Về nơi cửa thép Him Lam

09:34 - Thứ Năm, 26/03/2020 Lượt xem: 10634 In bài viết

ĐBP - Thấy tôi hứng khởi với chủ đề Him Lam sẽ thể hiện trong chuyến lên Ðiện Biên giữa mùa ban nở, nhà báo Nguyễn Vân Chương, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hiện là Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Ðiện Biên, năng nổ dẫn tôi lên ngọn đồi nơi có tấm bia hình tập sách mở, mang biển hiệu: CỨ ÐIỂM I. Dòng đầu viết: Cứ điểm I là điểm tựa chủ yếu của Trung tâm đề kháng Him Lam; cơ sở chỉ huy yết hầu (thuộc bán Lữ đoàn lê dương số 13 chốt giữ”. Dòng dưới ghi: Trung Ðoàn 141, Ðại đoàn 312 làm nhiệm vụ chủ công đánh vào cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954”. Vẻn vẹn bấy nhiêu từ với 2 câu gọn gàng như hai vế đối ăm ắp thông tin giữa 2 thế lực: Ta và địch. Người thắng kẻ thua. Hiển vinh và cay đắng!...

Thăm di tích Him Lam. Ảnh: Nguyễn Uyển

Sau ít phút hồi tưởng, giọng thanh thoát, ông Vân Chương thao thao thuyết minh: Him Lam được mệnh danh là “Cánh cửa thép” của Tập đoàn Cứ điểm thực dân Pháp tại Ðiện Biên Phủ, với 3 điểm chốt trên ba quả đồi liền kề theo thế chân kiềng, án ngữ con đường độc đạo Tuần Giáo - Ðiện Biên cách Trung tâm Mường Thanh hơn 2 cây số. Quân Pháp đổ vào đây tới gần ngàn lính thuộc Tiểu đoàn 3, bán Lữ đoàn lê dương số 13 - một trong những đơn vị thiện chiến nhất. Chúng dương dương tự đắc Him Lam là trung tâm đề kháng bất khả xâm phạm, là cối xay thịt khổng lồ nếu bộ đội Cụ Hồ liều lĩnh!... Cho nên Him Lam được Bộ Chỉ huy mặt trận của ta xác định rõ và lấy đây làm trận đánh mở màn. Quyết định này được giao cho Ðại đoàn 312... Những gì tôi đã học, đã nghe, đã đọc lịch sử hùng tráng về chiến tranh vệ quốc, cùng những lần thăm di tích nơi đây cứ hiện về trong kí ức mỗi lúc một rõ ràng.

Ðưa mắt về núi Pú Hồng nơi ngày ngày đón mặt trời lên; xoay sang phía Tây núi giăng giăng che tầm mắt có tên gọi Pú Tà Cọ nơi rải chiếu cho ông mặt trời đi ngủ. Ngước mắt lên - trời xanh, mây trắng. Xuôi xa đồng Mường Thanh huyền ảo như thực như mơ. Mường Thanh là Mường Trời. Mường Trời ôm vào lòng đồng ruộng mông mênh. Hạt gạo ngon nức tiếng. Mường Trời luôn cho nắng giúp cây lúa quang hợp sâu, cho biên độ nóng lạnh chênh chao rộng giữa đêm với ngày. Gạo là nhân của thóc. Thóc nào, nhân ấy! Mường Trời - Mường Thanh không chỉ nổi tiếng với cơm thơm, gạo trắng. Nơi đây còn là điểm mốc rạng rỡ nhất của chiến tranh nhân dân, của ý chí và mưu lược tinh tường của tướng Giáp đã làm tan nát mộng xâm lăng của những thế lực luôn cậy vào vũ khí giết người tối tân. Tôi không rõ thâm ý sâu xa của Tổng thống nước Pháp, hồi tháng 3 năm 1993 ông Phrăngxoa - Mitơrăng tới thăm di tích hầm bại tướng Ðờ Cát-tơ-ri ở cánh đồng Mường Thanh là gì. Nhưng, chắc chắn ông sẽ rất nằm lòng về những con số đắng cay của nước đại Pháp từ 49 năm trước tại đây (tính tới năm 1993): Cuối ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của bộ đội Cụ Hồ đã tung bay trên nóc hầm này. Hơn một vạn lính thiện chiến của nước Pháp kéo cờ trắng đầu hàng. 16.200 lính, cùng 1 thiếu tướng, 353 sĩ quan bị bộ đội Việt Nam tiêu diệt và bắt sống. Hơn 60 máy bay, cùng toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh bị phá hủy!... Chắc chắn, Tổng thống không nghĩ tới và biết tới chính trận đánh tối ngày 13/3/1954 do Tướng Giáp chỉ huy “Ðánh chắc tiến chắc” theo chỉ dặn của Cụ Hồ đã tạo nên thảm họa cho quân viễn chinh Pháp vào chập tối ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm “Mở cửa thép Him Lam”!...

