Niềm tin nơi biên viễn Na Cô Sa

09:04 - Thứ Năm, 16/04/2020 Lượt xem: 9915 In bài viết

ĐBP - 1. Mặc dù đã hẹn trước song khi đến trụ sở thì Chủ tịch UBND xã Na Cô Sa Giàng A Tủa lại có việc bận. Một đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã mời chúng tôi vào phòng chủ tịch xã ngồi chờ. Căn phòng nhỏ, đồ đạc đơn giản nhưng khá gọn gàng. Cỡ một tuần trà thì Giàng A Tủa từ phòng họp trên tầng hai xuống, tươi cười bắt tay, nói như thanh minh: “Xin lỗi các anh, em vừa phải chủ trì cuộc họp về việc giải quyết vụ tranh chấp trâu giữa hai hộ dân”. Thế giải quyết xong chưa? - tôi hỏi vị chủ tịch xã trẻ tuổi. “Chưa đâu anh ạ. Người cho mình là “chính chủ” thì mang trâu đến rồi. Còn đang đợi người nhận con trâu “giống trâu của nhà mình” đến nữa. Rắc rối lắm”!

Tác giả trò chuyện cùng anh Hờ A Tủa, bản Huổi Thủng 2, xã Na Cô Sa.

Con trâu là tài sản lớn đối với người dân Na Cô Sa. Thế nên chính quyền xã phải làm rõ được vấn đề “trâu của nhà ai phải về nhà đó” cho dù căn cứ để xử lý nhiều khi rất khó. Trong khi cách nhìn nhận và chứng minh tài sản của người dân vẫn nặng cảm tính, mang đậm tập quán và thói quen chăn thả của đồng bào dân tộc thiểu số. Ða phần người dân Na Cô Sa còn nghèo, đời sống khó khăn. Với bà con miền biên viễn này thì con trâu không chỉ là “đầu cơ nghiệp” mà còn là “cả cơ nghiệp”. Bởi ngoài dùng sức kéo để sản xuất trên nương dốc hay những ruộng bậc thang chênh vênh sườn đồi, trâu còn được nuôi để sinh sản. Tiền bán một con trâu là khoản thu nhập rất lớn đối với người dân vùng cao, biên giới. Người dân cũng chỉ bán trâu khi có việc lớn như: Làm nhà, mua xe máy. Thế nên, chăn nuôi gia súc nói chung, trâu bò nói riêng đang khá phát triển ở Na Cô Sa. Năm 2019, phát triển đàn trâu là một trong những tiêu chí sản xuất mà xã Na Cô Sa vượt kế hoạch huyện giao, với tổng đàn 2.136 con.

“So với trước kia thì Na Cô Sa thay đổi nhiều rồi song vẫn khó khăn lắm anh ạ! Xã còn trên 80% hộ nghèo” - Giàng A Tủa giãi bày. “Khó từ nhiều phía, cả khách quan lẫn chủ quan. Anh đi thực tế thì biết rồi đấy. Giao thông rất khó khăn, đặc biệt là đường đến các thôn, bản; vào mùa mưa thì nhiều đoạn đi bộ cũng rất vất vả. Người dân thì sống không tập trung, trình độ nhận thức còn hạn chế. Xã đặt quyết tâm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Song phải từ từ từng bước, không nóng vội được!”.

Một số ý chia sẻ của Chủ tịch xã Giàng A Tủa tôi cũng đã cảm nhận thực tế trong khoảng một ngày qua, kể từ khi đến xã biên giới này. Na Cô Sa cách thành phố Ðiện Biên Phủ gần 200km theo hướng quốc lộ 4H; cách trung tâm huyện Nậm Pồ 32km. Ðịa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi núi với độ cao từ 800m - 1.500m, nhiều khe sâu nên khó khăn về giao thông là cái dễ nhận thấy đầu tiên khi đến địa bàn.

