Những người thầm lặng "vá rừng"

Kỳ 3: Trả “nợ” rừng: Cần thêm những cái “bắt tay”

14:29 - Thứ Năm, 26/03/2020 Lượt xem: 11793 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi đến bản Phiêng Pi, xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) vào những ngày cuối năm 2019. Con đường về bản là một đại công trường vì máy ủi, máy xúc đang san gạt, cắt cua, mở rộng nền đường. Hơn 1 giờ chủ yếu là ngược dốc, cuối cùng cũng đến nơi. Bản Phiêng Pi nằm trải dài trên một sườn núi, bao bọc xung quanh là rừng, nhưng không còn thấy bóng dáng của những cây cổ thụ. Tấm băng rôn màu đỏ nổi bật, với dòng chữ “Nhân rộng màu xanh cho rừng” hiện ra trước mắt, là một trong những tín hiệu khả quan đầu tiên, giúp chúng tôi lấy lại hy vọng về rừng ở đây…

Kỳ 1: Trao mầm xanh… trao hy vọng!

Kỳ 2: Tự hào những "trái tim xanh"

Hôm nay là ngày nhóm "Nhân rộng màu xanh cho rừng" hẹn lên trao hạt giống cây và hướng dẫn kỹ thuật ươm cây giống cho bà con bản Phiêng Pi. Trước một khoảng sân rộng ngay đầu bản, ông Vừ A Kỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhung và một số bà con đã chờ sẵn từ lâu. Cuộc trao đổi thống nhất cách làm giữa bà Trần Thị Phúc, Phụ trách nhóm tại Điện Biên và đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Vừ A Kỷ diễn ra khá nhanh gọn, vì chủ yếu là vừa làm vừa hướng dẫn triển khai và thống nhất cụ thể luôn. Tại nơi hẹn, hàng nghìn bầu đất đã được đóng sẵn và xếp ngay ngắn. Bên cạnh đó, đống đất mịn, pha trộn khá tỉ mỉ các thành phần phân hưu cơ, phân xanh... cũng được chuẩn bị, sẵn sàng đóng bầu thêm khi cần.

Cuộc trao đổi thống nhất giữa ông Vừ A Kỷ và bà Trần Thị Phúc trước khi triển khai hướng dẫn ươm cây.

Ông Vừ A Kỷ cho biết: “Chúng tôi có duyên gặp được nhóm Nhân rộng màu xanh cho rừng thông qua sự kết nối của đồng chí Phó chánh Văn phòng UBND huyện Tuần Giáo, Đỗ Văn Sơn. Nói thật, lúc đầu không chỉ bà con, mà tôi cũng hoài nghi. Nhưng anh Sơn có vẻ tin tưởng và động viên chúng tôi phải quyết tâm. Cho đến nay, khi nhìn hơn 20ha đồi trọc tại Phiêng Pi được phủ xanh, ai cũng mừng!”.

Rồi ông Kỷ kể: Trước kia, Pú Nhung có nhiều rừng lắm! Nhưng một thời gian khai thác quá đà, nên 43% diện tích rừng hiện có của xã chủ yếu còn lại là lau lách. 2 năm gần đây, nhiều người dân Pú Nhung bắt đầu thay đổi nhận thức. Họ tự giác xin cây về trồng rừng và ý thức chăm sóc cũng tốt hơn. Không những vậy, với sự hỗ trợ, giúp đỡ cả về hạt giống, kỹ thuật của nhóm "Nhân rộng màu xanh cho rừng", mỗi nhóm dân cư ở đây đã bắt đầu gây dựng nên những vườn ươm quy mô nhỏ. Nếu tiếp tục được quan tâm hỗ trợ như thế, ông Kỷ tin tưởng rằng, việc ươm cây và trồng rừng chắc chắn sẽ trở thành phong trào, được đông đảo bà con trong xã Pú Nhung nhiệt tình hưởng ứng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương, định hướng của chính quyền xã là tiến tới chuyển đổi những diện tích lau lách, diện tích nương bạc màu, kém hiệu quả sang trồng rừng để vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo sinh kế giúp người dân có thể sống được bằng rừng. Và tất nhiên, mục tiêu đó không gì hiệu quả hơn khi được bắt đầu từ chính người dân.

Sự chủ động hưởng ứng của chính quyền và người dân nơi đây trong việc trồng cây gây rừng mà chúng tôi ghi nhận được đã lý giải vì sao, cùng với Pú Nhung, thì Chiềng Sinh và Quài Cang hiện đang là những địa bàn có diện tích rừng được trồng theo mô hình thiện nguyện nhiều nhất ở Tuần Giáo. Song dẫu vậy, cũng chính tại nơi này, vẫn còn có những băn khoăn, trăn trở nhất định. Anh Nguyễn Khang Dũng, Bí thư chi bộ bản Ta Cơn, xã Chiềng Sinh đã từng chia sẻ: Thực tế ở xã, có người dân chưa thực sự hào hứng tham gia trồng rừng là vì, không phải trồng theo mô hình nào cũng được nghiệm thu, thanh toán. Trong khi việc trồng rừng ở tỉnh ta gặp nhiều khó khăn do đời sống người dân còn nghèo; điều kiện khí hậu không thuận lợi, về thổ nhưỡng, địa hình lại rất phức tạp... Nếu có sự "bắt tay" giữa các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể thì chắc chắn việc trồng rừng mới đạt kết quả cao được.