Him Lam - Ðịa danh “Ðề kháng”, “Cửa thép” kiên cố nhất lại là trận đánh thắng hoàn hảo nhất của quân đội ta, mở màn cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ 66 năm về trước. Ðịa danh ấy được gìn giữ, tôn tạo, xây lắp hàng rào, hố bắn, hệ thống hầm hào quanh đồi được gia cố bằng bê tông giả đất vững  như nguyên trạng. Bức phù điêu Anh hùng Phan Ðình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai sát thực, thường quây tụ các cháu thiếu niên nghe Cựu chiến binh kể chuyện về Anh hùng Phan Ðình Giót, Bế Văn Ðàn, Tô Vĩnh Diện... Từ ngọn đồi, thả tầm mắt thấy rất rõ một Ðiện Biên không chỉ đẹp bởi quần thể di tích liên hoàn rộng lớn, bởi các cụm tượng đài của những chiến công mà mỗi khi nhắc tới Ðiện Biên Phủ là nhớ đến Mường Phăng, Him Lam, Hồng Cúm; đồi Ðộc Lập, bản Kéo, đồi A1, Trung tâm Tập đoàn Cứ điểm Ðiện Biên Phủ... mà còn nao nao về một Ðiện Biên xưa là rừng rú, hoang tàn, thưa vắng bởi chiến tranh, bởi núi cao vực thẳng... đã vươn lên thành “phố núi”, vượt lên thành thành phố Ðiện Biên Phủ; đêm đêm lên đèn ngỡ như cõi mộng mơ!...

Hơn 66 năm trước, số dân ở Him Lam chỉ đếm trên mấy chục đốt tay. Nay ông Hà Văn Ðông, Lò Văn Diên trong vai Bí thư Ðảng ủy và Chủ tịch phường vanh vách với chúng tôi: Him Lam lên phường từ năm 1992, là “thủ phủ” của các cơ quan thuộc lực lượng mạnh. Him Lam có diện tích 600ha, nhưng đất nông nghiệp vót vét chỉ còn 20ha. Số dân tới 11.000 người, với 2.600 hộ, 14 dân tộc, trong đó Thái đen chiếm phần đa... Ðô thị hóa bùng nổ. Phố xá mở ra. Thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển. Ðời sống khấm khá hẳn lên. Cả phường chỉ còn vài ba hộ thuộc diện nghèo!...

Ðường phố phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) hôm nay. Ảnh: Đức Huy

Gợi chuyện phương cách đi tới của Him Lam, các nhà lãnh đạo tỏ ra dè dặt... xoay sang cái vướng, cái khó, rằng: Phường chưa có công viên, vườn hoa... nhiều khát khao nhưng cũng còn nhiều chỗ vướng... quyền lợi của dân chưa được chú trọng... nơi nọ mở cho được đoạn đường thì dìm ngập tới 5 - 6ha ruộng đôi ba vụ; dân kêu, chúng tôi nói cho dân cũng chẳng thấu, nên chưa được khắc phục... Nhời thế ấy khiến tôi chạnh nhớ tới hôm gặp cụ Nguyễn Hữu Chấp, nguyên Chủ tịch Hội cựu Chiến binh phường, nguyên Khẩu đội trưởng cối 82, Tiểu đoàn 166 khai hỏa trận đánh mở màn Him Lam, giọng phầm phập nói về dân chủ. Nào là, phải có dân chủ, nhờ dân chủ mới mong huy động sức dân để đẩy phường tiến lên. Nào là, dân là gốc, cho nên mọi việc nhất là xây dựng, hoặc tiến hành các dự án lớn nhỏ, trên dưới cần bàn bạc với dân. Dân chưa hiểu thì giải thích. Biết tỏ, hiểu rõ, họ sẽ nghe, sẽ làm, sẽ thực hiện... Tỉnh cũng vậy, huyện, phường cũng thế; có dân chủ, biết nghe dân mới mong đổi mới, mới mong phát triển toàn diện!...

Khó nhớ hết những lần chúng tôi tâm tình, chia sẻ công việc với các vị lãnh đạo tỉnh Ðiện Biên, ngoài những thành công trong các lĩnh vực, trong cái mới, cái hay đạt được thì việc xóa đói giảm nghèo cho dân vùng sâu vùng xa vẫn là cái khó muôn thuở... Cho dù năm qua, thành tích thu được về kinh tế của Ðiện Biên là khả dĩ, được ghi bằng câu chữ mộc mạc, ngắn gọn: “Tái cơ cấu nông nghiệp đã đi đúng theo định hướng và đạt được kết quả bước đầu, các quy hoạch được triển khai, các dự án thủy điện, dự án đầu tư theo hình thức BT, PPP được cấp phép đầu tư và được triển khai...”. Cho dù năm 2020 này, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, cùng các giải pháp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội định ra khá rõ, hấp dẫn... nhưng hình như vẫn thiếu đà, thiếu lực, vẫn thiếu một phương cách tấn công xóa đói giảm nghèo chắc thắng như phương cách quân đội ta đánh Him Lam mở màn cho Chiến dịch Chiến thắng Ðiện Biên Phủ 66 năm về trước.

Mong là thế, bởi Ðiện Biên mãi mãi là niềm ngưỡng mộ của nhân dân ta và nhân loại trên toàn thế giới. Mãi là đất gọi khách. Ðất của tình người thân thiết, thủy chung!

Bút kí của Nguyễn Uyển

Bình luận
Back To Top