Quay lại thời điểm hơn 3 thập kỷ trước, Na Cô Sa là vùng rừng rậm hoang vu, không có người ở. Bắt đầu từ cuối thập kỷ 80 và những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, người Mông từ các tỉnh khu vực Tây Bắc và một số huyện của tỉnh Lai Châu cũ với những bước chân không mỏi xuyên rừng vượt suối tìm đất mưu sinh đã di cư vào địa bàn, hình thành nên các cộng đồng dân cư đầu tiên. Cho đến gần 20 năm sau, khi được chia tách, thành lập từ xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé (theo Nghị định số 17/NÐ-CP ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ), xã Na Cô Sa mới có 2.367 nhân khẩu. Người dân ngày đó chủ yếu là chăn nuôi, canh tác trên nương theo phương thức truyền thống; chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà phụ thuộc vào “nắng, mưa của ông trời” nên sản lượng thu hoạch đã ít lại còn phập phù theo thời tiết. Khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, qua rà soát, Na Cô Sa nhận danh hiệu buồn: Xã “trắng” tiêu chí nông thôn mới.

Một góc bản Huổi Thủng 2, xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ). Ảnh: Tuấn Anh

2. Thời gian cuộn trôi như nước suối Na Cô Sa mùa lũ! Lại 10 năm nữa qua đi. Na Cô Sa “trưởng thành” hơn và trong khoảng thời gian này đã “chuyển khẩu” về huyện Nậm Pồ (theo Nghị quyết số 45-NQ/CP của Chính phủ). Với hàng loạt chương trình hỗ trợ, đầu tư nhằm xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Ðảng, Nhà nước, của tỉnh cùng sự nỗ lực của cán bộ và người dân, Na Cô Sa đã từng bước chuyển mình. Năm 2019, dân số Na Cô Sa đạt hơn 5.880 nhân khẩu thuộc 1.015 hộ, sinh sống tại 11 bản. Từ xã “trắng” tiêu chí, Na Cô Sa đã phấn đấu đạt 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Câu chuyện giữa chúng tôi và Chủ tịch UBND xã Na Cô Sa Giàng A Tủa trong một buổi chiều biên giới ẩm ướt dường như ấm lên khi anh bày tỏ những điều tâm đắc: “Năm 2019, toàn xã khai hoang được 8,4ha ruộng nước. Ðây là thành tích mà cấp ủy, chính quyền xã rất phấn khởi”. Tôi cảm nhận rõ sự phấn chấn trên gương mặt của vị chủ tịch xã mới chớm tuổi “Tam thập nhi lập”. Vui mừng, phấn khởi là đương nhiên! Bởi khai hoang để mở rộng diện tích lúa nước là sự chuyển biến về cả nhận thức và hành động, không chỉ của người dân Na Cô Sa mà tại nhiều xã khác trên địa bàn huyện Nậm Pồ nói chung. Tuy rằng, lúa nước cơ bản mới sản xuất được 1 vụ nhưng sự dịch chuyển từ “trên nương” xuống “dưới ruộng” là kết quả của một quá trình tuyên truyền, vận động đầy gian nan mà giá trị đầu tư khó có thể định lượng. Trước đây, bà con chủ yếu trồng lúa nương, năng suất thấp nên tỷ lệ hộ thiếu đói cao. Nếu làm phép tính cụ thể: Với 151,6ha lúa nước, vụ mùa 2019 thu hoạch 682,2 tấn thóc, chỉ ít hơn gần 243 tấn so với tổng sản lượng lúa nương trong khi diện tích lúa nương lớn gấp 4,2 lần thì mới thấy rõ hiệu quả của việc sản xuất lúa nước.

Sau 10 năm thành lập, dân số xã Na Cô Sa đã tăng thêm hơn 3.500 nhân khẩu. Dân số tăng nhanh do việc sinh đẻ chưa theo kế hoạch. Hơn nữa, nhiều người dân nơi đây vẫn còn theo quan niệm từ thời ông cha đi tìm đất mưu sinh nơi rừng hoang núi thẳm là phải đẻ nhiều để có người làm nương, có anh em họ hàng để những khi việc lớn như: Làm nhà, ma chay, cưới hỏi... còn giúp đỡ nhau. Dân số tăng nhanh nhưng về mật độ dân số thì Na Cô Sa thuộc những xã thấp nhất cả nước với khoảng 47 người/km2 (theo số liệu của Tổng Cục thống kê, mật độ dân số nước ta năm 2019 là 290 người/km2).