Thứ mà nhóm Nhân rộng màu xanh cho rừng đang “gieo” không chỉ là hạt mầm, mà cả sự thay đổi trong nhận thức và trách nhiệm…

Mang theo hình ảnh về những mảng đồi trọc đang dần được phủ xanh, cùng với đó là kỳ vọng và cả trăn trở sau hành trình đồng hành với những con người có tình yêu đặc biệt với rừng, chúng tôi tìm đến bà Mai Hương, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), để có cái nhìn mang tính toàn diện hơn từ phía cơ quan quản lý, chuyên môn. Đánh giá khá tích cực về hoạt động hỗ trợ trồng rừng của các tổ chức xã hội từ thiện trong việc chung tay cùng địa phương nâng tỷ lệ che phủ rừng, cũng như thay đổi nhận thức, sự chủ động của người dân về trách nhiệm trồng, chăm sóc rừng, nhất là trong bối cảnh các chương trình trồng rừng của Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bà Mai Hương cũng thừa nhận mới chỉ nghe nói đến các hoạt động này tại Điện Biên là do một số cá nhân từ thiện, chủ yếu là từ các tỉnh khác lên và mua cây giống tại một số doanh nghiệp ươm cây trên địa bàn, chứ trên thực tế chưa có sự kết nối cụ thể, bài bản nào giữa các bên được thực hiện, cũng chưa có đơn vị cơ sở nào có số liệu báo cáo cụ thể về kết quả của các hoạt động này, nên rất khó để có đánh giá và đưa ra định hướng.

Nếu để nhìn nhận trên phương diện là một hoạt động nhân đạo từ thiện, thì có thể khẳng định đã mang lại những hiệu quả thiết thực, ít nhất là từ sự đổi thay của mỗi người dân vùng thụ hưởng. Song để đi một chặng đường dài, thì có lẽ vẫn còn nhiều việc cần được bàn thảo, thống nhất, nhất là phải khắc phục những “khoảng trống” về nhận thức trong đại bộ phận người dân sống ven rừng, đang hàng ngày hưởng lợi từ rừng. Trước vấn đề này, theo bà Mai Hương: Xét về góc độ chuyên môn, để có kết quả trồng rừng tốt nhất thì các hạt giống, cây giống khi trồng cần phải có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng; được đảm bảo về chất lượng. Sự sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm từ các tổ chức xã hội từ thiện là rất đáng trân trọng và cần thiết, nhưng chưa đủ. Sẽ toàn diện hơn nếu có sự cộng hưởng từ trách nhiệm của chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở và các cơ quan chuyên môn. Làm được điều này, sẽ lấp được những “khoảng trống” còn thiếu trong quy hoạch, yêu cầu chất lượng về rừng; với cơ sở nếu có sự hợp tác cũng sẽ được hỗ trợ tốt hơn, bài bản hơn về kỹ thuật lựa chọn loại cây phù hợp từng địa bàn, thổ nhưỡng, khí hậu; tư vấn kỹ thuật ươm, chăm sóc, trồng cây... “Chính vì vậy, thời gian sắp tới, đơn vị sẽ chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện ươm, trồng các loại cây rừng theo hình thức thiện nguyện, để có sự phối hợp toàn diện. Đồng thời cũng mong muốn các cá nhân, tổ chức có tâm huyết với rừng cũng sẽ làm điều ngược lại, với một mục tiêu chung là tất cả vì màu xanh của rừng” - bà Mai Hương khẳng định.

Sau khi đi hết một hành trình, hiểu rõ về từng nhân vật, từng cách làm; được nghe chia sẻ rất nhiều từ những nhân vật của mình, kể cả những người đi làm thiện nguyện vì màu xanh của rừng, những người dân và cả chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng, chuyên môn... thì chúng tôi không thể phủ nhận rằng: Thứ mà nhóm "Nhân rộng màu xanh cho rừng" đang “gieo” trên đất Điện Biên không chỉ là những hạt mầm, với hy vọng góp phần không nhỏ vào công tác phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu địa phương; mà đó còn là sự đổi thay trong nhận thức, ý thức chủ động và trách nhiệm của cộng đồng đối với rừng. Sự nhân lên không phải chỉ là số cây được trao tặng, số hạt được ươm mầm, số diện tích rừng đã xanh mà còn nhân cả số lượng tập thể, cá nhân tham gia thiện nguyện cho rừng. Và bằng sự chủ động, tích cực, mỗi cá nhân với sự tâm huyết đã có những sáng tạo của riêng mình, cống hiến bằng nhiều cách làm khác nhau... Họ đã vượt xa mục tiêu ban đầu và trở thành những cánh tay nối dài, làm cho hoạt động thiện nguyện cho rừng không ngừng lớn mạnh. Song để hướng đến những mục tiêu lớn hơn, chúng tôi cho rằng cần có sự thay đổi. Thay đổi để cộng hưởng ưu thế đã khẳng định được thời gian qua và nhiều thế mạnh khác mà chính quyền, đoàn thể và cơ quan chuyên môn có được... Nói một cách khác, là cần thêm những cái “bắt tay” nhịp nhàng hơn nữa.

Những cây keo được trồng năm 2018 mang lại màu xanh cho những cánh rừng…

“Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây. Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người...”. Kết thúc câu chuyện về những con người lặng thầm “vá rừng” trên mảnh đất cực Tây của Tổ quốc, cũng là lúc chúng tôi thoáng nghe đâu đó những ca từ ý nghĩa của bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn. Một lần nữa, như muốn nhắc nhở rằng, dẫu có là ai, ở đâu thì cuộc sống mỗi chúng ta đều liên quan đến rừng, phụ thuộc vào rừng. Bởi thế, khi nhìn về mỗi cánh rừng, đều gợi người ta nhớ đến hình ảnh, trách nhiệm của rất nhiều người… Vậy thì, xin đừng để ai phải “đơn phương” trên hành trình trả lại màu xanh cho rừng!

Bài, ảnh: Hải Yến, Mai Thủy
Bình luận
Back To Top