, làm gương phát triển kinh tế, bà con dân tộc thiểu số đã dần thay đổi tư tưởng và phương thức lao động sản xuất để xóa đói, giảm nghèo. Như trường hợp của ông Tao Văn Vin (dân tộc Thái), người có uy tín sinh sống tại bản Cấu, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ. Vốn là trưởng dòng họ Tao nổi tiếng với số hộ, số khẩu đông đảo trong bản Cấu và xã Chà Nưa, ông Vin đã đi đầu trong việc phát triển kinh tế bằng việc mạnh dạn vay vốn làm mô hình VAC. Ðồng thời, ông Vin đi học hỏi kinh nghiệm để chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại; trồng cây ăn quả để bán ra thị trường... Nhờ cách làm quy mô, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi, trồng hiệu quả, chỉ vài năm ông Vin đã trả hết các khoản vay và trở thành hộ khá giả trong bản Cấu. Chia sẻ với chúng tôi, ông Vin cho biết: “Tôi là trưởng dòng họ nên luôn được bà con trong bản tin tưởng, kính trọng. Phát huy điều đó, tôi đã đi đầu và vận động bà con cùng làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ðến nay, hơn 30 hộ dân trong bản đều làm mô hình VAC như gia đình tôi; các hộ đã thoát nghèo và có điều kiện cho con, cháu ăn học”.

Bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ðiện Biên đã khẳng định vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín đã thực sự trở thành “cầu nối” vững chắc giữa ý Ðảng - lòng dân; giúp cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top