3. Cán bộ văn hóa xã Lường Thị Minh cùng chúng tôi đến bản Huổi Thủng 2 - là bản chị được xã phân công phụ trách. 137 hộ dân định cư thành 3 nhóm dọc 2 ta luy âm - dương của con đường liên huyện. Một gia đình ở đầu bản đang rôm rả chuẩn bị đám cưới cho con. Thấy khách lạ nhưng nhiều người vẫn tươi cười chào hỏi. Bản Huổi Thủng 2 và Na Cô Sa 3 là “trọng điểm” diễn ra cái gọi là tà đạo “Giê Sùa”, xuất hiện từ năm 2017. Thời điểm cao nhất, bản Huổi Thủng 2 có 47 hộ chia làm 2 nhóm; nhóm 1 có 31 hộ, 186 khẩu, nhóm 2 có 16 hộ, 89 khẩu theo tà đạo “Giê Sùa”. Ðây cũng là địa bàn diễn ra cuộc vận động, đấu tranh căng thẳng nhất giữa lực lượng chức năng huyện, Ðồn Biên phòng Na Cô Sa và cấp ủy, chính quyền địa phương với những người theo “Giê Sùa”.

Chúng tôi vào thăm nhà Hờ A Tủa, một trong những người trước đây tin theo “Giê Sùa”. Ðó là một thanh niên thấp đậm, nhìn bề ngoài cũng hiền lành. Thời điểm những hoạt động theo “Giê Sùa” còn diễn ra, ngôi nhà của bố đẻ Hờ A Tủa là nơi tập trung cầu nguyện của những người tin theo “Giê Sùa”. Khi được hỏi từ đâu mà lại nghe và tin theo “Giê Sùa”, Hờ A Tủa cho biết: “Cái này người ta bảo nhau xem trên mạng thôi (mạng internet trên điện thoại di động - PV). Lúc đầu thì cũng không tin đâu, nhưng xem nhiều mạng quá nên cũng tin theo. Từ khi cán bộ bảo mình không theo thì mình thôi. Bây giờ thì mình chỉ theo tôn giáo Nhà nước cho phép”.

Sau khi xóa bỏ “Giê Sùa”, những nếp nhà người Mông dựa lưng núi ở bản Huổi Thủng 2 hay Na Cô Sa 3 đã yên ả, bình lặng. Những người theo “Giê Sùa” giờ đây trở lại với tôn giáo thuần túy và công việc mưu sinh thường kỳ: Làm nương, gieo hạt… Phong tục của người Mông vốn có mối quan hệ mật thiết với nhau trong cộng đồng, dòng tộc để giúp đỡ nhau khi gia đình có công việc. Thế nên khi được tuyên truyền, vận động đã có kẻ ngụy biện rằng cùng đi cầu nguyện là thể hiện sự đoàn kết trong cộng đồng. Ngẫm rằng, mỗi người cần phải có một niềm tin trong cuộc sống để vượt qua khó khăn. Nhưng người dân thật thà, hiền lành nơi biên viễn này không biết rằng mình bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động để làm theo ý đồ của chúng. Bây giờ thì nhiều người Mông ở Na Cô Sa đã hiểu rõ bản chất, âm mưu của kẻ xấu. Họ đã nhận ra niềm tin của mình đặt nhầm chỗ, bị lợi dụng. Họ cũng đã thấy hoàn cảnh những gia đình vất vả, nghèo khó bởi trụ cột lao động tin và đi theo kẻ xấu. Nhưng chuyện đó đã qua rồi! Người dân giờ ổn định cuộc sống, ngoài gieo lúa nương, cấy ruộng nước còn trồng ngô, khoai, sắn, lạc, đậu tương.

Trên đường về xã, chị Lường Thị Minh chia sẻ thêm tin vui: Năm 2019, toàn xã Na Cô Sa có 74 hộ thoát nghèo, trong đó bản Huổi Thủng 2 có nhiều nhất với 19 hộ. Tôi chợt thấy lòng ấm áp. Mừng cho Na Cô Sa dẫu rằng phía trước vẫn còn một hành trình đầy khó khăn, thách thức!

Nhất Nguyên
Bình luận
Back To Top